Gỡ vướng chuyển giao công nghệ
Chuyển giao công nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ở nước ta, hoạt động hợp tác chuyển giao công nghệ giữa các viện, trường, nhà đầu tư và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động này...
“Thung lũng chết” của công nghệ
Ở nước ta, nhìn chung hoạt động chuyển giao công nghệ giữa các viện, trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp còn mang tính cục bộ, trong phạm vi hẹp, tự phát, thiếu các đơn vị, dịch vụ trung gian môi giới hợp đồng triển khai công nghệ, liên kết giữa người mua và người bán công nghệ.
Báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho thấy, trên địa bàn Thủ đô những năm qua, việc hợp tác chuyển giao công nghệ của đa số các tổ chức khoa học và công nghệ còn hạn chế. Hoạt động hợp tác chuyển giao công nghệ theo chiều dọc (từ các cơ quan nghiên cứu, các viện, trường chuyển giao cho các doanh nghiệp trên cơ sở hoàn thiện công nghệ mới) rất ít.
Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Đức Nghiệm, mặc dù tiềm lực, năng lực và tiềm năng nghiên cứu của Việt Nam khá cao so với các nước trong khu vực nhưng lãng phí về chất xám, tài nguyên này đang rất lớn. Nguyên nhân có nhiều nhưng tựu chung là do cơ chế quản lý kinh tế chưa tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ.
Chính sách của Việt Nam còn rất nhiều rào cản đối với hoạt động chuyển giao công nghệ. Hiện đang tồn tại một nghịch lý là doanh nghiệp cần công nghệ. Trong khi đó, viện nghiên cứu, trường đại học có các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có giá trị, nhiều hợp đồng đã được ký kết giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường nhưng không triển khai được vì còn tồn tại sự khác biệt khá lớn, thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp lý trong Luật Giáo dục đại học; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư...
Đặc biệt, Nghị định số 70/2018/NĐ-CP (ngày 15-5-2018) của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước đã khiến công nghệ gần như không đến được với doanh nghiệp. Theo nghị định này, kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được ngân sách hỗ trợ trên 30% thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và người chủ trì thực hiện không được tự phép chuyển giao cho doanh nghiệp. Nếu muốn tuân thủ quy định của Nhà nước để “mua đứt” công nghệ cũng rất phức tạp vì khó định giá được sản phẩm trí tuệ.
Cần chính sách phá vỡ rào cản
Bên cạnh những vướng mắc về chính sách gây cản trở hoạt động thương mại hóa công nghệ, hành trình nghiên cứu để đưa công nghệ nhận được cái “gật đầu” của doanh nghiệp cũng không dễ dàng, thậm chí phải chấp nhận những rủi ro.
Giáo sư Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu (đơn vị ký kết hợp đồng chuyển nhượng độc quyền khai thác thương mại phụ gia FNT6VN trị giá hàng triệu USD với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Balance Life) cho biết, chuyển giao công nghệ thực sự là một bài toán quá khó với các nhà khoa học. “Chúng tôi đã trải qua một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm kéo dài hơn 10 năm với rất nhiều đề tài gối đầu nhau và chặng cuối là dự án sản xuất thử nghiệm ở chương trình KC05/16-20 thì mới có FNT6VN. Chúng tôi thất bại không biết bao lần mới gặt hái được kết quả, gặp gỡ cả nghìn người mới tìm được một nhà đầu tư...”, Giáo sư Vũ Thị Thu Hà nói.
Là nhà khoa học có nhiều sản phẩm công nghệ được chuyển giao, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM) cho biết, để các đề tài nghiên cứu đáp ứng nhu cầu sản xuất, đầu tiên phải tìm hiểu thị trường, tìm hiểu doanh nghiệp và luôn luôn phải tiếp cận được các doanh nghiệp, tức là cứ doanh nghiệp cần gì thì nghiên cứu làm cái đó. “Doanh nghiệp thường mong muốn chi phí đầu tư ban đầu cho thiết bị phải ít tiền; công nghệ phải bảo đảm tốt, không thua kém nước ngoài; chi phí vận hành trong quá trình sản xuất phải tiết giảm và tính ổn định của dây chuyền thiết bị. Nếu đáp ứng được 4 yếu tố này, doanh nghiệp sẽ chấp nhận sử dụng công nghệ trong nước nghiên cứu, tạo ra. Doanh nghiệp chính là “thước đo” chuẩn và khách quan nhất đánh giá tất cả các kết quả nghiên cứu”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh.
Kinh nghiệm phát triển khoa học và công nghệ từ Trung Quốc, Nhật Bản… cho thấy, chỉ khi nào nhà khoa học sống và làm giàu được từ tri thức khoa học, từ sản phẩm khoa học làm ra, lúc đó khoa học và công nghệ của đất nước mới phát triển. Điều này có nghĩa là để nền khoa học của một quốc gia phát triển thì Nhà nước phải có những chính sách, biện pháp thúc đẩy và tạo động lực để nhà khoa học, tổ chức khoa học và công nghệ không ngừng sáng tạo, thương mại hóa và làm giàu được từ kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.