Gỡ khó cho ngành chăn nuôi hướng tới phát triển bền vững

Ngày 3/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội nghị 'Phòng chống dịch bệnh và Phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới' nhằm gỡ khó cho ngành chăn nuôi hướng tới phát triển bền vững.

Hội nghị "Phòng chống dịch bệnh và Phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới". Tác giả: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Hội nghị "Phòng chống dịch bệnh và Phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới". Tác giả: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Hội nghị này được tổ chức sau chỉ đạo mới đây của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà liên quan đến vấn đề thịt lợn và giá thịt lợn hơi tăng cao trong thời gian vừa qua.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục Trước Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới có nhiều sự thay đổi về cách thức tiếp cận mới trong chăn nuôi đã tác động trực tiếp đến hoạt động chăn nuôi lợn của Việt Nam. Cơ cấu chăn nuôi lợn đã chuyển dịch mạnh theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và chăn nuôi trang trại. Cụ thể, chăn nuôi nông hộ đang có xu hướng giảm mạnh (15 - 20%/năm) và chuyển dịch dần sang chăn nuôi chuyên nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và quản lý tốt môi trường.

Những xu hướng thay đổi trên không chỉ giúp chăn nuôi lợn của Việt Nam tăng về năng suất và chất lượng mà còn góp phần giảm thiểu rủi ro, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và cải thiện phúc lợi xã hội, phúc lợi động vật. Năm 2024, tổng đàn lợn đạt 32,02 triệu con, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024 là năm có số đầu con lợn cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng về đầu con giai đoạn 2020-2024 đạt trung bình là 4,4%/năm (Bảng 1). Hết quý I/2025, tổng đàn 31,8 triệu con (giảm hơn 200 ngàn con so với thời điểm 01/01/2025 (giảm 0,63%), nhưng tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2024).

Năm 2024, qua khảo sát và thu thập thông tin cho thấy các cơ sở chăn nuôi lợn cấp bố mẹ trên toàn quốc đã sản xuất ra số lượng lợn con thương phẩm khoảng 53,5 triệu con, các cơ sở sản xuất giống duy trì mức sản xuất và hằng tháng đã cung ứng cho các cơ sở chăn nuôi lợn thịt trên toàn quốc với số lượng trung bình khoảng từ 4,2 – 4,5 triệu con lợn thương phẩm/tháng trong năm 2024 (tùy từng thời điểm theo quý trong năm. Trong năm 2024 sản lượng thịt hơi các loại đạt 8,1 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2023; trong đó, thịt lợn hơi 5,18 triệu tấn, tăng 6,6%.Trong cơ cấu sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2024, thịt lợn chiếm tỷ trọng cao nhất đạt 62,6%.

Tại hội nghị vấn đề được các đại biểu đưa ra, đó là việc chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán đã không còn phù hợp, nhất là trong điều kiện ngày càng có nhiều dịch bệnh và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường ngày càng đòi hỏi cao hơn. Để tuân thủ theo quy định của Luật, các địa phương đã tổng rà soát các cơ sở chăn nuôi thuộc khu vực không được phép chăn nuôi và buộc di dời hoặc ngừng hoạt động những cơ sở này theo quy định. Điều này trực tiếp góp phần chuyển đổi ngành cả về cơ cấu, quy mô và vùng chăn nuôi.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai cho biết, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai (chiếm 61,83%). Hiện nay, tổng đàn heo (lợn) của Đồng Nai chỉ còn khoảng 1,9 triệu con, giảm 5,23% so với cùng kỳ. Ngành chăn nuôi heo của Đồng Nai đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh, khai báo tổng đàn, kiểm soát ra vào, di dời các trang trại chăn nuôi…

Ông Sinh kiến nghị ngành chăn nuôi cần thực hiện truy xuất nguồn gốc, đây là yếu tố hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Trước mắt, cần thiết phải quy định và triển khai mã định danh đối với các cơ sở chăn nuôi.

Theo ông Sinh, cần quy định cụ thể về việc khai báo tổng đàn trong các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời bổ sung hình thức khai báo trực tuyến. Đây không chỉ là hình thức khuyến khích mà cần được quy định bắt buộc nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát dịch bệnh. Cần xây dựng và triển khai một phần mềm quản lý chuẩn như “nhạc trưởng” thực hiện thống nhất trong toàn quốc để quy tập dữ liệu, thông tin.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa - ông Đặng Văn Hiệp cho biết, hiện nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh là 1,3 triệu con. Toàn tỉnh có 588 trang trại chăn nuôi và hơn 88.070 hộ chăn nuôi, sản lượng thịt hơi hàng năm khoảng 185.000 tấn.

Về tình hình tiêu thụ thịt lợn, trung bình hàng tháng, số lợn thịt xuất chuồng của tỉnh là 155.000 - 160.000 con; trong đó, có khoảng 110.000 - 115.000 con được giết mổ và tiêu thụ trong tỉnh, khoảng 40.000 - 45.000 con xuất bán ra các tỉnh, thành khác. Số lượng lợn thịt trung bình từ 70 - 100 kg có mặt thường xuyên khoảng 220.000 con.

Để hướng tới phát triển ngành chăn nuôi lợi trong tình hình mới, Thanh Hóa kiến nghị cần áp dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong chăn nuôi để tự động hóa các khâu trong sản xuất. Ngoài ra, trong bối cảnh cả nước đang xây dựng chính quyền hai cấp và sẽ triển khai vào 1/7 sắp tới, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn tỉnh trong công tác quản lý trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y.

Cùng với sự di dời này, các chủ cơ sở chăn nuôi đã buộc phải cải thiện và đầu tư cơ sở vật chất mới, mở rộng hoặc nâng cấp quy mô chăn nuôi... để phù hợp với tình hình chăn nuôi mới. Đây là bước chuyển dịch quan trọng góp phần phát triển ngành chăn nuôi lợn bền vững trong thời gian tới.

Liên quan đến giá thịt lợn hơi, ông Đăng thông tin, trong năm 2024, trung bình giá thịt lợn hơi xuất chuồng trong cả nước tháng 1 và 2 dao động trung bình 52 - 55 nghìn đồng/kg sau đó giá lợn có xu hướng tăng đều qua các tháng đến tháng 6 giá lợn cao nhất đạt 67,7 nghìn đồng/kg. Mức giá lợn hơi xuất chuồng được duy trì từ giữa năm 2024 đến cuối năm 2024 giá lợn hơi dao động trong khoảng từ 61,6 đến 65,1 nghìn đồng/kg.

Sang quý I/2025 do thị trường vào dịp Tết Nguyên đán nhu cầu thịt lợn tăng cao từ tháng 1 năm 2025 giá lợn thịt hơi xuất chuồng bắt đầu tăng từ 63,3 đến 67,7 nghìn đồng/kg. Giá lợn tăng cao nhất trong tháng 3 năm 2025 giá lợn xuất chuồng trung bình đạt 76,5 nghìn đồng/kg, có những thời điểm giá thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 80 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên mức giá này chỉ duy trì trong thời gian ngắn.

Những ngày cuối tháng 3/2025, giá lợn đang trên đà giảm xuống còn 66 - 76 nghìn đồng/kg tùy tỉnh và phụ thuộc vào lợn công ty hay trong dân. Đến ngày 31/3/2025, giá trung bình cả nước đạt 69,0 nghìn đồng/kg. Như vậy, chênh lệch giá giữa thời điểm giá cao nhất của quý I năm 2025 so với thời điểm giá cao nhất năm 2024 là gần 10.000 đồng/kg.

Ông Đăng cho rằng, giá thịt lợn tại Việt Nam tăng trong thời gian gần đây là hệ quả của nhiều yếu tố; trong đó, dịch bệnh vẫn là một trong những thách thức lớn nhất đối với chăn nuôi lợn tại Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn ngày càng tăng. Hơn nữa, các cơ sở chăn nuôi phải đáp ứng các quy định về điều kiện chăn nuôi tại Luật Chăn nuôi. Vì vậy, nhiều địa phương trong cả nước đã tổng rà soát và lên kế hoạch di dời hoặc dừng hoạt động các trang trại chăn nuôi không đủ điều kiện chăn nuôi. Do đó, nhiều trang trại chăn nuôi ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc giảm quy mô chăn nuôi dẫn đến thiếu hụt cục bộ tại một số thời điểm.

Ngoài ra các ngành kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng nhập lậu. Chi phí cho chăn nuôi tăng do đáp ứng chăn nuôi an toàn sinh học, chi phí đầu tư hệ thống kiểm soát môi trường; chi phí cho nhân công lao động tăng. Ngoài ra, cơn bão số 3 (tháng 9 năm 2024) đã càn quét đàn vật nuôi ở nhiều tỉnh phía Bắc... đã tác động lên chi phí sản xuất sẽ đẩy giá bán lợn hơi.

Để chăn nuôi lợn bền vững, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, ngành cần phải xây dựng chuỗi chăn nuôi; trong đó, tập trung làm tốt khoảng 15 chuỗi, từ đó, có thể thuận lợi trong điều tiết nguồn cung và thị trường. Đồng thời kiểm soát chặt khâu giết mổ, nhất là giết mổ tự phát, hạn chế sử dụng "thịt nóng" để hướng tới "mát hóa" thịt lợn. Ngoài ra, tập trung kiểm soát khâu nhập khẩu thịt. Ông Dương cũng cho rằng, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng AI vào chăn nuôi lợn. Điều này sẽ giúp hiện đại hóa ngành chăn nuôi, tăng năng suất và chất lượng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến khẳng định, con giống luôn giữ vai trò quan trọng quyết định hiệu quả chăn nuôi, cũng là một trong những giải pháp để ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương căn cứ vào nhu cầu của người chăn nuôi để quy hoạch, mở rộng các cơ sở sản xuất giống bố, mẹ gắn với chọn lọc, nhân đàn, chủ động sản xuất con giống có năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng khoa học trong phát triển nguồn giống, như thụ tinh nhân tạo, lưu trữ, bảo vệ nguồn gen; bình tuyển, quản lý đàn lợn giống cấp cụ kỵ, ông bà đủ tiêu chuẩn để sản xuất giống phục vụ sản xuất.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu, vận chuyển con giống không rõ nguồn gốc xuất xứ; khuyến cáo người chăn nuôi mua con giống tại các trang trại, cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn, tránh mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa kiểm soát dịch bệnh.

Các địa phương cần tích cực tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chủ động từ con giống đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới ngành chăn nuôi hướng tới chất lượng và giá trị gia tăng hơn là số lượng, chăn nuôi lợn Việt Nam nói riêng và chăn nuôi nói chung sẽ phát triển theo hướng chăn nuôi công nghiệp áp dụng chuyển đổi số, năng suất và chất lượng cao, sản lượng lớn.

Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/go-kho-cho-nganh-chan-nuoi-huong-toi-phat-trien-ben-vung/368677.html
Zalo