Gỡ 'nút thắt' trong sản xuất giảm phát thải

Xu hướng tiêu dùng nông sản xanh và sạch của thị trường đang đặt ra yêu cầu cho các HTX và doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh, giảm phát thải. Nhưng đi cùng với đó, cần có những giải pháp để HTX, doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất giảm phát thải hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm (Cần Thơ), cho biết HTX là một trong những đơn vị đang tham gia canh tác lúa theo quy trình giảm phát thải nhà kính. Qua áp dụng cho thấy, chi phí sản xuất của người dân, thành viên HTX giảm từ 20-30%, năng suất tăng 10-15%, hệ số giảm phát thải đo lường giảm trung bình 5-6 tấn CO2/ha.

Còn nhiều vướng mắc

Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục triển khai và mở rộng mô hình canh tác bền vững giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, nhìn rộng ra có thể thấy, khâu tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật còn manh mún, nhỏ lẻ. Việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu không kiểm soát sẽ làm tăng lượng khí thải nhà kính.

Dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, về đầu tư vốn cho nông nghiệp xanh giảm phát thải hiện nay mặc dù đã có những gói tín dụng do Ngân hàng Nhà nước đưa ra, nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa có gói tín dụng nào đủ mạnh và cụ thể đi vào sản xuất.

Trong khi theo Nghị định 12/2024/NĐ-CP, HTX, doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính có chứng nhận sẽ được hỗ trợ số tiền từ 5-15 tỷ đồng để mua sắm dây chuyền, thiết bị, công nghệ, bản quyền công nghệ. Nhưng đi liền với đó, quy mô sản xuất phải đạt từ 5.000-10.000ha trở lên và phải có hợp đồng liên kết.

Cần sự đồng hành từ địa phương, cơ quan quản lý để nông dân, HTX, doanh nghiệp tích cực tham giam sản xuất bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.

Cần sự đồng hành từ địa phương, cơ quan quản lý để nông dân, HTX, doanh nghiệp tích cực tham giam sản xuất bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.

Đây là một trong những khó khăn vì vẫn có nhiều HTX chưa thể phát triển, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất trên quy mô lớn. Đi liền với đó, trong thời gian qua, phần lớn các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng bản chất của “hợp đồng liên kết sản xuất” với nông dân, HTX mà chỉ dừng lại ở “hợp đồng mua bán” đơn thuần. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp và HTX “bẻ kèo” lẫn nhau khi giá thu mua lúa thay đổi có lợi cho mỗi bên.

Để thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất trên quy mô lớn, rất nhiều HTX và cả doanh nghiệp đang đứng trước bất lợi vì thiếu vốn để vừa phục vụ sản xuất, đầu tư công nghệ, vừa thu mua số lượng lớn nông sản cùng một thời điểm.

Đi liền với đó, đến hiện nay vẫn chưa có quy định pháp lý cho thị trường carbon nên các HTX, doanh nghiệp vẫn còn lấn cấn trong xây dựng kế hoạch, thiết kế dự án, đăng ký, xác nhận/thẩm định, xin cấp tín chỉ. Nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp chưa rõ tín chỉ carbon thuộc quyền sở hữu của ai, cụ thể là về nông dân, HTX, doanh nghiệp hay Nhà nước. Do chưa rõ nên việc đầu tư hay quyết định tham gia các dự án giảm phát thải của HTX, doanh nghiệp, nông dân vẫn chưa mạnh mẽ.

Cần thực hiện theo đúng lộ trình

Hiệu quả từ sản xuất bền vững, giảm phát thải là đã rõ. Do đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng những hiệu quả trong triển khai thí điểm đề án 1 triệu ha lúa phát thải thấp cho thấy đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục triển khai và mở rộng đề án. Nông dân, thành viên HTX cũng đã bắt đầu tin tưởng tham gia các HTX để thực hiện đề án.

Sắp tới, ngành nông nghiệp sẽ công bố hệ số phát thải của cả nước. Trên cơ sở đó, các tổ chức, doanh nghiệp chứng nhận sẽ vào Việt Nam liên kết với doanh nghiệp, HTX để thực hiện các hoạt động đo đạc về phát thải.

Dù vậy, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, các địa phương cần hết sức cân nhắc vì hiện nay, thị trường tín chỉ carbon trên thế giới rất phức tạp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng đến năm 2025 mới thực hiện thí điểm thị trường tín chỉ carbon và năm 2027 hoàn thiện khung pháp lý về thị trường tín chỉ carbon.

Bộ NN&PTNT dự kiến đến vụ Đông Xuân 2025-2026 sẽ triển khai chi trả thí điểm về tín chỉ carbon. Do đó, để tránh bị chồng chéo, dẫn đến những hậu quả khôn lường cho HTX, doanh nghiệp thì chính các địa phương, doanh nghiệp và HTX cần lưu ý, thực hiện sản xuất theo từng bước hướng dẫn của Đề án.

Bên cạnh đó, để sản xuất theo chuỗi nhằm giảm phát thải, từng hộ dân không thể tham gia được mà phải có sự dẫn dắt của các HTX. Đi cùng với đó là các tổ chức khuyến nông sẽ cùng với HTX đảm nhận vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng người dân.

Có thể thấy, việc phát triển nông nghiệp bền vững, giảm phát thải cần thực hiện theo đúng lộ trình giảm phát thải mà Việt Nam đã đặt ra. Do đó, theo giới chuyên gia, việc nông dân, HTX, doanh nghiệp ý thức rõ điều này, thay đổi phương thức sản xuất, sử dụng giống, phân bón, công nghệ như thế nào để tạo ra hệ sinh thái bền vững cần được quan tâm.

Tuy nhiên, một mình nông dân, HTXm doanh nghiệp thì rất khó có thể thành công trong quá trình sản xuất giảm phát thải. Sản xuất lúa, chăn nuôi vốn là ngành nghề thải ra nhiều khí C02, để giảm khí thải thì cần hỗ trợ từ tổ chức tín dụng. Hay vấn đề ưu tiên có các giống mới để giảm phát thải cần sự đồng hành của địa phương, nhà khoa học mới mang lại hiệu quả trong thực tiễn.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/go-nut-that-trong-san-xuat-giam-phat-thai-1104587.html
Zalo