Gỡ vướng thủ tục cho các sản phẩm nông nghiệp
Ngày 4/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã chủ trì buổi làm việc với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp để hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng tiêu chuẩn hàng hóa.

Cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật của từng lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Ảnh minh họa: Lê Minh.
Cuộc họp có 9 Hội/Hiệp hội ngành nông nghiệp, bao gồm Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hội Thú y Việt Nam, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, Hiệp hội Thuốc Thú y Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, và Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhìn nhận Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật yêu cầu doanh nghiệp phải công bố hợp quy cho tất cả sản phẩm và quy trình có quy chuẩn kỹ thuật, dẫn đến sự trùng lặp trong quản lý.
Chi phí công bố hợp quy cũng là một gánh nặng lớn. Theo ông Dương, trung bình mỗi sản phẩm phải chi từ 3-5 triệu đồng để đánh giá quy trình sản xuất và lấy mẫu thử nghiệm, với thời hạn 3 năm phải công bố lại. Nếu tính trên phạm vi quốc gia, con số này lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Điều này làm tăng chi phí sản xuất, thời gian chờ đợi, và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam, cũng bày tỏ lo ngại về quy định công bố hợp quy đối với thuốc thú y. Bà cho biết, các nhà máy sản xuất thuốc thú y tại Việt Nam đã đầu tư theo tiêu chuẩn GMP, với quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Tuy nhiên, việc yêu cầu công bố hợp quy tạo ra một "giấy phép con", làm tăng chi phí sản xuất và đẩy giá thành sản phẩm lên, cuối cùng người nông dân và người chăn nuôi phải chịu thiệt.
Sau khi nghe ý kiến của các hiệp hội, đơn vị trong bộ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy thống nhất quan điểm, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa là các bộ luật gốc để điều chỉnh các quy định nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, các luật chuyên ngành cũng có quy định về chất lượng hàng hóa. Dù được điều chỉnh bởi các luật khác nhau nhưng đều chung đối tượng quản lý là hàng hóa và cùng mục tiêu là đảm bảo chất lượng và an toàn.
Chính vì vậy, việc thiết kế các luật gốc và luật liên quan theo hướng bảo đảm các bước trong quy trình, nội dung, chủ thể quản lý để đạt được mục tiêu không trùng chéo, không trùng lắp, không bỏ sót quy trình để đảm bảo mục tiêu cuối cùng là chất lượng và an toàn.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, cần phân loại hàng hóa để quản lý theo 3 nhóm: rủi ro cao, rủi ro trung bình và rủi ro thấp. Hàng hóa nhóm 2 chỉ nên là nhóm sản phẩm hàng hóa rủi ro cao. Chỉ nên chứng nhận hợp quy với hàng hóa rủi ro cao. Để phân biệt nhóm hàng hóa thì luật chỉ quy định chung, còn tiêu chí phân loại nên để Chính phủ quy định, tạo điều kiện thuận lợi trong thực tế triển khai.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cho rằng: Quy định công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa hiện nay là không hợp lý. Do đó cần điều chỉnh bổ sung quy định này và chỉ công bố hợp quy với sản phẩm có rủi ro cao.
Bộ trưởng cũng cho biết, hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn rất nhiều. Việt Nam đang hội nhập với thế giới, xuất khẩu nông lâm thủy sản top đầu thế giới nhưng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa là chưa đáp ứng được hội nhập. Khi xuất khẩu không theo kịp thế giới thì vô tình tạo ra rào cản cho sản phẩm của chính mình và sản phẩm các nước vào Việt Nam.
Từ đó yêu cầu các đơn vị chuyên môn rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật của từng lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, đảm bảo phù hợp với thực tiễn; trong đó, tập trung đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu cũng như xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các nhóm sản phẩm mới, chủ lực.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang quản lý 1.882 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), 200 quy chuẩn Việt Nam (QCVN); trong đó: lĩnh vực nông nghiệp có 1.452 TCVN và 106 QCVN; tài nguyên môi trường có 430 TCVN và 94 QCVN.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục rà soát, loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện có như: hủy bỏ quy chuẩn không phù hợp (bảo vệ thực vật 18 QCVN, thú y 8 QCVN, nông sản thực phẩm 27 QCVN, môi trường 7 QCVN). Đồng thời, tiếp tục bổ sung xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ quản lý sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và theo yêu cầu.