Gỡ thẻ vàng IUU: Còn chần chừ sẽ 'thiệt đơn, thiệt kép'
EU là một trong ba thị trường xuất khẩu hải sản chủ lực của Việt Nam. Do đó, việc vừa nỗ lực gỡ thẻ vàng, đáp ứng những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) vừa bảo đảm sinh kế cho ngư dân là điều Việt Nam cần làm lúc này.
Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến cử một đoàn thanh tra sang Việt Nam vào tháng 10 tới đây. Trong đợt thanh tra năm nay, họ muốn nhìn thấy rõ hơn những kết quả mà Việt Nam đã nỗ lực đạt được trong việc chống đánh bắt IUU và những khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải là do vấn đề khách quan hay chủ quan.
Vẫn còn những khó khăn
Việt Nam đang tích cực giải quyết vấn đề "3 không" trong ngành đánh bắt thủy sản để chuẩn bị cho đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sắp tới. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể, song thực tế cho thấy tại một số địa phương vẫn còn tình trạng nhiều tàu cá chưa hoàn thiện các thủ tục cần thiết, rơi vào diện “3 không” - không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm.
Tại Đà Nẵng, số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tính đến đầu tháng 8 chỉ ra rằng trong tổng số 1.387 tàu cá, có đến 437 tàu không đủ điều kiện hoạt động khai thác. Trong khi đó, 579 trong số 589 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), và chỉ còn 10 tàu chưa được trang bị thiết bị này.
Ở tỉnh Kiên Giang, dù đã có đến 95% ngư dân hoàn thành đăng ký tàu cá theo quy định "3 không", nhưng vẫn còn hơn 2 nghìn phương tiện chưa hoàn thành các thủ tục này. Điều này cho thấy, mặc dù đã có những bước tiến bộ nhất định, Việt Nam vẫn cần những nỗ lực lớn hơn nữa trong việc quản lý và kiểm soát hoạt động khai thác hải sản để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trước thềm cuộc thanh tra quan trọng của EC.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho rằng, nguyên nhân còn nhiều tàu cá “3 không” chủ yếu do người dân địa phương đi làm ăn xa, khai thác thủy sản ngoài tỉnh trong thời gian dài, khai báo không kịp thời. Một số chủ tàu mua bán, chuyển nhượng, tặng, cho… nhưng không sang tên, đổi chủ trong cộng đồng ngư dân…; một số cơ sở đóng tàu, cải hoán tàu không có giấy phép kinh doanh, hoạt động lén lút. Thậm chí có những tàu cá nằm bờ dài ngày không hoạt động hoặc bị ngân hàng thu giữ lâu ngày dẫn tới hết hạn đăng kiểm.
Không chỉ vướng ở câu chuyện đánh bắt của các tàu cá, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản cho hay hiện cũng đối diện nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Nam Vinh, Phó giám đốc Công ty TNHH Huy Nam (Kiên Giang), chia sẻ: "Các DN chế biến hải sản đã đầu tư rất nhiều tiền bạc, vốn liếng và công sức vào các nhà máy chế biến, nhưng thực tế nhiều DN phải đóng cửa, từ bỏ thị trường EU vì quá khó và rủi ro. Đơn cử như việc cung cấp giấy tờ để chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, ngay chính các DN cũng không biết các giấy này có thật không, có đúng không vì có thể bị làm giả. Đã có nhiều trường hợp lô hàng xuất khẩu bị trả về. Thật sự chưa bao giờ tình hình thu mua nguyên liệu hải sản để chế biến lại khó khăn như hiện nay".
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco), đại diện cho cộng đồng DN ngành chế biến cá ngừ, cho rằng để đáp ứng các yêu cầu gỡ thẻ vàng IUU, các DN hiện nay đều ý thức mua nguyên liệu từ những tàu cá được phép ra khơi khai thác, được kiểm tra và cho phép cập cảng bình thường. Tuy nhiên, rất khó làm được giấy xác nhận nguyên liệu (S/C), dù DN đã tăng cường làm việc với các đầu mối và kiểm tra kỹ lưỡng, nhưng vẫn vô cùng thấp thỏm sau khi đã chốt mua nguyên liệu.
“Có nhiều lý do khiến các DN mua nguyên liệu xong không được cấp S/C ở các khâu đánh bắt trước đó mà DN rất khó để biết rõ, như vấn đề xác nhận điều kiện an toàn thực phẩm tàu cá hay vấn đề tàu cá khai thác ở vùng biển không đúng quy định… Hay một tình trạng xảy ra trong 2 - 3 tháng nay là khá nhiều tàu cá lắp đặt hệ thống giám sát qua mạng VNPT bị lỗi liên tục làm cho tàu cá mất kết nối giám sát hành trình từ 6 tiếng trở lên, có tàu mất đến 2 - 3 ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến khâu làm giấy S/C của DN" – đại diện Bidifisco nêu.
Quyết tâm gỡ thẻ vàng
Để tháo gỡ được “thẻ vàng” sau khi đoàn Thanh tra của EC làm việc lần thứ 5, tại Hội nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) hồi cuối tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ. Yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân, lực lượng chức năng có liên quan không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong thi hành công vụ; bao che, dung túng, tiếp tay cho hành vi khai thác IUU, để tàu cá vi phạm khai thác IUU ra vào cảng, xuất nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản.
Khẩn trương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử để đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp trong xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần chuẩn bị kỹ chương trình, kế hoạch, nội dung làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5, nỗ lực quyết tâm gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu âu (EC).
Trong bối cảnh đó, để giảm thiệt hại cho DN, bà Kim Lan khẩn thiết kiến nghị, các địa phương triển khai tốt và kịp thời việc xác nhận điều kiện an toàn thực phẩm tàu cá, cảng cá, cũng như thực hiện nghiêm việc cho phép xuất bến - cập bến của tàu cá khi không đủ các điều kiện như pháp luật đã quy định. Bộ NN-PTNT cần xem xét sửa đổi quy định để có thể cấp giấy xác nhận nguyên liệu S/C ngay cho DN khi DN đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu cá có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng tại cảng cá; có hướng dẫn, chỉ đạo việc giải quyết giấy S/C cho những trường hợp tàu cá bị mất kết nối do lỗi của nhà cung cấp dịch vụ được xác nhận. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cần thiết lập số hóa hệ thống dữ liệu đầu vào nguyên liệu, liên thông từ cảng cá đến T.Ư.
Ông Nguyễn Đình Ngọc, chủ tàu BV 96666TS tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, nhấn mạnh rằng việc khắc phục “thẻ vàng” IUU không chỉ là việc tuân thủ thủ tục hay đối phó tạm thời. Để giải quyết tận gốc vấn đề, cần phải đảm bảo tính bền vững trong khai thác hải sản.
“Gỡ được thẻ vàng và phải giữ được sự khai thác bền vững, nếu chúng ta khai thác như hiện tại, trước mắt nguồn lợi giảm rất nhiều, rất nhanh. Làm thế nào để bảo vệ được nguồn lợi, bớt lãng phí. Mục tiêu của ngư dân bây giờ không phải là đánh bắt được nhiều cá mà làm thế nào để giữ được giá trị khi hải sản đánh bắt lên tươi, ngon, bán được nhiều" – ông Ngọc bày tỏ.
Thực tế chỉ còn một số ít ngư dân cố tình vi phạm nhưng số ít này đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu ngư dân. Ngoài những nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương thì ý thức của mỗi ngư dân là vô cùng quan trọng.
Ở thời điểm này, việc gỡ "thẻ vàng" sẽ giúp ngành thủy sản bứt phá ở thị trường EU, đồng thời là cơ hội để nước ta tổ chức lại ngành kinh tế thủy sản, giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng, nói không với khai thác tận diệt, chuyển đổi nghề thân thiện môi trường, phát triển sinh kế mới gắn với kinh tế biển.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Hiện có 3 điểm khó khăn, tồn tại chính mà Việt Nam cần tập trung thực hiện các khuyến cáo của EC. Thứ nhất, tàu cá còn vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Thứ hai, tàu cá còn tắt thiết bị giám sát hành trình. Thứ ba, Việt Nam còn những đội tàu chưa được đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác.
Ông James Borton, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Đối ngoại Johns Hopkins (SAIS)
Năm 2024 được coi là năm then chốt đối với Việt Nam trong việc được công nhận là một quốc gia cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế. Điều này sẽ giúp Việt Nam củng cố vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu. Đảm bảo tuân thủ các quy định chống IUU đòi hỏi sự cam kết của tất cả các bên liên quan, bao gồm các ngư dân, cộng đồng dân cư ven biển và toàn bộ công chúng nói chung.
Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre
Qua triển khai thực hiện đăng ký tàu cá diện “3 không”, tỉnh Bến Tre hiện còn 228 tàu dài 12m trở lên vi phạm, không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm. Rất mong Bộ NN&PTNT tháo gỡ vấn đề trên, cho phép các tàu này được đăng kiểm trong thời hạn 3 năm nhưng phải thỏa mãn các điều kiện kèm theo. Cụ thể như, máy chính lắp đặt trên tàu được giám định, thể hiện rõ, đầy đủ các thông số kỹ thuật theo quy định và tiêu chuẩn về môi trường. Sau thời hạn 3 năm, chủ tàu phải chuyển đổi máy ô tô sang máy thủy. Trường hợp thay máy chính trước hạn bắt buộc phải cải hoán thay thành máy thủy.