Gỡ 'nút thắt' mâu thuẫn nhờ Tổ hòa giải cơ sở

Hạn chế phát sinh điểm nóng về an ninh, trật tự tại cộng đồng dân cư, những thành viên Tổ hòa giải cơ sở trên địa bàn huyện Lâm Hà đã kịp thời giải quyết 'thấu tình, đạt lý' khi mâu thuẫn xảy ra trong gia đình, dòng họ, thôn buôn.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân luôn được các thành viên Tổ hòa giải tại huyện Lâm Hà thực hiện đều đặn

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân luôn được các thành viên Tổ hòa giải tại huyện Lâm Hà thực hiện đều đặn

TRUNG GIAN HÒA GIẢI

11 năm làm Trưởng thôn kiêm vai trò Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Thống Nhất (xã Đan Phượng), cô Trần Thị Mão luôn nỗ lực để cùng với Chi bộ thôn tháo gỡ những vướng mắc, mâu thuẫn trong gia đình, cộng đồng với mong muốn tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong dân. Với gần 300 hộ/1.000 nhân khẩu, địa bàn rộng, dân cư sống thưa thớt, phong tục, tập quán, đa dạng đồng bào các dân tộc đang sinh sống nên thỉnh thoảng xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn giữa hàng xóm, láng giềng.

"Bà Mão hòa giải" là cái tên bà con trong thôn đặt cho bà từ bấy lâu nay. Bởi suốt thời gian dài đảm nhận vai trò là tổ trưởng tổ hòa giải, nhiều vụ việc có khó đến đâu hay mâu thuẫn xảy ra căng thẳng thì bà Mão luôn có mặt để tìm cách tháo gỡ theo phương châm “việc lớn hóa nhỏ”. Bà Mão bảo rằng, trước khi đưa vụ việc ra hòa giải, tổ hòa giải sẽ gặp gỡ, trò chuyện để xác minh, nắm rõ nguồn gốc, nguyên nhân xảy ra vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn. Qua đó các thành viên trong tổ nắm rõ, cùng thảo luận, phân tích và vận động, thuyết phục hai bên đương sự đạt được thỏa thuận, tự nguyện, đảm bảo tính khách quan, công tâm với mong muốn tháo gỡ “nút thắt” một cách thỏa đáng và cố gắng tổ chức hòa giải thành ngay tại thôn. Chỉ trừ trường hợp vụ việc tranh chấp quá phức tạp, vượt thẩm quyền của cấp cơ sở thì mới chuyển lên cấp trên để giải quyết.

“Hòa giải ở cơ sở thành công hay không là nhờ sự nhiệt tình, tận tâm, đoàn kết, đồng lòng của các thành viên trong tổ hòa giải vì sự bình yên và khối đại đoàn kết trong thôn. Bản thân các hòa giải viên, ngoài sự nhiệt tình phải có kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp, kiến thức nhất định và quan trọng nhất là phải có uy tín, không ngại va chạm, biết “dân vận khéo” để nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của Nhân dân. Nhiều vụ việc cho thấy nếu Tổ hòa giải của thôn không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và vào cuộc kịp thời, chờ đến khi có đơn hoặc có ý kiến đề nghị hòa giải mới vào giải quyết, thì rất dễ phát sinh mâu thuẫn lớn”, bà Mão tâm tình.

Ông Nguyễn Quang An - Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết: “Thời gian qua, địa phương cũng đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các thành viên trong tổ hòa giải và người dân. Vì vậy, công tác hòa giải đã phát huy hiệu quả tích cực tại cơ sở, không chỉ giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp mà còn phát huy dân chủ ở cơ sở. Tổ hòa giải không chỉ uy tín trong cộng đồng, hòa giải viên cơ sở, nhất là các tổ trưởng tổ hòa giải là người am hiểu pháp luật, giỏi dân vận, lời nói luôn đi đôi với việc làm; từ đó, góp phần quan trọng hóa giải các mâu thuẫn, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm. Hiện, toàn xã Đan Phượng có 7 tổ với 45 hòa giải viên. Trong năm 2024, tổ hòa giải địa phương đã tiếp nhận 11 vụ việc; trong đó hòa giải thành công 10 vụ việc”.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HÒA GIẢI CƠ SỞ

Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà khẳng định: “Nhận thức vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hòa giải, đặc biệt khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực, UBND huyện Lâm Hà giao Phòng Tư pháp tham mưu và ban hành kế hoạch, các văn bản hướng dẫn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Với phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày... đã được các thành viên tổ hòa giải ở các thôn, khu dân cư phối hợp cùng cán bộ các xã, thị trấn phân tích hợp tình, hợp lý, khéo léo vận động Nhân dân, giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ khi mới phát sinh, góp phần hạn chế đơn, thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp”.

Hiện, huyện Lâm Hà đã kiện toàn 177 tổ hòa giải với 994 hòa giải viên là những người có uy tín, có kinh nghiệm, có khả năng vận động, thuyết phục Nhân dân. Số lượng cán bộ, công chức tại cấp huyện và cấp xã được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở là 17 cán bộ, công chức. Tổ trưởng tổ hòa giải thường là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc bí thư chi bộ. Các thành viên tổ hòa giải ở cơ sở bao gồm đại diện Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân…

Năm 2024, tổ hòa giải tại các xã, thị trấn huyện Lâm Hà đã thụ lý hòa giải 181 vụ việc, hòa giải thành 149 vụ việc đạt tỷ lệ 82%; hòa giải không thành và chuyển cấp trên giải quyết 28 vụ việc và đang giải quyết là 4 vụ việc.

“Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức pháp luật và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm và đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên… Trong đó, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp với MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác theo dõi, kiểm tra việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải. Đồng thời, vận động những người có uy tín, có tâm huyết vào tổ hòa giải, giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở không để đơn vượt cấp, xảy ra điểm nóng… góp phần giải quyết tốt các mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân”, ông Đinh Đức Chí cho biết.

THÂN THU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202504/go-nut-that-mau-thuan-nho-to-hoa-giai-co-so-6ae2d91/
Zalo