Gỡ vướng dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành
Dự án mở rộng đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây đang triển khai ì ạch gây nên nỗi lo lãng phí thời gian, công sức, đặc biệt khi sân bay Long Thành dự kiến vận hành thương mại vào năm 2026.
Là tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP. HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây có lượng xe lưu thông lớn nhất cả nước. Ngoài tình trạng quá tải hiện nay, tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây còn có thêm áp lực giao thông tăng cao khi đưa sân bay Long Thành vào khai thác. Do vậy, cả người dân và cơ quan quản lý đều "sốt ruột" khi đã 2 năm qua, dự án đầu tư mở rộng cao tốc này từ 8 đến 10 làn xe, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, triển khai vẫn giậm chân tại chỗ.
Nguyên nhân chậm trễ vẫn là do vướng mắc liên quan đến cách thức huy động vốn. Số vốn để mở rộng 22km cao tốc này cần khoảng 15 nghìn tỉ đồng, trong đó VEC sử dụng 37% tổng giá trị đầu tư từ vốn chủ sở hữu, còn lại vay thương mại khoảng 9.400 tỉ đồng chiếm 63% và đề xuất cơ chế tài chính cho phép khoanh, lùi trả gốc, lãi liên quan đến khoản trái phiếu công trình do Bộ Tài chính đã ứng trả từ giai đoạn 2022 - 2026 sang giai đoạn 2031 - 2034.
Thế nhưng, Bộ Tài chính vẫn chưa "chốt" phương án trên và cho rằng cần xem xét lại quy trình huy động vốn đầu tư để báo cáo xin ý kiến các ban, ngành liên quan.
Nhận định chậm một ngày là thêm lãng phí cơ hội, thời gian, chi phí đi lại của nhân dân, tại buổi kiểm tra tiến độ Dự án sân bay Long Thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành và đơn vị liên quan phải chỉ rõ trách nhiệm cụ thể khiến dự án chậm trễ, thậm chí có thể thay thế cán bộ tắc trách nếu thấy cần thiết.
Giải pháp để VEC sớm đầu tư thi công mở rộng 10 làn xe tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây không khó. Phương án thứ nhất là khoanh nợ trái phiếu, hoàn tất thủ tục tăng vốn cho VEC để doanh nghiệp này huy động được nguồn vốn đầu tư.
Phương án thứ hai là khi Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm 2025, Thủ tướng hoàn toàn có thể cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để giao cho VEC cũng khả thi. Tuy nhiên, với phương án một, chủ đầu tư không sử dụng vốn đầu tư công, chắc chắn sẽ tối ưu hơn, vừa giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước, vừa tăng tốc được thời gian triển khai.
Để đẩy nhanh tiến độ cho dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ này cho Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, báo cáo lại hướng giải quyết và phải hoàn thành hồ sơ nâng cấp, mở rộng 8-10 làn xe cho cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây trước ngày 31/12/2024.