Gỡ thế khó của cảng Cửa Lò để thu hút hãng tàu, nguồn hàng

Gần 1 năm (từ ngày 1/1/2024) kể từ khi Nghệ An có chính sách hỗ trợ hãng tàu biển vận chuyển container quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vận chuyển bằng container đi, đến cảng Cửa Lò nhưng chừng đó là chưa đủ để cảng Cửa Lò hấp dẫn khách hàng.

Cảng Cửa Lò nằm ở vị trí tốt của khu vực Bắc Trung bộ, thuận lợi cho giao dịch thông thương hàng hóa quốc tế, đặc biệt là trung chuyển hàng cho nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Một góc cảng Cửa Lò

Một góc cảng Cửa Lò

Tuy nhiên, thông tin với Tạp chí GTVT, ông Bùi Kiều Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh cho hay, hiện nay, SITC và một số hãng tàu khác vẫn đang dừng ở mức độ nghiên cứu thị trường, chưa có gì chắc chắn để hãng tàu của Trung Quốc này và một số hãng khác mở tuyến thường xuyên đến cảng Cửa Lò. Lý do nằm ở việc xem xét yếu tố nguồn hàng.

Theo ông Hưng, đặc thù của cảng Cửa Lò chủ yếu là hàng xuất, không có hàng về, do đó nguồn container rỗng quay trở lại cảng gặp nhiều khó khăn. Nhưng mấu chốt vẫn là nguồn hàng, bởi nguồn hàng tại cảng Cửa Lò không đều, mang tính chất thời điểm. Trong 3 năm gần đây, hàng container qua cảng còn ít, thiếu ổn định.

"Hi vọng một vài năm tới, khu công nghiệp VSIP Nghệ An được lấp đầy, hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động trở lại, nguồn hàng dồi dào mới mong có hàng hóa thông qua cảng", ông Hưng nói và cho biết, cũng bởi không dồi dào nguồn hàng nên nhiều doanh nghiệp chọn cách đưa hàng bằng đường bộ ra Hải Phòng để đưa lên tàu mẹ, chủ động được thời gian, thay vì chờ đợi theo chuyến tại cảng Cửa Lò.

Trước đó, khi Nghệ An thông qua chính sách hỗ trợ hãng tàu, chủ hàng, Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh cũng có văn bản gửi đến các khách hàng, đồng thời, kết nối hãng tàu, chủ hàng với Sở Công thương, làm việc với các doanh nghiệp, chủ hàng.

"Có những doanh nghiệp về dệt may, để đảm bảo đơn hàng theo hợp đồng, họ đi bằng đường bộ ra Hải Phòng, chất hàng lên tàu mẹ thay vì chờ cả tuần mới có tàu vào cảng Cửa Lò", ông Hưng ví dụ và cho rằng, chưa kể nguồn khách hàng còn bị phân tán và cạnh tranh bởi một số cảng tổng hợp, cảng của tư nhân gần đó.

Luồng và độ sâu cảng Cửa Lò ảnh hưởng đến việc tàu vào làm hàng

Luồng và độ sâu cảng Cửa Lò ảnh hưởng đến việc tàu vào làm hàng

Ngoài yếu tố nguồn hàng không chủ động và dồi dào, vấn đề điều kiện tự nhiên, luồng và độ sâu cảng cũng ảnh hưởng đến việc tàu vào làm hàng.

Theo đó, hệ thống cảng biển ở Nghệ An nằm ở khu vực vịnh hở, trong khi mỗi năm khu vực này bình quân đón khoảng 5 cơn bão cùng nhiều đợt gió mùa Đông Bắc, từ đó ảnh hưởng đến kế hoạch tàu đến làm hàng tại cảng. Vì không có khu tránh trú bão dành cho tàu lớn, cho nên mỗi khi có bão đến, tàu phải rời cảng đi tránh trú bão cách cảng hàng trăm hải lý, phát sinh chi phí và thời gian cho hãng tàu và doanh nghiệp.

Kế đến là vấn đề luồng hàng hải. Luồng ra vào cảng Cửa Lò, Bến Thủy bị bồi lắng thường xuyên, tàu ra vào khó khăn cho nên phải tốn kinh phí nạo vét hằng năm.

Theo lãnh đạo Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh, trung bình 2 năm, luồng Cửa Lò phải nạo vét để đảm bảo độ sâu – 7,2m. Tuy nhiên, các thủ tục, đặc biệt là thủ tục đánh giá tác động môi trường, khu vực đổ thải chất nạo vét thường mất rất nhiều thời gian, cũng ảnh hưởng đến việc thu hút hãng tàu. Chưa kể, bán kính quay của luồng 220m nên cũng chỉ tiếp nhận được những tàu trọng tải nhỏ.

Đồng thời, việc không thể tiếp nhận các con tàu có tải trọng lớn vào làm hàng như các cảng trong khu vực khiến giá cước vận chuyển tại các cảng Nghệ An thường có xu hướng cao hơn, không có lợi thế cạnh tranh so với các cảng ở Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Vũng Áng - Sơn Dương (Hà Tĩnh).

Chưa kể, tại các cảng biển Nghệ An, khu vực hậu cảng thường khá chật hẹp, hệ thống giao thông kết nối chưa đồng bộ.

Từ những lý do nên dù tỉnh Nghệ An có chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển vận chuyển container quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vận chuyển bằng container đi, đến cảng Cửa Lò (từ 1/1/2024 đến 31/12/2025) thì nhiều hãng tàu cũng chưa mặn mà đến với cảng Cửa Lò. Bởi ngay cả việc nhận được hỗ trợ (từ 100 triệu – 300 triệu đồng/chuyến, tùy theo tuyến, tần suất và 600.000 đồng/1 container 20 feet; 1 triệu đồng/1 container 40 feet hỗ trợ doanh nghiệp có hàng xuất, nhập khẩu đi/đến cảng Cửa Lò) mà doanh nghiệp vẫn bị lỗ thì chắc chắn họ sẽ không làm hàng tại cảng.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh, 3 năm trở lại đây, kế hoạch sản xuất kinh doanh đăng ký với Tổng Công ty Hàng hải VN năm sau thấp hơn năm trước, từ 4,8 triệu tấn (năm 2023), xuống 4,3 triệu tấn năm 2024 và dự kiến còn 4 triệu tấn năm 2025.

Khu vực Cửa Lò có 3 cảng tổng hợp với công suất 12 triệu tấn nhưng hiện nay, ước tính cả năm, nguồn hàng cho 3 cảng mới trên 5 triệu tấn, chủ yếu là gỗ dăm, thức ăn chăn nuôi, đá trắng…

"Với các hãng tàu, họ không quan trọng số liệu cảng cung cấp mà họ nghiên cứu kỹ thị trường, nguồn hàng và thực tế họ đã về Nghệ An khảo sát nhiều lần. Qua trao đổi, đại diện các hãng tàu cho rằng, vấn đề lớn nhất là nguồn hàng. Nếu nguồn hàng ổn định, luôn đủ chuyến thì kể cả không có chính sách hỗ trợ của tỉnh thì họ cũng sẽ mở tuyến đi/đến cảng Cửa Lò. Cùng với đó là độ sâu của luồng để thu hút tàu có trọng tải lớn. Để đạt được độ sâu -9 đến 9,5m cũng phải chờ sau năm 2024 khi triển khai giai đoạn 2 nạo vét", ông Hưng nói và cho biết, trong số các bến cảng của Công ty, hiện bến số 1, 2 cảng Cửa Lò chỉ đáp ứng với tàu đến 15.000 tấn giảm tải; bến số 3, 4 đến 25.000 tấn giảm tải.

Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Nghệ An, từ 1/1/2024 đến 31/12/2025, hãng tàu biển vận chuyển container quốc tế được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định, thực hiện dỡ hàng hoặc xếp hàng tại cảng Cửa Lò được hỗ trợ 300 triệu đồng/chuyến cập cảng.

Với hãng tàu biển vận chuyển container nội địa (gồm trung chuyển qua các cảng quốc tế) được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định, thực hiện dỡ hàng hoặc xếp hàng hoặc vừa dỡ hàng và xếp hàng tại cảng Cửa Lò (trừ hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh) với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng/tháng sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng/chuyến.

Các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu vận chuyển bằng container đi, đến cảng Cửa Lò, tỉnh Nghệ An được hỗ trợ trợ 600.000 đồng/1 container 20 và 1 triệu đồng/1 container 40 feet.

Minh Thành - Minh Tùng

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/go-the-kho-cua-cang-cua-lo-de-thu-hut-hang-tau-nguon-hang-183241216145731212.htm
Zalo