Gỡ nút thắt, tạo đòn bẩy phát triển công nghiệp văn hóa
Từ những chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước được triển khai trên thực tiễn, phát triển công nghiệp văn hóa trong năm 2024 đã vượt qua nhiều thử thách, khó khăn để ghi dấu sự chuyển biến mạnh mẽ. Công nghiệp văn hóa trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tạo đà cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới, đòi hỏi ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phải kịp thời tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn để tăng tốc, bứt phá.
Bài 1: Mở "luồng xanh" cho doanh nghiệp tư nhân
Thời gian qua, phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam ghi nhận sự chuyển mình tích cực của nhiều đơn vị thuộc hệ thống công lập. Bên cạnh đó, sự vào cuộc ngày càng năng động và hiệu quả từ các đơn vị tư nhân đã tạo khởi sắc cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc huy động các nguồn lực ngoài xã hội để phát triển công nghiệp văn hóa còn gặp không ít trở ngại, vướng mắc, cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2018, cả nước có 115 đơn vị văn hóa, nghệ thuật công lập, trong đó có 12 đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), 103 tổ chức nghệ thuật thuộc các Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố và 108 cơ sở đào tạo tham gia đào tạo văn hóa, nghệ thuật. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa khoảng 46.535 đơn vị. Sang năm 2019, số lượng doanh nghiệp này tăng lên 97.167.
Đến nay, tuy chưa có số liệu thống kê cập nhập song từ thực tiễn cho thấy, bên cạnh những đơn vị phải dừng hoạt động do làm ăn không hiệu quả thì đồng thời cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân mới thành lập, hoạt động hết sức sôi nổi. Bên cạnh vai trò nòng cốt của các đơn vị công lập thì sự năng động của các doanh nghiệp tư nhân đã tạo nên "làn gió mới", đóng góp hiệu quả cho phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển như vũ bão, chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy của các loại hình công nghệ mới đã và đang thay đổi nhanh chóng cách tiếp cận và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng. Kịp thời nắm bắt được yêu cầu của tình hình mới, các doanh nghiệp văn hóa cũng sẵn sàng tâm thế bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ.
Nhiều sản phẩm văn hóa mới được sáng tạo trên nền tảng là những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc đã góp phần định vị thương hiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế. Nhiều thiết chế văn hóa tư nhân như sân khấu, rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện,... ra đời, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của công chúng.
Chỉ tính riêng các rạp chiếu phim, theo thống kê của Hiệp hội Phát hành phim Việt Nam, tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 1.100 rạp chiếu phim với hơn 6.000 phòng chiếu, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và rải rác ở hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó, số phòng chiếu thuộc khu vực kinh tế tư nhân chiếm hơn 80%. Ngoài ra, thống kê sơ bộ cũng cho thấy, hiện cả nước có hơn 100 thư viện tư nhân và hơn 20 bảo tàng tư nhân, đa dạng về loại hình và cơ chế hoạt động.
Sự góp mặt của các doanh nghiệp tư nhân là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới trong ngành văn hóa; khuyến khích tài năng trẻ, tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa phát triển; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Các hoạt động văn hóa giờ đây không còn bị đóng khung trong những khuôn mẫu cứng nhắc, mà đã trở thành một thực thể sống động, tạo ra giá trị kinh tế lớn, đóng góp vào GDP của quốc gia.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá: "Với khả năng linh hoạt, tính đổi mới cao và tầm nhìn dài hạn, các doanh nghiệp tư nhân đang đóng góp tích cực vào sự hình thành và phát triển một hệ sinh thái công nghiệp văn hóa sôi động, góp phần đưa Việt Nam vươn lên trên bản đồ văn hóa thế giới". Điều ý nghĩa hơn cả là sự tham gia tích cực của các thành phần tư nhân từng bước làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội trong việc huy động mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa, không còn coi đây là trách nhiệm thuộc về Nhà nước và cơ quan chức năng.
Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta hết sức chú trọng đến việc phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, trong nước cũng như nước ngoài để phát triển văn hóa. Quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt của Đảng ta là phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa.
Những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi giúp các doanh nghiệp tư nhân có bước phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận trong quá trình thực hiện vẫn còn một số bất cập, rào cản trong phân cấp, phân quyền, sự thiếu đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành, thiếu những quy định điều chỉnh kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, dàn trải, việc huy động nguồn lực xã hội chưa đạt yêu cầu... Từ thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc "mở luồng xanh" cho doanh nghiệp tư nhân phát huy hơn nữa vai trò trong phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, hiện nay Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển công nghiệp văn hóa, trong khi đây là lĩnh vực đòi hỏi quá trình đầu tư lâu dài và đầy mạo hiểm. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phân tích việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa còn gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng, chính sách huy động nguồn lực cho văn hóa chưa đủ thông thoáng. Hiện nay, để được nhận nguồn vốn đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa chưa được hưởng ưu đãi phù hợp, điều mà nhiều quốc gia khác đã thực hiện. Thí dụ như Thái Lan có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công nghiệp văn hóa, được triển khai với nhiều hình thức: đầu tư, cho vay, ưu đãi thuế, hoàn thuế, bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay quốc tế. Thiếu nguồn tài trợ ổn định và dài hạn, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp trở ngại trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh đó, cơ hội tiếp cận, sử dụng các thiết chế văn hóa công lại là một khó khăn khác với doanh nghiệp tư nhân khi họ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về kinh phí, giấy tờ, thủ tục.
Là người có kinh nghiệm trong công tác quản lý, ông Đỗ Quang Minh (Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chỉ rõ việc đầu tư trong lĩnh vực văn hóa cần có sự thay đổi. Thay vì Nhà nước chi tiền cho văn hóa phục vụ các mục tiêu của Nhà nước thông qua các tổ chức, các công cụ thuộc về Nhà nước bấy lâu nay thì tới đây cần có sự điều chỉnh phù hợp. Cụ thể Nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân có đóng góp trong hoạt động văn hóa, từ đó huy động nguồn lực trong xã hội để thực hiện các nhiệm vụ mà Nhà nước đặt ra nhằm đạt hiệu quả cao nhất, thay vì việc phân tách rạch ròi giữa khối công và khối tư. Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia đề xuất cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) để phát huy hiệu quả của các thành phần tham gia, hoàn thành tốt mục tiêu đề ra. Cần vận dụng linh hoạt hình thức PPP, sao cho những hạng mục tư nhân có thể làm tốt thì không cần Nhà nước phải trực tiếp làm. Hợp tác công-tư cần được coi là chính sách ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới vì chỉ có như vậy mới huy động được sự tham gia đầu tư, hỗ trợ của cả Nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân, góp phần tạo nên các mô hình tài trợ bền vững cho doanh nghiệp văn hóa. Đồng thời, việc giảm thuế hoặc áp dụng các chính sách thuế ưu đãi đối với các doanh nghiệp văn hóa cần được xem xét, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư vào các dự án sáng tạo và mở rộng quy mô sản xuất. Chính sách thuế phù hợp, hiệu quả sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn hơn để sẵn sàng khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Như tại Pháp có chính sách khuyến khích khối tư nhân tài trợ cho văn hóa, theo đó các doanh nghiệp có thể được khấu trừ 60% số tiền tài trợ với thuế doanh nghiệp, tối đa 0,5% doanh thu hằng năm.
Do đặc thù của công nghiệp văn hóa luôn đề cao tính sáng tạo cho nên những chuyển động trong lĩnh vực này cũng diễn ra thường xuyên, liên tục, xuất hiện nhiều mô hình, cách thức hoạt động mới, vì thế cần điều chỉnh linh hoạt trong cơ chế, chính sách. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vì chậm thay đổi mà cơ chế cho phát triển văn hóa trở thành "điểm nghẽn của điểm nghẽn", tạo lực cản "trói chân" các doanh nghiệp. Song song đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, loại bỏ dần các "giấy phép con" không cần thiết, mở đường cho doanh nghiệp.
Chính phủ, các bộ, ngành chức năng sớm ban hành những quy định tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp có những công trình, dự án quy mô lớn, có tác động xã hội tích cực, từ đó tạo động lực cho phát triển văn hóa của đất nước và tích cực hội nhập với quốc tế. Nên xem xét xây dựng cơ chế đặc biệt, thậm chí có các gói hỗ trợ, đầu tư cụ thể nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia công tác bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Nguồn lực văn hóa của đất nước rất phong phú, đa dạng và là "tài nguyên mềm" cần được khai thác đúng cách, góp phần tạo ra những sản phẩm có giá trị, mang lại lợi ích kinh tế cho xã hội, bởi vậy cần phải quyết liệt thay đổi tư duy, cách làm phù hợp với hành lang pháp lý thông thoáng.