Gỡ 'điểm nghẽn' trong giáo dục hướng nghiệp
Phân luồng trong giáo dục nhằm hướng nghiệp, tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp, tham gia lao động phù hợp với năng lực cá nhân và nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa cao. Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?

Giáo viên Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn học sinh thực hành.
Các trường THPT công lập vẫn quá tải
Có thể thấy, những năm qua, “cuộc đua” của học sinh tốt nghiệp THCS vào các trường THPT công lập luôn khắc nghiệt, căng thẳng khi chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 chỉ khoảng 70%.
Năm học 2025-2026 tới, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 tại 37 trường THPT của tỉnh Thái Nguyên là 351 lớp với 15.207 học sinh (tăng 17 lớp, 771 học sinh so với năm học 2024-2025). Trong đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập là 316 lớp, với 13.859 học sinh (tăng 12 lớp, 234 học sinh so với năm học trước).
Mặc dù số chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 tăng, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 67% nhu cầu số học sinh lớp 9 hiện nay. Như vậy, còn 33% học sinh tốt nghiệp THCS (tương đương 6.741 em) sẽ theo học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX), giáo dục nghề nghiệp (GDNN) các huyện, thành và các trường cao đẳng, trung cấp nghề... Vậy nhưng, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường trung cấp, cao đẳng nghề không cao.

Đơn cử như tại Trường THCS Trưng Vương (TP. Thái Nguyên). Năm học 2024-2025, Nhà trường có 769 học sinh, trong đó có 179 học sinh lớp 9. Hầu hết học sinh lớp 9 có nguyện vọng đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT tới đây. Năm học 2023-2024, Trường có 150 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS, số học sinh thi đỗ vào lớp 10 THPT là 99,34%. Số học sinh theo học nghề là 0,66% (tương đương 27 em).
Việc học sinh, phụ huynh lựa chọn cho con theo học nghề còn ít; hầu hết có nguyện vọng thi vào lớp 10, theo học và tốt nghiệp THPT. Trừ khi một số học sinh có điểm kiểm tra quá thấp, biết chắc có thi cũng khó đỗ nên mới đăng ký đi học nghề. Bởi vậy, “cuộc đua” vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn không “hạ nhiệt”.

Tiết học của thầy và trò Trường THCS Tân Quang (TP. Sông Công).
Rào cản về tâm lý
Thực hiện phân luồng học sinh là chủ trương đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Thế nhưng, tại sao khi triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, một trong những nguyên chính là tâm lý của đại đa số phụ huynh mong muốn con em mình học các trường THPT công lập để tiếp tục lên đến đại học hoặc nếu không sẽ ở nhà lao động kiếm sống, có nguồn thu nhập cho gia đình ngay.
Chị Nguyễn Thị Phượng, tổ 4, phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên), có con đang học lớp 9, bày tỏ quan điểm: Con tôi có lực học bình thường, song bản thân con vẫn có nguyện vọng và gia đình động viên cho con đăng ký thi vào lớp 10 trường THPT công lập. Nếu không đỗ thì chúng tôi sẽ cho con theo học một trường nghề và chọn nghề mà con yêu thích.

Một nguyên nhân khác khiến công tác phân luồng học sinh từ bậc THCS chưa hiệu quả là khi học hết lớp 9, các em chưa đủ năng lực để định hướng đúng đắn ngành nghề phù hợp. Theo đó, đa phần học sinh có năng lực học tập trung bình hoặc đuối, cơ hội thi đỗ vào các trường công lập THPT khó mới chọn học nghề như một giải pháp tình thế. Bởi vậy, khi người học chưa được định hướng trước hoặc không yêu thích, đam mê thì việc phân luồng sẽ hiệu quả thấp, cùng với đó là chất lượng học nghề khó cao.
Theo tìm hiểu, còn nhiều phụ huynh chưa yên tâm khi cho con em theo học tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Bởi tâm lý e ngại các trường này có nhiều học sinh cá biệt, môi trường học tập chưa lành mạnh, sợ con mình có thể bị lôi kéo, tham gia vào các hoạt động tiêu cực. Hơn nữa, khi vào trường nghề, học sinh vẫn phải học các môn văn hóa nên cũng gây áp lực không nhỏ, trong khi sức học hạn chế.
Bên cạnh những nguyên nhân trên thì chính sách ưu đãi và nguồn lực đầu tư cho các trung tâm, trường nghề cũng chưa thu hút được học sinh. Hiện nay, nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề, cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu học và yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với học viên khi ra trường. Ngoài ra, đội ngũ làm công tác hướng nghiệp chưa có kỹ năng chuyên sâu; việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và toàn xã hội còn hạn chế... cũng là nguyên nhân khiến việc phân luồng chưa thực sự hiệu quả.

Học sinh Trường THCS Trưng Vương (TP. Thái Nguyên) trong giờ học.
Gỡ “nút thắt” trong phân luồng giáo dục
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên đứng chân trên phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên), địa bàn trung tâm của các khu công nghiệp, với nhiều cơ sở sản xuất, công ty, doanh nghiệp. Đây là một lợi thế nên hằng năm, Nhà trường tuyển sinh được khoảng 500 học sinh theo học trung cấp nghề. 100% học sinh đều đã tốt nghiệp THCS nên các em vừa được đào tạo nghề, vừa theo học chương trình văn hóa bậc THPT. Theo quy định, các em chỉ học 7 môn văn hóa nên áp lực học tập được giảm bớt khá nhiều so với hệ THPT chính quy.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Nhà trường: Học sinh học tại Trường sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí. Hoàn thành khóa học sau 3 năm, các em vừa có bằng trung cấp nghề, vừa có bằng tốt nghiệp THPT và cơ hội học lên cao hơn vẫn rộng mở. Đối với học sinh có nhu cầu, Trường sẽ đào tạo thêm một năm nữa để có bằng cao đẳng nghề. Nhờ vậy, số học sinh học nghề ra trường có việc làm ổn định chiếm trên 80%...
Không chỉ có Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh mà trên địa bàn tỉnh còn có nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo và trở thành lựa chọn phù hợp với phụ huynh, học sinh khi được định hướng phân luồng.
Em Nguyễn Thành Đạt, học sinh lớp 9A, Trường THCS Bách Quang (TP. Sông Công) chia sẻ: Sau khi có sự định hướng của các thầy cô giáo và gia đình, em thấy trường nghề phù hợp với sức học và khả năng của bản thân. Do vậy, em không đăng ký thi vào lớp 10 bậc THPT mà lựa chọn đăng ký theo học Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức.

Học sinh lớp trung cấp nghề, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên.
Còn cô giáo Lương Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Bách Quang (TP. Sông Công) thông tin: Những năm gần đây, Trường phối hợp với các trường nghề đến tư vấn, giới thiệu để các em học sinh hiểu kỹ và có định hướng nghề nghiệp, phù hợp với năng lực, khả năng học tập của bản thân. Hằng năm, số học sinh lớp 9 của Trường sau khi tốt nghiệp THCS, thi đỗ và theo học THPT là 70%, 30% học sinh lựa chọn theo học các trường cao đẳng, trung cấp nghề.
Thực tế cho thấy, công tác phân luồng giáo dục đối với học sinh sau khi tốt nghiệp THCS còn có những hạn chế nhất định, song để tháo gỡ được “điểm nghẽn” này cũng không phải quá khó. Với quan điểm phân luồng giáo dục phải bắt đầu từ nhu cầu, nhận thức của phụ huynh, học sinh, trước hết các giáo viên ở các trường học phải nắm bắt năng lực, sở thích của học sinh để tư vấn phù hợp. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và toàn xã hội về mục đích, vai trò học nghề trong đời sống xã hội, nhu cầu của sản xuất trong sự mất cân bằng “thừa thầy - thiếu thợ”.
Theo ông Đào Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên: Bên cạnh tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về đào tạo nghề là hướng đi phù hợp, sự lựa chọn tương lai rộng mở thì các cơ sở GDNN cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, các trường trung cấp, cao đẳng nghề cần đổi mới chương trình đào tạo, nội dung, phương pháp giảng dạy, gắn lý thuyết với thực hành, phối hợp chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp để đào tạo theo “đơn đặt hàng”, tích cực tìm “đầu ra”, tạo việc làm ổn định cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp...