Gỡ khó để du lịch cộng đồng phát triển - Kỳ 2: Còn nhiều rào cản

Một trong những hạn chế của du lịch cộng đồng là phát triển thiếu chọn lọc và còn trông chờ vào các nguồn đầu tư, các mô hình DLCĐ ra đời na ná nhau, nghèo ý tưởng, thiếu tính hấp dẫn.

Đi tìm nguyên nhân thực trạng “sớm nở, chóng tàn” của các mô hình DLCĐ, chúng tôi nghe được khá nhiều lý giải.

Ông Trần Quang Hào, Chi hội trưởng Chi hội DLCĐ TP. Huế, Giám đốc Công ty CP Đầu tư & Dịch vụ Du lịch Huế (Huetourist) chia sẻ, tư duy xây dựng sản phẩm từ chính quyền địa phương và người dân đang còn những hạn chế. Dẫn chứng, ông Hào kể bằng câu chuyện của chính doanh nghiệp mình.

Mâu thuẫn trong việc đầu tư hạ tầng, xây dựng sản phẩm dịch vụ và yếu tố bảo tồn nảy sinh khiến mức độ hấp dẫn của các điểm du lịch bị giảm sút. Theo ông Hào, ngoài chuyện bê tông hóa ở các điểm du lịch, vì lo ngại ảnh hưởng thời tiết, nhiều điểm du lịch bọc tôn, phá vỡ kiến trúc. Một số nhà truyền thống cũng thay thế vật liệu gỗ bằng bê tông, làm mất giá trị bản sắc, vốn là cốt lõi của DLCĐ.

Thực tế trên không chỉ riêng ở Huế và là nỗi lo chung. Bản sắc văn hóa của địa phương bị ảnh hưởng do người dân làm du lịch chạy theo xu hướng thương mại hóa, quá coi trọng lợi nhuận trước mắt làm giảm tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch. Dịch vụ DLCĐ của các hộ kinh doanh manh mún, chắp vá, không phản ánh được quy mô, tính chất của không gian văn hóa thu nhỏ của dân tộc mình. Một số phong tục, lễ hội, các làn điệu dân ca dân vũ, trang phục dân tộc, nghề thủ công truyền thống có nguy cơ mai một, kiến trúc nhà truyền thống ở một số nơi dần bị thay thế bởi các kiến trúc hiện đại. Khi những vấn đề trên xảy ra, khách không có hứng thú với điểm DLCĐ.

Ông Trần Thanh Tú, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Huế, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Du lịch Tú Trần cho rằng, xu hướng du khách rất quan tâm đến những trải nghiệm khác biệt. Tuy nhiên, sản phẩm DLCĐ ở các địa phương vẫn còn nghèo, trùng lặp. Không mang lại sự mới mẻ, hấp dẫn, không khai thác được chính câu chuyện văn hóa của chính địa phương mình, sức hút DLCĐ cũng bị giảm.

Theo kết quả khảo sát về xu hướng nhu cầu của khách du lịch được thực hiện gần đây bởi tổ chức AC Nielsen (do Tổ chức phát triển Hà Lan ủy thác) cho thấy: 65% số du khách muốn trải nghiệm văn hóa và di sản của địa phương; 54% số du khách muốn trải nghiệm thiên nhiên, nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe; 84% số du khách muốn tham quan danh lam thắng cảnh địa phương; 48% số du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn để trải nghiệm văn hóa và di sản địa phương... Kết quả nghiên cứu này đã phần nào lý giải cho sự chuyển dịch trong cơ cấu phát triển ngành du lịch các năm qua; trong đó, DLCĐ là xu hướng rất được ưa chuộng. Nhưng, yếu tố bản sắc địa phương mới chính là điểm để lôi cuốn du khách.

Bà Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Huế cho rằng, để DLCĐ phát triển bền vững, cần phải xây dựng cơ chế, chính sách phát triển DLCĐ theo hướng bền vững, chú trọng bảo tồn văn hóa. Mặc dù Luật Du lịch năm 2017 có đề cập đến DLCĐ, nhưng chỉ phân công trách nhiệm chung cho các bên liên quan trong phát triển DLCĐ và chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng chỉ đề cập đến định hướng phát triển DLCĐ mà chưa đưa ra được những cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho DLCĐ phát triển.

Thực tế, ở vai trò địa phương, nhận ra những giá trị trong việc phát triển DLCĐ, thành phố cũng đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch và đề án quan trọng, như: Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND về các chính sách hỗ trợ phát triển DLCĐ đến năm 2025; Kế hoạch phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thúc đẩy phát triển DLCĐ trên địa bàn... Cùng với những nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp sức của các dự án cũng đã mang lại những trợ lực cho DLCĐ phát triển.

Đáng tiếc là bên cạnh mặt tích cực, tư tưởng của một bộ phận người dân làm DLCĐ còn trông chờ, ỷ lại khiến các nguồn lực hỗ trợ trở thành con dao hai lưỡi. Khi nguồn hỗ trợ không còn hoặc không đủ lớn, khó khăn lại nảy sinh. Lượng khách không thường xuyên, sản phẩm thiếu chất lượng; một số mô hình thiếu tính chuyên nghiệp; sự liên kết thị trường hạn chế, thiếu sự hỗ trợ, kết nối của doanh nghiệp; thiếu ý thức về bảo tồn, bảo vệ văn hóa bản địa, tài nguyên và hàng loạt vấn đề khác đặt ra.

Một người chuyên làm DLCĐ thẳng thắn: “Một mặt, phải cảm ơn các dự án hỗ trợ DLCĐ, nhưng mặt khác cũng có những điều cần góp ý. Có cảm giác, các dự án đang làm thay người dân, thiếu đào tạo đội ngũ kế thừa, chưa có phương thức chuyển giao về con người và doanh nghiệp, dù đã có chuyển giao chung cho cộng đồng. Trong nhiều trường hợp, các mô hình DLCĐ không có người đứng đầu thực sự giỏi; năng lực tổ chức và vận hành du lịch của người dân còn nhiều hạn chế. Nhiều mô hình hoạt động tự phát, thiếu kiến thức quản trị, kỹ năng phục vụ khách và chưa hiểu rõ nhu cầu thị trường, dẫn đến sản phẩm chưa chuyên nghiệp. Minh chứng cụ thể là sản phẩm DLCĐ còn nghèo nàn, chủ yếu dừng lại ở dịch vụ ăn uống và tham quan cảnh quan mà chưa đầu tư sâu vào trải nghiệm đặc sắc, kể chuyện văn hóa bản địa”.

Thực tế thì mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp du lịch và lữ hành còn lỏng lẻo, thiếu sự kết nối để tiếp cận khách du lịch theo tour. Tư duy theo kiểu ăn xổi đang còn tồn tại. Nhiều doanh nghiệp lữ hành chưa dựa vào cộng đồng để tìm hiểu, khai thác sản phẩm gắn với cộng đồng, họ chỉ tập trung khai thác những cái hiện có. Người dân chưa tận dụng được những ý tưởng sáng tạo từ doanh nghiệp dẫn đến sản phẩm đơn điệu.

Theo nhiều chuyên gia, số lượng điểm du lịch nhiều hay ít không quan trọng bằng việc mở ra có làm đến nơi đến chốn, có thu hút được khách hay không. Nhiều mô hình DLCĐ hiện nay vẫn mang tính tự phát, chưa được tổ chức và quản lý một cách bài bản. Người dân dù nhiệt tình tham gia nhưng còn thiếu các kỹ năng quan trọng trong quản lý dịch vụ du lịch, như đón tiếp khách, quảng bá sản phẩm, quản lý tài chính hay xây dựng trải nghiệm du lịch hấp dẫn. Đây là điều cần nhìn nhận để tập trung đầu tư, tránh mở ra các điểm DLCĐ, đầu tư dàn trải.

Hiện nay, các điểm đến trong khu vực đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt do nhiều sản phẩm du lịch có tính chất tương đồng và thiếu sự khác biệt nổi bật. Điều này gây khó khăn trong việc thu hút và giữ chân khách, đồng thời hạn chế khả năng phát triển bền vững cho các địa phương. Ngoài ra, hạ tầng du lịch tại nhiều điểm DLCĐ còn chưa đồng bộ và chưa đáp ứng nhu cầu của khách, từ giao thông, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe đến các dịch vụ hỗ trợ khác. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách và uy tín của sản phẩm.

DLCĐ thì người dân ngay tại cộng đồng là chủ thể. Thế nhưng, họ chỉ là những người tay ngang, chưa có đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn về phát triển du lịch, không giỏi làm sản phẩm hay thiết kế trải nghiệm. Họ không thành thạo ngoại ngữ, chưa quen với các kỹ năng như quản lý dịch vụ, giao tiếp với khách, lại khá chậm trong công tác truyền thông quảng bá. Nếu việc đào tạo, tập huấn không trở thành hoạt động thường xuyên, thì khi nhập cuộc làm DLCĐ, tâm lý và nhận thức của người dân cũng là một trở ngại. Nhiều người còn e ngại, chưa thực sự xem du lịch là một nghề chính và có tính bền vững. Chính việc thiếu sự đồng thuận và cam kết lâu dài từ cộng đồng, các mô hình dễ bị gián đoạn hoặc suy yếu sau khi các nguồn hỗ trợ kết thúc.

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/e-magazine/go-kho-de-du-lich-cong-dong-phat-trien-ky-2-con-nhieu-rao-can-155660.html
Zalo