Gỡ khó cho đồng bào Brâu ở Pờ Y

Tháng 6-2019, đồng bào dân tộc Brâu và người dân ở xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) vui mừng vì xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và thoát khỏi diện xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn).

Tuy nhiên, thực tế đời sống của đồng bào Brâu vẫn rất khó khăn nên khi áp dụng quy định tại Điều 3 Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ (thôi hưởng chính sách áp dụng đối với các xã khu vực III) đã khiến đồng bào càng gặp khó...

Căn cứ Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số (DTTS) rất ít người giai đoạn 2016-2025 và các văn bản hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 941b/QĐ-UBND ngày 20-9-2017 phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội DTTS rất ít người Brâu tỉnh Kon Tum đến năm 2025, với tổng nguồn vốn thực hiện là 68,376 tỷ đồng.

Theo đó, đề án sẽ hỗ trợ đồng bào xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các mô hình trồng cây ăn quả, làm chuồng trại chăn nuôi, cấp con giống; hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ sản xuất; hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào...

 Đồng bào Brâu ở xã Pờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum) chuẩn bị cho nghi lễ cầu mùa.

Đồng bào Brâu ở xã Pờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum) chuẩn bị cho nghi lễ cầu mùa.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Tài Thu, Bí thư Đảng ủy xã Pờ Y cho biết: “Đồng bào Brâu sinh sống chủ yếu trên địa bàn thôn Đăk Mế với 173 hộ/591 khẩu (chiếm tỷ lệ 5,53% dân số toàn xã). Trước đây, cuộc sống của người Brâu gặp rất nhiều khó khăn, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào trồng lúa một vụ và các loại cây hoa màu. Như năm 2005, lương thực bình quân đầu người của đồng bào Brâu là 158kg/người/năm; thu nhập bình quân chỉ khoảng 60.000 đồng/người/tháng; tỷ lệ hộ đói, nghèo cao (toàn thôn Đăk Mế có tới 64/84 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 76,2%).

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước triển khai các chương trình, chính sách dân tộc nên đời sống vật chất và tinh thần của người Brâu từng bước phát triển, tuy nhiên vẫn chưa đạt được những mục tiêu mà địa phương đề ra”. Đặc biệt, từ tháng 6-2019, khi xã Pờ Y được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đồng bào Brâu nói riêng và người dân ở xã Pờ Y nói chung đã thôi hưởng các chính sách của xã khu vực III mà trước đó họ đang hưởng, trong đó có chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình 1719).

“Chúng tôi rất mong các cấp có cơ chế điều chỉnh sao cho phù hợp để tiếp tục hỗ trợ đồng bào Brâu được thụ hưởng các chính sách từ Chương trình 1719. Bởi thực tế, nếu không được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ thì đồng bào Brâu sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, đồng chí Nguyễn Tài Thu cho biết thêm.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, việc người dân nói chung, đồng bào Brâu nói riêng ở xã Pờ Y bị "cắt" ngay những chính sách hỗ trợ dễ dẫn đến "tuột" các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được. Trong khi đồng bào Brâu lại không có khả năng tự huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, vẫn cần nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để duy trì những kết quả đã đạt được, từ đó sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống, khiến đồng bào khó phát triển đồng đều so với các dân tộc khác.

Đồng chí Y Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: “Trong nhiều văn bản của UBND tỉnh báo cáo lên cấp trên, chúng tôi đều kiến nghị Chính phủ xem xét, cho phép không áp dụng quy định tại Điều 3 Quyết định 861 trong giai đoạn 2021-2025 đối với xã Pờ Y, đặc biệt là đồng bào Brâu để giúp người dân có điều kiện vươn lên tốt hơn”.

Đánh giá tổng quan về sự đồng hành của Chính phủ thông qua những chính sách hỗ trợ tới đồng bào Brâu, đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (người dân tộc Brâu) vui mừng vì với các nguồn hỗ trợ to lớn đã giúp bản làng của người Brâu “thay da đổi thịt”, nâng cao vị thế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi cũng cho rằng, việc áp dụng quy định tại Điều 3 Quyết định 861 với đồng bào Brâu sẽ cần phải điều chỉnh lại để phù hợp với thực tiễn của địa phương. “Chúng ta cần hiểu rõ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là một chủ trương lớn, được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để giúp người dân nâng cao cuộc sống. Vì thế, với đồng bào còn gặp nhiều khó khăn như Brâu thì dù ở đâu cũng cần được thụ hưởng chính sách phù hợp nhất”, đại biểu Nàng Xô Vi nhấn mạnh.

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/go-kho-cho-dong-bao-brau-o-po-y-790343
Zalo