Gỡ khó cho các dự án nhà ở xã hội

Là vùng công nghiệp giàu tiềm năng, thu hút nhiều ngành công nghiệp sạch, giá trị gia tăng cao, dòng chảy lao động đổ về tỉnh không ngừng tăng lên theo thời gian. Để đáp ứng hạ tầng, chăm lo đời sống cho công nhân lao động (CNLĐ), hiện thực hóa giấc mơ an sinh, tỉnh đã quan tâm, hỗ trợ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, song thời gian qua, nhiều dự án vẫn giậm chân tại chỗ, khiến người lao động gặp nhiều khó khăn.

Dự án khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai, phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) tạo điều kiện thuận lợi để công nhân lao động có điều kiện an cư lạc nghiệp.

Dự án khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai, phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) tạo điều kiện thuận lợi để công nhân lao động có điều kiện an cư lạc nghiệp.

“An cư lạc nghiệp” - nhu cầu thiết yếu của người lao động

Năm 2019, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên đối với 5.000 CNLĐ tại 29 doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) về tình hình nhà ở của CNLĐ. Theo thống kê, CNLĐ đang ở cùng gia đình, nhà riêng chiếm tỷ lệ 61,6%; CNLĐ thuê nhà chiếm tỷ lệ 33,14%; ở nhà của doanh nghiệp xây cho công nhân là 1,2%; ở nhà của KCN xây cho công nhân là 0,56%, ở nhờ bà con là 2,94%.

Khảo sát về nhu cầu mô hình nhà ở của CNLĐ, có 54,60% CNLĐ được hỏi có nhu cầu muốn được xây dựng nhà ở xã hội riêng cho gia đình tại các KCN. Chỉ có 5,7% CNLĐ muốn được ở nhà trọ do người dân tự xây dựng; có 24,62% CNLĐ lựa chọn mô hình sáng đi, tối về. Điều này cho thấy nhu cầu nhà ở xã hội của CNLĐ tại các KCN đang có chiều hướng tăng cao.

Đến giữa năm 2021, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục khảo sát, có 19.616 CNLĐ đang ở trọ tại 2.074 nhà trọ trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và huyện Bình Xuyên.

Như vậy, số lượng CNLĐ có nhu cầu thuê trọ trên địa bàn tỉnh là rất lớn, liên tục tăng qua từng năm, CNLĐ tại các KCN đang phải đi thuê nhà trọ bên ngoài với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, chật chội, tạm bợ, an ninh ở các khu trọ còn khá phức tạp… Từ đó gây bất ổn tâm lý, không yên tâm làm việc lâu dài trong các nhà máy, KCN. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng “nhảy việc”.

Để giữ chân CNLĐ, không ít doanh nghiệp đã thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà hằng tháng với số tiền trung bình từ 200.000 - 600.000 đồng/người. Song giải pháp này vẫn chưa thực sự giải quyết tận gốc vấn đề, do nhu cầu nhà ở của CNLĐ tăng nhanh về cả số lượng lẫn chất lượng. Nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tuyển dụng, đặc biệt là để thu hút chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao từ các tỉnh lân cận.

Đến nay, tỉnh có 9 KCN, nhiều cụm công nghiệp, cụm kinh tế - xã hội đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 250 nghìn lao động, trong đó có 70 nghìn CNLĐ đến từ địa phương khác. Nhiều KCN đang tiếp tục xây dựng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025 - 2030, khi đó nhu cầu về nhà ở xã hội cho CNLĐ sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn nữa.

Với tốc độ công nghiệp hóa nhanh, lượng lao động nhập cư vào tỉnh ngày càng tăng, vì thế việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội ngày càng cấp thiết.

Với tốc độ công nghiệp hóa nhanh, lượng lao động nhập cư vào tỉnh ngày càng tăng, vì thế việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội ngày càng cấp thiết.

Sẵn sàng đồng hành cùng nhà đầu tư nhà ở xã hội

Tại buổi lễ biểu dương đảng viên công nhân tỉnh Vĩnh Phúc làm theo lời Bác Hồ dạy được tổ chức vào tháng 8/2024, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đặc biệt quan tâm đến đời sống của CNLĐ, nhất là vấn đề nhà ở, tạo điều kiện thuận lợi cho CNLĐ có môi trường làm việc, điều kiện sống tốt hơn, con em CNLĐ, nhất là những gia đình trẻ được nuôi dạy, chăm sóc tốt hơn.

Trên tinh thần đó, tỉnh đã và đang từng bước giải quyết vấn đề CNLĐ quan tâm, tập trung xây dựng thêm các dự án nhà ở xã hội, xây các khu nhà ở công nhân để cải thiện chỗ ở cho CNLĐ.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện trên địa bàn tỉnh có 80 dự án đô thị, nhà ở được chấp thuận, cho phép, quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó có 13 dự án nhà ở xã hội, tổng diện tích 65,4ha với 10.143 căn, gồm 732 căn nhà thấp tầng, 9.411 căn nhà chung cư.

Tuy nhiên, toàn tỉnh mới có 6/13 dự án nhà ở xã hội được triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng, với 2.082 căn, gồm: Dự án khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai; khu nhà ở công nhân và người thu nhập thấp thuộc Khu công nghiệp Khai Quang; dự án nhà ở Công ty Honda Việt Nam; dự án Khu nhà ở xã hội phường Liên Bảo; dự án Khu nhà ở thu nhập thấp phường Phúc Thắng; dự án Khu nhà ở hỗn hợp và thu nhập thấp An Phú.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 34/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc tại các dự án.

Nguyên nhân chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng các dự án nhà ở xã hội hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, do việc ban hành giá đất tại các địa phương chưa được triển khai. Thêm vào đó, mức cạnh tranh về giá của nhà ở xã hội thấp hơn nhà ở thương mại, giá đất nền đang ở mức cao, khiến các nhà đầu tư còn e dè.

Với quyết tâm, tinh thần vì CNLĐ, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội, tạo thêm các cơ chế, chính sách ưu đãi để các dự án sớm được khởi công, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư có năng lực, có tâm, có tầm cung cấp các sản phẩm phù hợp, giúp CNLĐ, nhất là lao động nhập cư sớm có điều kiện an cư lạc nghiệp.

Qua đó thu hút thêm nguồn lao động chất lượng cao từ các địa phương khác, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh phát triển, đem lại sự bứt phá tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.

Bài, ảnh: Chu Kiều

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/121886//go-kho-cho-cac-du-an-nha-o-xa-hoi
Zalo