Gỡ khó để du lịch cộng đồng phát triển - Kỳ 3: Cần chiến lược dài hạn, đồng bộ và hiệu quả hơn
Muốn phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ), cần có những chiến lược dài hạn, đồng bộ và hiệu quả từ chính quyền, ngành du lịch đến mỗi thôn, bản và bản thân mỗi người dân tham gia làm DLCĐ.

Nhìn lại chặng đường phát triển DLCĐ, một hướng đi triển vọng của du lịch Huế là chú trọng phát triển các mô hình DLCĐ có tính đặc thù cao dựa trên lợi thế văn hóa, bản sắc địa phương và tài nguyên thiên nhiên.
Sở Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch nhằm nâng cao nhận thức và chuẩn mực ứng xử của người dân và các tổ chức liên quan; tổ chức các khóa tập huấn và học tập mô hình tại các tỉnh bạn để người dân nâng cao kỹ năng, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ và trải nghiệm du lịch.
Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ nếu muốn du lịch địa phương bứt phá. Một trong những mục tiêu của du lịch Huế đến năm 2030 là phấn đấu cơ cấu khách DLCĐ chiếm 30% trong tổng lượt khách du lịch đến Huế. Để làm được điều này, ngành du lịch, chính quyền địa phương và các điểm DLCĐ cần phải triển khai hàng loạt giải pháp.
Giải quyết vấn đề của DLCĐ phải bắt đầu từ những điểm nghẽn. Đó là phải đánh giá lại một cách toàn diện, có hệ thống về tài nguyên, thế mạnh và những rào cản, khó khăn ở từng điểm DLCĐ. Phải có quy hoạch cụ thể về DLCĐ, định hướng xây dựng sản phẩm phù hợp với bản sắc và thế mạnh từng địa phương, tạo sự khác biệt trong từng mô hình DLCĐ. Từ đó, tháo gỡ khó khăn, tăng cường kết nối, lồng ghép các chương trình, dự án về phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn di sản với các hoạt động DLCĐ. Cách làm này sẽ tạo sự đồng bộ và hiệu quả trong phát triển, tránh tình trạng manh mún, thiếu liên kết, mạnh ai nấy làm.

DLCĐ thì vai trò chủ thể và trực tiếp làm du lịch vẫn là cộng đồng. Điều này không đồng nghĩa với việc thả nổi, xem nhẹ yếu tố con người, để người dân bản địa làm du lịch theo thói quen. Theo Chi hội trưởng Chi hội DLCĐ TP. Huế Trần Quang Hào, điều quan trọng là Nhà nước phải có phương thức quản lý hiệu quả, xây dựng được các mô hình DLCĐ hiệu quả. Trong đó, phải tìm được những người có năng lực tổ chức để phát triển, hoặc mời các doanh nghiệp thực sự có tâm và tầm tham gia.
“Mô hình hợp tác xã thật ra rất khó thành công. Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể, do các thành viên tự nguyện thành lập, cùng nhau hợp tác, tương trợ trong sản xuất, kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu chung. Tuy nhiên, du lịch là sản phẩm đặc thù, do tính chất dịch vụ và những yêu cầu khác biệt nên dễ dẫn đến câu chuyện "cha chung không ai khóc”, ông Hào phân tích.
Không chỉ có những đòi hỏi năng lực của mô hình quản lý hoặc người đầu tàu, DLCĐ cũng cần xóa ngay tư tưởng ai làm cũng được, làm thế nào cũng được. Thực tế, các mô hình DLCĐ thường dựa vào người địa phương. Tuy nhiên, rất nhiều người chưa được đào tạo, tập huấn những kiến thức, kỹ năng cơ bản dẫn đến cách giao tiếp, phục vụ không đáp ứng yêu cầu. Tận dụng yếu tố nhân lực địa phương nhưng phải có giải pháp đào tạo, đảm bảo chất lượng đội ngũ.

TS. Nguyễn Thị Như Hoa, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Du lịch - Đại học Huế cho rằng, cần đào tạo về mặt chuyên môn, kỹ năng, ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho người dân địa phương để những người tham gia trực tiếp làm du lịch có khả năng kết nối với du khách, truyền tải được văn hóa bản địa cho khách, dẫn dắt những câu chuyện thú vị. Mỗi người dân tham gia vào du lịch cộng đồng là một “nhà ngoại giao” quảng bá hình ảnh điểm đến một cách sống động, chân thật, gần gũi, hài hước đến du khách. Việc đào tạo cho người dân làm du lịch cộng đồng phải giúp họ hiểu rõ về địa phương (lịch sử, văn hóa ở quá khứ và hiện tại), lòng yêu nước, tự hào về văn hóa địa phương để có thể kể những câu chuyện mang tính giao thoa giữa “cái cũ” và “cái mới” của địa phương mình cho khách du lịch. Điều này giúp cho khách thích thú hơn, hiểu sâu sắc hơn về điểm đến và địa phương đó…

Còn theo ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Huế, cần tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển và xúc tiến quảng bá các điểm du lịch trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải. Nơi nào có điều kiện, trọng điểm thì ưu tiên phát triển trước. Từ đó nhân rộng các mô hình thành công. Bên cạnh đó, phải tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, địa phương cần có những cơ chế, hỗ trợ về pháp lý, an ninh, an toàn…
DLCĐ là một trong những hướng phát triển trọng tâm của TP. Huế. Giám đốc Sở Du lịch Trần Thị Hoài Trâm cho biết, để khai thác hiệu quả tiềm năng này và tháo gỡ những khó khăn hiện nay, địa phương và ngành du lịch đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, ngành du lịch tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND, ngày 9/7/2019, về các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025. Trên cơ sở đó, Sở đang phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND giai đoạn 2026 - 2030 và nâng định mức hỗ trợ phù hợp với thực tiễn phát triển, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cộng đồng tham gia phát triển du lịch.
Sở Du lịch cũng sẽ tiến hành rà soát, xác định các điểm đến ưu tiên để đề nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ đầu tư hạ tầng, cải thiện điều kiện phục vụ khách DLCĐ. Song song đó, Sở cũng tăng cường giám sát, đánh giá hiệu quả các gói hỗ trợ nhằm đảm bảo nguồn lực đến đúng địa chỉ và phát huy tác dụng lâu dài.

Trong định hướng đề ra, ngành du lịch sẽ quan tâm, chú trọng về cơ chế quản lý đất đai trong khai thác phục vụ phát triển DLCĐ gắn với nông thôn mới; hướng dẫn các địa phương trong công tác lập quy hoạch và xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ đối với từng loại hình du lịch. Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển; giữa giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống với đổi mới, sáng tạo. Ngoài ra, Sở Du lịch cũng cần phối hợp với đơn vị liên quan rà soát các điểm DLCĐ để hỗ trợ điều chỉnh, nâng cao chất lượng các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ cụ thể nhằm tạo ra các điểm đến bài bản, chuyên nghiệp, hấp dẫn.
Trong bối cảnh hiện nay, việc huy động và tận dụng các nguồn lực từ ngân sách nhà nước cũng như khuyến khích xã hội hóa, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư vào DLCĐ phải được quan tâm hơn. Việc này không chỉ giúp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn thúc đẩy bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Huế.
Một điều không thể thiếu trong phát triển du lịch là làm tốt công tác truyền thông. Theo TS. Nguyễn Thị Như Hoa, trong thời đại công nghệ phát triển, việc quảng bá mạnh mẽ, truyền thông hiện đại hơn, tận dụng AI, công nghệ, tiếp cận và theo các xu hướng quảng bá mới, năng động sáng tạo hơn sẽ giúp các cộng đồng địa phương trở nên sinh động và lôi cuốn, chân thật hơn trong các video quảng bá, kích thích sự quyết định muốn trải nghiệm, cũng như sự quay trở lại của du khách.
Du lịch - dịch vụ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Với DLCĐ, đó còn là cơ hội lớn để khai thác tiềm năng, phát huy các giá trị văn hóa bản địa và cải thiện sinh kế người dân. Giá trị ấy muốn phát huy được luôn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, người dân và các doanh nghiệp. Khi tất cả cùng hướng về DLCĐ, trăn trở với những mục tiêu phát triển thì đích đến hiệu quả sẽ ngày càng rõ và càng gần hơn.
