Gỡ nút thắt visa: Chìa khóa để Việt Nam đón 30 triệu khách quốc tế
Theo các chuyên gia du lịch, dù chính sách visa đã có những cải thiện đáng kể, song Việt Nam vẫn đang đi chậm hơn so với các nước trong khu vực, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và khả năng thu hút khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục gỡ nút thắt visa để đạt mục tiêu đón 30 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2025.

Việt Nam cần tháo gỡ nút thắt visa để thu hút nhiều khách quốc tế hơn.
Đi sau trong "cuộc đua" hút khách ở khu vực
Tại hội thảo "Việt Nam nên miễn visa cho du khách nào?", nhiều doanh nghiệp ngành du lịch cho biết, chính sách visa của Việt Nam dù đã có cải tiến nhưng vẫn còn “khiêm tốn” so với các quốc gia láng giềng. Tính đến tháng 4/2025, Việt Nam chỉ miễn thị thực cho công dân của 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, thời gian lưu trú dao động từ 14 đến 90 ngày. Trong khi đó, Thái Lan đã miễn visa cho hơn 90 nước, còn Malaysia con số này lên đến trên 160 - một khoảng cách rõ rệt trong năng lực cạnh tranh ngành du lịch.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên cho biết, việc mở rộng chính sách visa không phải là buông lỏng kiểm soát, mà là mở rộng cánh cửa để đón dòng khách chất lượng, chi tiêu cao, phù hợp với định hướng phát triển du lịch bền vững của Việt Nam.
"Việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh phải mạnh dạn tháo gỡ rào cản thị thực. Danh sách các quốc gia được miễn visa cần được mở rộng, đặc biệt là những thị trường chiến lược như châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand, nơi có lượng khách lưu trú dài ngày, chi tiêu cao và nhu cầu trải nghiệm văn hóa bản địa", ông Nguyễn Ngọc Toàn đề nghị.

Các đại biểu chia sẻ nhiều giải pháp đón khách quốc tại hội thảo "Việt Nam nên miễn visa cho du khách nào?" do Báo Thanh Niên tổ chức.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Công ty du lịch Vietravel cho biết, việc miễn visa nên dựa trên phân tích dữ liệu thực tế về hành vi tiêu dùng, mức chi tiêu và tiềm năng phát triển dài hạn.
"Cụ thể, chúng ta có thể ưu tiên miễn visa cho công dân các nước Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thụy Điển, những thị trường truyền thống, thân thiện và ổn định hoặc những thị trường nhiều tiềm năng từ Bắc Mỹ như Mỹ - quốc gia từng đưa hơn 900.000 lượt khách đến Việt Nam mỗi năm trước đại dịch với mức chi tiêu trung bình khoảng 1.500 USD/người. Đối với khu vực châu Á, Trung Quốc - nguồn khách lớn nhất của Việt Nam, cũng cần sớm được đưa vào danh sách miễn thị thực, đặc biệt trong bối cảnh Thái Lan đã đi trước một bước khi miễn visa cho khách Trung Quốc từ năm 2023. Ấn Độ, Đài Loan, Úc và các thị trường Trung Đông như UAE, Israel, Qatar cũng được đánh giá cao nhờ mức chi tiêu mạnh và nhu cầu du lịch tăng cao", ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết.
Phân nhóm thị trường, tạo chính sách linh hoạt
Để chính sách visa thực sự hiệu quả, các chuyên gia ngành du lịch cho rằng, Việt Nam cần phân loại rõ ràng các nhóm thị trường, không thể “một chính sách cho tất cả”.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc Marketing Vinpearl cho biết, việc áp dụng các tiêu chí riêng biệt cho từng nhóm du khách là cần thiết. Ví dụ, khách Úc và New Zealand thường chọn nghỉ dưỡng dài ngày, sẵn sàng chi tiêu cho các dịch vụ cao cấp rất phù hợp với các resort ven biển, sân golf, chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, khách Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch lại ưa thích khám phá văn hóa địa phương, thiên nhiên hoang sơ - thế mạnh mà Việt Nam có thể phát huy.

Phú Quốc là điểm đến thu hút nhiều khách quốc tế đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết, ngành du lịch trong nước cần quan tâm đến các thị trường mới nổi như Kazakhstan, Uzbekistan, Mông Cổ hay Kyrgyzstan, nơi có mùa đông kéo dài, người dân có xu hướng tìm đến những quốc gia ấm áp để nghỉ dưỡng. Nhóm Đông Âu như: Slovakia, Hungary, Séc - vốn quen thuộc với Việt Nam qua các mối quan hệ lịch sử cũng cần được ưu tiên trong lộ trình mở rộng visa. Ngoài ra, Việt Nam có thể áp dụng mô hình “miễn visa có điều kiện”, cho phép miễn thị thực với du khách đặt tour trọn gói, lưu trú tại cơ sở đạt chuẩn, thông qua hãng lữ hành uy tín. Mô hình này giúp nhà nước kiểm soát an ninh, đồng thời nâng chất lượng trải nghiệm và tăng doanh thu du lịch.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cũng cho rằng, Việt Nam nên miễn visa toàn diện cho khối EU, Úc, New Zealand. Với các thị trường lớn như: Mỹ, Trung Quốc hay Ấn Độ, nếu chưa thể miễn ngay thì nên thúc đẩy đàm phán để cấp visa dài hạn 5 - 10 năm, tạo thuận lợi cho khách quay lại nhiều lần. Đặc biệt, nhóm khách cao cấp như khách MICE, khách đi chuyên cơ, khách VIP nghỉ dưỡng, những đối tượng có khả năng chi tiêu từ 2.000 đến 5.000 USD/chuyến cũng cần được tạo điều kiện tối đa, kể cả miễn visa hoặc cấp nhanh, cấp tại cửa khẩu.
Cần chiến lược tổng thể để bứt phá
Ở góc độ quản lý địa phương, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, chính sách visa hiện tại đang khiến Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.Vì vậy, Việt Nam cần tập trung vào nhóm khách cao cấp, sử dụng dịch vụ giá trị cao để vừa nâng cao chất lượng du lịch, vừa giảm áp lực lên hạ tầng.
"Thay vì định vị là điểm đến giá rẻ, chúng ta cần hướng đến hình ảnh sang trọng, độc đáo và cởi mở. Miễn visa không chỉ giúp thu hút khách, mà còn góp phần tạo đòn bẩy phát triển các ngành kinh tế liên quan", bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết.

Ngành hàng không mong chính sách visa được tháo gỡ để đón nhiều khách.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines cho biết, trong quý I/2025, Việt Nam đã đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế. Đây là một con số đáng khích lệ trong giai đoạn phục hồi.
"Việt Nam nên xem xét miễn visa ngắn hạn cho các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, đồng thời tăng thời gian lưu trú miễn thị thực lên 90 ngày cho du khách từ châu Âu, Bắc Mỹ, Úc. Riêng với nhà đầu tư, chuyên gia quốc tế, nên cấp visa dài hạn 1 - 2 năm để kích cầu đầu tư gắn với du lịch", ông Quang Trung đề xuất.
Theo ông Nguyễn Quang Trung, về lâu dài, Việt Nam cũng cần một chiến lược visa dài hạn, gắn với mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Thay vì chỉ nhìn vào lượng khách, cần tập trung vào chất lượng, thu hút đúng phân khúc, đúng thị trường, tạo ra chuỗi giá trị kinh tế lớn hơn. Visa không chỉ là thủ tục hành chính, mà là “tấm vé” đầu tiên để đưa du khách đến gần hơn với Việt Nam. Với một chiến lược thị thực bài bản, linh hoạt và cởi mở, mục tiêu đón 30 triệu khách quốc tế vào năm 2030 không phải là giấc mơ quá xa vời.