Gỡ điểm nghẽn phát triển khoa học, công nghệ
Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ được kì vọng sẽ tạo xung lực mới cho đất nước. Nhưng để được như kì vọng, các chuyên gia, nhà khoa học mong Luật, chính sách đi kèm phải được 'cởi trói'.
![Giảng viên Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NGHIÊM HUÊ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_20_51452976/d4f3319707d9ee87b7c8.jpg)
Giảng viên Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NGHIÊM HUÊ
Luật Khoa học, Công nghệ cần quyết liệt
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM chia sẻ, để khoa học phát triển, đầu tiên đào tạo nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) và điều kiện là có đội ngũ thầy giỏi. ĐH Quốc gia TPHCM đang xây dựng chương trình hành động để thực hiện nghị quyết này. Trong đó, đẩy mạnh đào tạo STEM (Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học). “Chúng tôi mong muốn xây dựng đội ngũ giáo sư thỉnh giảng nước ngoài. Họ là cầu nối mời đội ngũ nhà khoa học giỏi trên thế giới về công tác tại ĐH Quốc gia TPHCM giảng dạy một số lĩnh vực. Việc đẩy mạnh đào tạo STEM để xây dựng nguồn nhân lực cho ngành công nghệ cao như vi mạch bán dẫn”, ông Quân nói. Do đó, ông đề nghị Bộ GD&ĐT có cơ chế linh hoạt về chỉ tiêu đối với nhóm ngành đào tạo STEM.
Ông Quân cho biết, Nghị quyết số 45 năm 2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 57 đều xác định ưu tiên đầu tư cho hai viện hàn lâm và các ĐH trọng điểm trong đó có hai ĐH quốc gia. Tuy nhiên, dự thảo Luật KHCN và Đổi mới sáng tạo vẫn chưa đề cập đến vấn đề này.
Theo ý kiến các nhà khoa học của ĐH Quốc gia TPHCM, chưa thấy rõ cơ chế, ưu đãi đối với trường ĐH được thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH, đặc biệt với các sản phẩm thương mại hóa, spin-off hoặc các hợp tác doanh nghiệp cùng nghiên cứu phát triển (R&D) từ trường ĐH. Dự thảo Luật cần có những điều chỉnh mang tính đột phá hơn, tập trung vào: ưu đãi thuế mạnh mẽ và hỗ trợ tài chính linh hoạt hơn cho doanh nghiệp KHCN và đổi mới sáng tạo; đơn giản hóa thủ tục, thương mại hóa kết quả nghiên cứu; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp; cải thiện chính sách nhân lực để thu hút nhân tài. Luật cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà khoa học có thể thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học của họ thông qua thành lập doanh nghiệp KHCN hoặc doanh nghiệp thuộc ĐH.
Ngoài ra, các quy định về tài chính và đầu tư cho KHCN tại dự thảo Luật chỉ mới đề cập chi tối thiểu 2% ngân sách nhà nước. Tuy nhiên chưa bao quát bình quân đầu tư cho KHCN từ các nguồn khác nhau chiếm bao nhiêu phần trăm GDP của quốc gia? Từ đó mới có chính sách huy động nguồn lực xã hội. Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai (Chủ tịch Cty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM), dự thảo Luật đã nhấn mạnh vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo như một động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn tính cấp thiết của việc ban hành Luật, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế và sự chuyển dịch sang nền kinh tế số.
Chẳng hạn, thực trạng tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển/GDP chỉ khoảng 0,44% (dữ liệu 2023), thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Hàn Quốc (4,8%), Trung Quốc (2,2%) và Singapore (1,9%). Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn manh mún, chưa có sự kết nối hiệu quả giữa trường ĐH viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Ông Trai đề xuất dự thảo Luật cần có các điều khoản quy định về cơ chế đặc thù cho hai ĐH Quốc gia và Viện Hàn lâm KHCN. Cụ thể, trao quyền tự chủ cao hơn, cho phép các tổ chức này chủ động tuyển dụng, tài chính và hợp tác quốc tế. Hỗ trợ xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, y sinh học, năng lượng tái tạo. Khuyến khích hợp tác giữa ĐH Quốc gia và doanh nghiệp, tạo cơ chế doanh nghiệp đồng tài trợ nghiên cứu để tăng cường tính ứng dụng.
“Chính những rào cản về mặt hành chính đã dẫn đến hiện tượng có những đề tài nghiệm thu xong thì các thủ tục thanh toán mới xong và lúc ấy mới bắt đầu… mua sắm”.
PGS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội
Nhà khoa học bị “bóp nghẹt”
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ, thủ tục hành chính đang làm nhụt chí các nhà khoa học. Đầu tiên là công đoạn giải ngân tài chính khó khăn, mất thời gian. Ví dụ, nhà khoa học phải chuẩn bị một bộ hồ sơ “khủng khiếp” khi thực hiện công tác mua sắm trang thiết bị liên quan đầu tư công, từ xây dựng dự toán, thiết kế chi tiết, phê duyệt các bước về đấu thầu mua sắm cho tới kết thúc dự án.
Thứ hai, nhà khoa học gặp khó khăn khi xây dựng dự toán không thể theo kịp với sự tiến bộ, phát triển của công nghệ. Trang thiết bị, máy móc trong dự toán có thể bị lạc hậu và việc điều chỉnh dự toán không dễ do sự cứng nhắc trong các quy định. PGS Nguyễn Phong Điền cho hay, công đoạn mua sắm trang thiết bị cũng có thể kéo dài một năm. Trong khi đó một đề tài nghiên cứu chỉ được giới hạn thời gian 2-3 năm phải có công bố.
“Chính những rào cản về mặt hành chính này đã dẫn đến hiện tượng có những đề tài nghiệm thu xong thì các thủ tục thanh toán mới xong và lúc ấy mới bắt đầu… mua sắm”, ông Điền nói. Ông giải thích, khi đó, nhà khoa học hoặc tự bỏ tiền hoặc phải vận dụng tất cả các nguồn tài chính để mua sắm trước đáp ứng yêu cầu nghiên cứu. Thậm chí, có nhà khoa học phải xoay xở theo cách sử dụng trang thiết bị thí nghiệm của cơ sở nơi họ cộng tác hoặc vận dụng quan hệ quốc tế để sử dụng dữ liệu và trang thiết bị nước ngoài.
Ông Điền cho rằng, những nghịch lí như vậy cần phải giải quyết bằng những cơ chế chính sách trên tinh thần của Nghị quyết 57. Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân gọi cơ chế tài chính là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” trong hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo. Theo ông Quân, nguồn cơn của điểm nghẽn này bắt nguồn từ việc cấp kinh phí cho các đề tài, dự án KHCN như đầu tư cho xây dựng cơ bản, tức phải theo kế hoạch của năm tài chính.
Cụ thể là các đề tài, dự án khoa học, công nghệ hằng năm được phê duyệt cả về nội dung, sản phẩm, kinh phí, tổng hợp thành danh mục dự án vào dự toán ngân sách của Chính phủ, trình Quốc hội thông qua và Thủ tướng sẽ giao dự toán vào đầu năm tiếp theo. Cơ chế cấp phát ngân sách như đầu tư công trong xây dựng cơ bản, kèm theo định mức chi quá thấp, chậm thay đổi khiến các đề tài phải chờ đợi nhiều năm để được cấp kinh phí.
Rà soát, điều chỉnh bổ sung hàng loạt luật, quy định
Để tháo gỡ các điểm nghẽn trong nghiên cứu KHCN, tạo bước đột phá thực sự như Nghị quyết 57, hàng loạt luật, quy định liên quan phải được điều chỉnh, bổ sung.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh. Ảnh: TRỌNG QUÂN
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đã xây dựng nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03 của Chính phủ (Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57). Mục tiêu để tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, phát huy tiềm năng của tự chủ ĐH, phát triển các cơ sở giáo dục ĐH thành các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo mạnh. Trao quyền tự chủ, quyền tự quyết để các cơ sở giáo dục ĐH để phát huy tối đa tiềm năng, để tạo động lực cho những sự thay đổi bứt phá trong toàn hệ thống. “Đây là một bài học kinh nghiệm từ Khoán 10 trước đây 40 năm, nay với tinh thần của Nghị quyết 57, cần được triển khai mạnh mẽ đối với hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, bên cạnh hàng loạt các luật, nghị định phải được sửa đổi, hoàn thiện do các bộ, ngành khác chủ trì, đặc biệt là Bộ KHCN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nội vụ…, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GD&ĐT là rà soát, xây dựng mới Luật Giáo dục ĐH thay thế Luật Giáo dục ĐH 2012, Luật Giáo dục ĐH 2018. Xây dựng Luật Nhà giáo thực hiện các nội dung liên quan, trong đó cần thiết sẽ sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH.
Bộ cũng xây dựng nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kĩ thuật then chốt và công nghệ chiến lược… Rà soát các quy định pháp luật để tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn phục vụ hoạt động phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật để đảm bảo hành lang pháp lí cho hoạt động của ngành giáo dục trên môi trường số, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo.