Gỡ khó cho chợ dân sinh
Cải tạo, nâng cấp, xây mới chợ truyền thống là một xu thế tất yếu nhằm góp phần đảm bảo văn minh thương mại và văn minh đô thị. Tuy nhiên, có thực trạng là một số chợ truyền thống lúc còn 'xập xệ' thì tấp nập nhưng sau khi được 'nâng cấp' lên thì lại đìu hiu. Có thể thấy, việc vừa phát triển mô hình chợ dân sinh vừa giữ được giá trị truyền thống mà vẫn đáp ứng được nhu cầu phát triển của đô thị lớn như Hà Nội tưởng dễ hóa ra lại không đơn giản.
Vừa thừa, vừa thiếu
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có 455 chợ gồm các chợ từ hạng 1 đến hạng 3. Các chợ truyền thống đang đáp ứng khoảng 40% nhu cầu mua sắm của người dân các quận nội thành và 70% nhu cầu của người dân khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, hiện hệ thống chợ dân sinh tại một số quận, huyện còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân dẫn đến việc các tụ điểm chợ cóc phát triển. Ngoài ra, cũng có nhiều chợ xuống cấp không bảo đảm về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, văn minh đô thị...
Đơn cử như chợ Cầu Giấy, quận Cầu Giấy vốn là một khu chợ sầm uất, nhộn nhịp với hơn 200 hộ buôn bán kín 2 tầng, nhưng hiện tại chỉ còn gần 30 hộ buôn bán ở tầng 1. Chợ Kim Liên là chợ hạng 3, có địa chỉ tại số 23 Lương Định Của, phường Kim Liên, quận Đống Đa, trong khu vực vỏn vẹn nhỉnh hơn 1.000m2, chợ có đến 199 điểm kinh doanh của 13 ngành hàng từ may mặc, quần áo, đồ vàng hương đến cả thực phẩm… Đến nay, sau hàng chục năm hoạt động, toàn bộ khu chợ đã xuống cấp không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, văn minh đô thị… tuy nhiên, để đảm bảo sinh kế của người dân, các tiểu thương vẫn được “tạo điều kiện” kinh doanh.
Thực tế, ngay cả với những khu chợ đã cải tạo xong, để đưa vào vận hành suôn sẻ cũng gặp không ít khó khăn. Chợ dân sinh Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được đầu tư xây dựng xong từ năm 2017, nhưng đến đầu tháng 8/2024 mới chính thức đi vào hoạt động. Hiện Ban Quản lý chợ đã bàn giao 180/199 điểm kinh doanh cho tiểu thương, đồng thời tiếp tục đánh giá, giải quyết các kiến nghị liên quan đến diện tích, lối ra vào điểm bán hàng trong chợ.
Cách đó không xa, khu chợ dân sinh Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, với quy mô 3.600m2, được xây dựng từ năm 2014 nhưng đến nay vì nhiều lý do vẫn không được sử dụng. Trong khi đó, cách đó vài trăm mét lại là nơi kinh doanh của gần 100 tiểu thương. Lối đi vốn đã nhỏ hẹp lại bị đủ loại hàng hóa bày tràn ra lòng đường, không chỉ mất mỹ quan, mất vệ sinh mà còn ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Nhiều người dân ở đây cho rằng khu chợ mới chưa hoàn thiện, lại gần nghĩa trang và xa khu dân cư nên họ vẫn gắn bó với chợ cóc này.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện đầu tư, xây dựng, cải tạo các chợ. Nhờ đó, đến nay, Hà Nội đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động 4 chợ gồm: Phú Đô, quận Nam Từ Liêm; Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng; chợ Trung tâm thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức; chợ Châu Long, quận Ba Đình. Về cải tạo, nâng cấp chợ, đến hết tháng 10/2024, các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành cải tạo 19/38 chợ.
Bên cạnh đó, đối với các điểm kinh doanh tự phát trái phép, đến nay, các quận, huyện, thị xã cùng các lực lượng chức năng đã giải tỏa 176/213 tụ điểm kinh doanh tự phát trái phép. Hiện, còn tồn tại 37 tụ điểm kinh doanh tự phát trái phép trên địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, cần phải giải tỏa trong thời gian tới.
Cần gỡ khó
Theo kế hoạch phát triển và quản lý chợ trên địa bàn Thành phố năm 2024 đã được UBND thành phố Hà Nội ban hành tháng 4/2025, Thành phố đặt mục tiêu đến hết năm 2024 sẽ có 95% các chợ được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng theo quyết định phê duyệt giá mới của UBND Thành phố, 100% các xã, phường, thị trấn hiện chưa có chợ nhưng có nhu cầu phát triển chợ được rà soát đưa vào danh mục mạng lưới chợ trên địa bàn. Dự kiến, giai đoạn 2024-2025 xây mới 17 chợ và cải tạo, sửa chữa 21 chợ.
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Hà Nội, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn chưa được quan tâm một cách đầy đủ nên việc đầu tư, cải tạo, sửa chữa theo kế hoạch Thành phố ban hành giai đoạn 2021-2025 và hằng năm chưa đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Một số quận, huyện chưa quan tâm đầu tư cải tạo nên chưa đáp ứng được hạ tầng thương mại theo tiêu chí quy định, khó khăn cho việc công nhận tiêu chí hạ tầng thương mại. Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, nhất là tiền thuê đất còn hạn chế, chưa khuyến khích để các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư theo kêu gọi của Thành phố.
Để gỡ khó cho hoạt động cải tạo, xây mới hệ thống chợ, Phó Giám đốc phụ trách Nguyễn Kiều Oanh kiến nghị, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế hỗ trợ miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đối với đầu tư xây dựng chợ… Về phía thành phố Hà Nội, đề nghị quan tâm xem xét bố trí kinh phí đầu tư công trong lĩnh vực chợ để đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư, cải tạo chợ theo danh mục và tiêu chí tại các Chương trình của Thành ủy đã đề ra.
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cũng kiến nghị các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chỉ tiêu được giao. Trong đó, đặc biệt đối với các dự án trung tâm thương mại, chợ, siêu thị… các quận, huyện, thị xã cần báo cáo cụ thể những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch, tiến độ hoàn thành đầu tư chợ, cân đối bố trí vốn đầu tư… để Sở Công Thương phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo UBND thành phố phối hợp giải quyết nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu của Chương trình.
Chợ dân sinh là mô hình không thể thiếu, kể cả ở các nước phát triển, chính vì vậy, công tác xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp để chợ dân sinh đáp ứng nhu cầu của xã hội văn minh luôn là vấn đề cấp thiết đặt ra. Tuy nhiên, từ thực tế trong công tác cải tạo chợ trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, chợ chỉ nên đầu tư, cải tạo ở mức vừa phải, có vị trí tiện lợi với mức phí phù hợp để các tiểu thương tiếp tục kinh doanh. Đặc biệt, cần rà soát kỹ các điểm kinh doanh trong chợ theo thực tế nhằm tránh tình trạng đầu cơ trục lợi, lãng phí.