Gỡ vướng cho các cụm công nghiệp
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, Thái Nguyên có 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 2.100 ha. Đến nay có 27 cụm công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích gần 1.100 ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng gần 11 nghìn tỷ đồng (trong đó có 13 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động). Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất mà tỉnh Thái Nguyên đang tập trung tháo gỡ là giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp nhằm thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy.

Chính quyền huyện Phú Lương và nhà đầu tư dự kiến sẽ khởi công xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Yên Lạc trong quý II/2025. Ảnh: THẾ BÌNH
Phát huy ưu thế diện tích đất và vốn đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp không lớn như khu công nghiệp cho nên những năm qua tỉnh Thái Nguyên coi trọng phát triển các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm. Điển hình như Cụm công nghiệp Tân Dương ở xã Tân Dương, huyện Định Hóa có diện tích giai đoạn 1 là 13 ha, sau khi hoàn thiện hạ tầng đã thu hút được nhà đầu tư xây dựng nhà máy may mặc có tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động.
Chỉ tính riêng trong hai năm 2023-2024, toàn tỉnh thành lập mới hơn 10 cụm công nghiệp và hầu hết đều đã có nhà đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp đã được thành lập những năm trước đây và hai năm qua đang gặp nhiều khó khăn.
Điển hình là dự án Cụm công nghiệp Bá Xuyên ở xã Bá Xuyên, thành phố Sông Công có diện tích gần 50 ha, vốn đầu tư 431 tỷ đồng, được thành lập tháng 11/2018, do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Tuân làm chủ đầu tư và kinh doanh hạ tầng, theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024.
Người dân xã Bá Xuyên chia sẻ, từng rất kỳ vọng cụm công nghiệp đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch để giải quyết việc làm ở địa phương, nhất là các hộ bị thu hồi đất. Nhưng đến nay việc xây dựng hạ tầng còn đang dang dở, vật liệu xây dựng tập kết ngổn ngang trên công trường. Nguyên nhân chủ yếu là do diện tích đã giải phóng mặt bằng theo kiểu “xôi đỗ” và còn gần 20 ha chưa giải phóng mặt bằng được, vì người dân cho rằng mức bồi thường, hỗ trợ còn thấp. Đại diện chủ đầu tư cho biết, đang làm các thủ tục xin gia hạn đến hết năm 2026 để tiếp tục triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Bá Xuyên.
Tương tự, Cụm công nghiệp Yên Lạc ở xã Yên Lạc, huyện Phú Lương rộng 25,6 ha, tổng vốn đầu tư là 265 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Thăng Long Thái Nguyên làm chủ đầu tư, tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự kiến từ quý III/2024 và hoàn thành vào quý III/2027, nhưng đến nay chưa được khởi công xây dựng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về mặt bằng và thực hiện các thủ tục hành chính chưa đáp ứng tiến độ. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Phú Lương Hoàng Duy Hưng, địa phương đang tuyên truyền, vận động, đối thoại để các hộ dân đồng thuận và khẩn trương nhận chi trả bồi thường để giao đất cho nhà đầu tư.
Trên địa bàn thành phố Thái Nguyên có ba cụm công nghiệp được thành lập, tổng vốn đầu tư hạ tầng là 1.728 tỷ đồng, mặc dù có hai cụm công nghiệp đi vào hoạt động, nhưng đầu tư hạ tầng đang dang dở vì chưa giải phóng xong mặt bằng. Huyện Phú Bình có tám cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 400 ha, vốn đầu tư hạ tầng mà các nhà đầu tư đăng ký là hơn 4.400 tỷ đồng, nhưng việc giải phóng mặt bằng hầu hết đang bị chậm tiến độ, vướng mắc.
Cụ thể là Cụm công nghiệp Hạnh Phúc-Xuân Phương ở huyện Phú Bình thi công hạng mục giao thông đạt 95%, san nền đạt hơn 90%, xây dựng trạm xử lý nước thải đạt 85%, công trình nước sạch triển khai được 20%, nhưng đến nay còn gần 2 ha của 11 hộ dân chưa đồng ý phương án bồi thường giải phóng mặt bằng; Cụm công nghiệp Điềm Thụy có diện tích 44 ha, do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển quốc tế Việt Á làm chủ đầu tư mới giải phóng mặt bằng được 17 ha.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Bình Dương Đại Đồng, năm 2025 huyện Phú Bình huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để hoàn thành giải phóng mặt bằng các Cụm công nghiệp Hạnh Phúc-Xuân Phương, Bảo Lý-Xuân Phương, Điềm Thụy. Trong đó, huyện chú trọng tháo gỡ vướng mắc về xây dựng các khu tái định cư để người dân có chỗ ở mới; phối hợp chính quyền các xã giữ nguyên hiện trạng các cụm công nghiệp mới được thành lập như Tân Đức, Lương Phú-Tân Đức, Hà Châu 1, Hà Châu 2… để tạo thuận lợi cho giải phóng mặt bằng.
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức một số hội nghị để đánh giá thực trạng, chỉ đạo giải pháp tháo gỡ vướng mắc được coi là “nút thắt” này. Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên Nguyễn Bá Chính cho biết: “Sở sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương, các sở, ngành chức năng rà soát cụ thể đối với từng cụm, xem xét kỹ vướng ở đâu gỡ ở đó, trong đó chú trọng tuyên truyền, thuyết phục để nhân dân đồng thuận nhận bồi thường, giao mặt bằng cho nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư để người dân có chỗ ở mới...”.
Với 13 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động, năm 2024 đã đạt doanh thu 10,6 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 12 nghìn lao động, nộp ngân sách tỉnh Thái Nguyên gần 200 tỷ đồng. Xác định cụm công nghiệp là một khu vực thu hút đầu tư và sản xuất quan trọng, góp phần huy động hơn 100 nghìn tỷ đồng tổng vốn đầu tư toàn xã hội để đưa tăng trưởng GRDP tăng trưởng 10,5% năm 2025 và các năm tiếp theo, tỉnh Thái Nguyên đang tích cực tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp. Dự kiến, thời gian tới, tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng cấp tỉnh để tháo gỡ một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay trong thực hiện đầu tư các dự án phát triển kinh tế-xã hội.