Gỡ khó, khơi thông tín dụng ưu đãi hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển

Ngành ngân hàng triển khai nhiều chính sách, giải pháp tín dụng hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ ngư trường truyền thống. Tính đến cuối tháng 10/2024, dư nợ đối với lĩnh vực thủy sản đạt 253.877 tỷ đồng, tăng 7,46% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi cho vay lĩnh vực này.

Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phản ánh, hiện nay ngư dân nước ta khai thác hải sản tại quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa bị tàu nước ngoài tấn công, xua đuổi. Vì vậy, cử tri kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ đối với ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ ngư trường truyền thống, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đồng thời, cử tri đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cần tăng cường lực lượng cảnh sát biển, hải quân để bảo vệ vùng biển của Việt Nam, bảo vệ ngư dân trong quá trình khai thác hải sản, góp phần bảo vệ quyền và chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Những cơ chế ưu đãi

Phản hồi kiến nghị cử tri, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ ngư trường truyền thống, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Cho vay lãi suất ưu đãi 4%/năm

Về lãi suất vay vốn, NHNN đã có chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, bao gồm cả cho vay đối với ngư dân, hiện nay là 4,0%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến các tổ chức tín dụng áp dụng đối với khách hàng.

Cụ thể, về chính sách tín dụng, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 sửa đổi bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP với các cơ chế ưu đãi đối với khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có nông dân.

Điển hình như khách hàng được vay không tài sản bảo đảm, cơ chế xử lý rủi ro đặc thù thông qua cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất khi mua bảo hiểm trong nông nghiệp…

Gỡ khó, khơi thông tín dụng ưu đãi hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Ảnh tư liệu.

Gỡ khó, khơi thông tín dụng ưu đãi hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Ảnh tư liệu.

Bên cạnh đó, NHNN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó có một số nội dung liên quan đến ngành ngân hàng như: cơ chế xử lý rủi ro, cơ chế chuyển nhượng tàu, chính sách hỗ trợ bảo hiểm. Hiện Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Nút thắt trong hỗ trợ tín dụng lĩnh vực thủy sản

Mặc dù đạt kết quả tích cực, song NHNN đánh giá đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực thủy sản (bao gồm cả ngư dân khai thác hải sản xa bờ) còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Số liệu NHNN cho thấy, đến cuối tháng 10/2024, dư nợ đối với lĩnh vực thủy sản đạt 253.877 tỷ đồng, tăng 7,46% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay khai thác, nuôi trồng thủy sản (bao gồm cả nuôi trồng trên biển) đạt trên 108.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023, chiếm 42,5% tổng dư nợ cho vay thủy sản.

"Đặc thù lĩnh vực này còn tiềm ẩn rủi ro, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, trong khi các biện pháp, công cụ phòng ngừa để hạn chế rủi ro chưa phát huy hiệu quả" - NHNN chỉ rõ.

Cùng với đó, việc triển khai chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP chưa hiệu quả, phát sinh nợ xấu do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan; bản thân ngư dân chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa chứng minh được tài chính và khả năng trả nợ dẫn tới khó khăn cho tổ chức tín dụng trong quyết định cấp tín dụng.

Dư nợ đối với lĩnh vực thủy sản đến cuối tháng 10/2024 đạt trên 250 nghìn tỷ đồng. Ảnh tư liệu.

Dư nợ đối với lĩnh vực thủy sản đến cuối tháng 10/2024 đạt trên 250 nghìn tỷ đồng. Ảnh tư liệu.

Do đó, bên cạnh các giải pháp của NHNN, ngành ngân hàng, để tiếp tục hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển và xử lý được những tồn tại, vướng mắc hiện nay, hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản có hiệu quả hơn, tạo nguồn thu trả nợ ngân hàng, NHNN cho rằng cần triển khai đồng bộ các giải pháp và thuộc trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Theo đó, cần rà soát lại nguồn lợi thủy sản, ngư trường, quy hoạch phát triển tàu cá, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất để phát triển bền vững.

Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, bản thân ngư dân cũng cần xây dựng các phương án khả thi, hiệu quả, chứng minh được khả năng trả nợ, đáp ứng các điều kiện vay vốn để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay./.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/go-kho-khoi-thong-tin-dung-uu-dai-ho-tro-ngu-dan-vuon-khoi-bam-bien-169841.html
Zalo