Gỡ nút thắt để phát triển vùng Tây Nguyên

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ ba, diễn ra tại tỉnh Lâm Đồng ngày 23/6, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và các nhà đầu tư tiếp tục khẳng định, nút thắt quan trọng nhất cần tháo gỡ hiện nay là đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong vùng và liên vùng. Cùng với đó, các chuyên gia đề xuất cần có các chính sách đặc thù cho phát triển vùng Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Sơn Nam

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Sơn Nam

"Điểm nghẽn" về hạ tầng giao thông

Thời gian qua, các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đã nỗ lực lớn tập trung nguồn lực từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, kết hợp với huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm có sức lan tỏa, tạo đột phá chiến lược trong phát triển vùng Tây Nguyên.

Trong đó phải kể đến các tuyến cao tốc: Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Dầu Giây - Liên Khương... mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không; đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ như: quốc lộ 27 (đoạn K’Rông Nô - Phi Nôm), 55, 27C, đường Trường Sơn Đông...

Về danh mục dự án quan trọng, liên kết vùng, đã khởi công và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ 1 dự án quan trọng quốc gia (tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) và 5 dự án trọng điểm, liên kết vùng; đang hoàn thiện thủ tục đầu tư 2 dự án và nghiên cứu phương thức đầu tư 4 dự án để triển khai đầu tư các dự án còn lại.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Sơn Nam

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Sơn Nam

Đa số các lãnh đạo các địa phương trong vùng đều đồng quan điểm cho rằng, để phát triển vùng Tây Nguyên cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo thành mạng lưới giữa các vùng mới tạo tính liên kết vùng mạnh mẽ.

Đó cũng là cơ hội để các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh; xây dựng chuỗi giá trị nông sản, tập trung vào một số loại nông sản có thế mạnh như cao su, cà phê, sầu riêng…

Tuy nhiên, đánh giá những khó khăn, thách thức của vùng Tây Nguyên, các đại biểu, chuyên gia đều cho rằng, tăng trưởng kinh tế của vùng năm 2023 thuộc nhóm thấp của cả nước và chưa đạt mức bình quân mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất - "nút thắt" là việc phát triển hạ tầng giao thông trong vùng và liên vùng chưa theo kịp với yêu cầu phát triển của vùng Tây Nguyên.

Đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của 5 tỉnh Tây Nguyên, cũng cần rất nhiều sự quan tâm lãnh đạo của Chính phủ, và sự vào cuộc của các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là vai trò của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên.

Theo đó, lãnh đạo các tỉnh đề nghị trung ương sớm xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để huy động các nguồn lực cho vùng Tây nguyên phát triển, nhất là về phát triển hạ tầng giao thông, chương trình ổn định dân di cư tự do; hệ thống thủy lợi, an toàn hồ đập, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế lâm nghiệp...

Chính sách đặc thù tạo động lực phát triển

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, ghi nhận những chuyển biến tích cực của vùng Tây Nguyên, thể hiện qua các số liệu tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải ngân đầu tư công…

Về quy hoạch, Phó Thủ tướng yêu cầu, phải xác định khung pháp lý để các tỉnh Tây nguyên cùng phát triển trên tinh thần hợp tác, đây là định hướng để phát triển bền vững. Với sự liên kết chặt chẽ, bài bản, khoa học, các tỉnh Tây Nguyên có thể thực hiện ngay 3 nội dung, gồm: phát triển hệ thống giao thông kết nối; phát triển du lịch theo chuỗi, theo tuyến, khai thác hiệu quả bản sắc văn hóa độc đáo; chia sẻ thu hút đầu tư trong và ngoài nước sẽ tạo được động lực, niềm tin và tạo đà để Tây Nguyên phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các địa phương, bộ, ngành và nghiên cứu hướng xử lý; lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên phối hợp cùng các bộ, ngành để rà soát, sớm phát hiện những bất cập trong thể chế, chính sách, quy hoạch để có hướng tháo gỡ, bảo đảm sự phát triển.

Mô hình cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Ảnh. Minh họa

Mô hình cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Ảnh. Minh họa

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi tổng hợp ý kiến của 12 bộ và 5 tỉnh Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự thảo cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng Tây Nguyên.

Cụ thể, dự thảo có 10 chính sách đặc thù cụ thể là:

Chính sách 1 là nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ của vùng Tây Nguyên theo phương thức đối tác công tư từ mức 50% theo quy định hiện nay lên không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án, đồng thời đáp ứng các điều kiện liên quan.

Chính sách 2 là về cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc.

Chính sách 3 về quản lý quy hoạch.

Chính sách 4: Các địa phương trong vùng Tây Nguyên được hỗ trợ phân bổ thêm một tỷ lệ nhất định số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định giai đoạn 2026-2030, để đầu tư cho các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn Tây Nguyên.

Chính sách 5 là thu hút đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; chính sách quy định danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư.

Chính sách 6 là hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có nhà ở. Chính sách này nhằm hỗ trợ nhà ở cho những hộ nghèo khu vực nông thôn (chưa được hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở), bảo đảm có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Chính sách 7 là thí điểm thị trường carbon.

Chính sách 8 là giao đủ biên chế ngành giáo dục và y tế theo định mức của cấp thẩm quyền; phân bổ bổ sung biên chế, tính toán định mức giáo viên/lớp theo từng vùng, miền, nhất là vùng núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Chính sách 9: Cơ chế riêng về điều chỉnh mức học bổng học sinh, chế độ nhân viên cấp dưỡng cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú và đầu tư cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn vùng Tây Nguyên.

Chính sách 10 là điều chỉnh định mức bảo vệ, phát triển rừng.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên và bộ, ngành trung ương đã thảo luận, làm rõ những nội dung liên quan việc thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên; về quy hoạch vùng Tây Nguyên; rà soát và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vùng Tây Nguyên…; đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực đối với sự phát triển của vùng Tây Nguyên.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/go-nut-that-de-phat-trien-vung-tay-nguyen-153515.html
Zalo