Gỡ điểm nghẽn để nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Từ sau ngày đất nước thống nhất, nước ta đã tiến hành một loạt cải cách về giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao.

Nhưng trong các bước đi cụ thể hướng tới mục tiêu này vẫn chưa trúng ở những khâu nào đó nên sau bao năm đổi mới, cải cách, nhìn vào chất lượng giáo dục đại học hôm nay chúng ta vẫn không thể yên lòng.

Một giờ học thực hành của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

Một giờ học thực hành của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

1. Xét riêng ở từng mặt, từng nhóm ngành, chất lượng của một số sinh viên ưu tú đã đạt tới mặt bằng của khu vực, của một số nước tiên tiến, song nhìn vào tổng thể, đại trà, chất lượng giáo dục của cả ngành, có thể thấy vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế.

Ở ý kiến này tôi chỉ bàn đến giáo dục đại học, bởi giáo dục đại học là khâu quan trọng cuối cùng của sản phẩm giáo dục cung cấp cho xã hội, là nơi trực tiếp cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao mà quá trình đào tạo có những đặc thù, khác với giáo dục phổ thông.

Nói cách khác, giáo dục đại học là khâu cuối cùng của một quy trình đào tạo ra sản phẩm có tính chất quyết định quá trình hòa nhập với thế giới của một quốc gia.

Không phải tôi quan trọng hóa vấn đề, mà vì sau khi tốt nghiệp đại học, người học sẽ bắt tay vào công việc ở những lĩnh vực cụ thể mà ở đó tri thức chuyên ngành, kỹ năng, năng lực thực hiện công việc, năng lực cộng tác với đồng nghiệp và sáng tạo là những nhân tố quan trọng nhất để họ được công nhận và thực sự hòa nhập với cộng đồng, trở thành công dân toàn cầu.

Đây là những tiêu chí chuyên môn và năng lực, phẩm chất cần có của một con người. Đó cũng là những tri thức nền tảng cần thiết để họ có thể học tập lên những bậc cao hơn, nhưng nếu thiếu nó họ không thể đi những bước đầu tiên. Nói ngắn gọn thì đó là hành trang vào đời ở những phần cơ bản, quan trọng, bền vững nhất.

Nói đến giáo dục đại học, đầu tiên phải nói đến một chương trình đạt đến độ chuẩn mực quốc tế về mặt khoa học và mang những đặc sắc (thể hiện thế mạnh) của trường. Khung tri thức cơ bản của một ngành học được coi là cần và đủ khi so sánh khung đào tạo ấy ngang bằng với những khung đào tạo ở các cơ sở tiên tiến trên thế giới.

Tôi nhớ trong một lần trao đổi với các giáo sư người Pháp, họ cho biết những sinh viên thuộc hệ đào tạo cử nhân tài năng của các trường đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia, Đại học Bách khoa Hà Nội khi sang Pháp theo hợp tác đào tạo giữa hai bên được thừa nhận có trình độ tương đương, còn sinh viên hệ đại trà sau khi tốt nghiệp chỉ ngang với sinh viên năm thứ 2 của họ.

Sinh viên hệ cử nhân tài năng có đầu vào là học sinh xuất sắc, có tư chất và năng lực, được đào tạo theo một chương trình tiên tiến cao hơn hệ đại trà, được nhiều thầy giỏi trực tiếp truyền thụ, được đào tạo theo hướng vừa được cung cấp kiến thức chuẩn, vừa được gợi mở năng lực nhận thức, sáng tạo, giải quyết vấn đề, kích thích khao khát sáng tạo.

Nói như thế để thấy chương trình đào tạo tiên tiến và phương thức tổ chức đào tạo tiên tiến rất quan trọng. Mấy cái hiện đại bao giờ cũng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao hơn.

Chương trình đào tạo đại học hiện nay ở một số ngành, một số trường đại học đang xây dựng theo hướng này nhưng lại cũng phụ thuộc vào năng lực của từng trường. Cần có sự thống nhất bắt buộc của các ngành có chung mã đào tạo theo hướng ít nhất phải có 80% tri thức trở lên các môn học cơ bản như nhau. Trường nào không đủ năng lực đào tạo theo chuẩn ấy sẽ không được phép đào tạo.

Sau khi có chương trình ổn định cũng cần có quy trình đào tạo thống nhất. Cách truyền thụ kiến thức, thi cử, tỉ lệ giờ lý thuyết và thực hành cũng cần thống nhất. Phải xóa bỏ ngay hình thức áp đặt, ghi nhớ tri thức thụ động, thay vào đó cần nâng cao năng lực nhận thức, tư duy, trao đổi nhóm, tự nghiên cứu và giải quyết vấn đề. Cùng với đó là yêu cầu bắt buộc sinh viên tự tìm tài liệu, đọc và nắm chắc những gì đã giải quyết, những gì chưa, những gì cần nghiên cứu tiếp trong các tài liệu liên quan đến môn học.

2. Người xưa nói: “Không thầy đố mày làm nên”. Bây giờ có người phản biện: Thầy không còn quan trọng nữa trong điều kiện thông tin và tư liệu đầy đủ như hiện nay.

Tôi không tán thành quan điểm này. Người thầy đúng nghĩa bao giờ cũng cần thiết trong vai trò vừa truyền thụ tri thức, vừa gợi mở, bồi dưỡng khát vọng vươn xa của người học. Khác với học phổ thông, người thầy ở bậc đại học nghiên cứu nhiều, bài giảng chỉ dựa trên nội dung chuẩn của chương trình, còn cách tiếp cận, tư liệu, phương pháp truyền thụ, khả năng truyền cảm hứng và kích thích trí tìm tòi, ham hiểu biết… có vai trò rất lớn với sinh viên. Nghĩa là ở môi trường đại học, vấn đề phương pháp giải quyết một vấn đề chuyên môn là quan trọng nhất, mà điều này chỉ bài giảng của thầy mới cung cấp được cho người học.

Đọc các bài viết về các nhà khoa học, các giáo sư nổi tiếng trong các ngành khoa học khác nhau ở ta đều thấy ở họ mấy điểm: Say mê công việc, tận tụy học hỏi, tự học là chính, làm việc quên mình, luôn đổi mới suy nghĩ, cách tiếp cận vấn đề mình theo đuổi, luôn cập nhật tư liệu mới, tri thức và phương pháp mới, làm việc độc lập, nhưng sức lan tỏa của tri thức và phẩm chất của họ đến cộng đồng rất mạnh mẽ… Những bậc thức giả như thế còn ít nhưng đó cũng là hướng phấn đấu của cả đội ngũ cán bộ khoa học. Họ truyền cảm hứng và cách phối hợp hoặc độc lập giải quyết vấn đề đến những người khác. Người thầy quan trọng ở những chỗ ấy và họ không thể thay thế được.

3. Nhìn lại hệ thống các trường và các ngành đào tạo ở ta hiện nay không thể không nghĩ đến việc sắp xếp lại hệ thống các trường và các ngành nghề. Do hiểu sai vấn đề quy mô, do bị tư tưởng thương mại hóa giáo dục sai lầm, chúng ta đã ồ ạt nâng cấp, mở mới nhiều trường đại học, nhiều ngành nghề mà quên mấy yếu tố: Cơ sở vật chất thiếu, chương trình đào tạo lạc hậu, người đứng lớp thiếu và yếu, nội dung đào tạo chưa chuẩn.

Sau vài chục năm nhìn lại, ai cũng thấy sai lầm ấy ở đâu và đang để lại nhiều hệ lụy và bây giờ là lúc chín muồi để sắp xếp lại, loại bỏ những ngành, trường không đáp ứng được yêu cầu chất lượng chuẩn. Đó là việc làm cần cân nhắc dựa trên các căn cứ khoa học và bản lĩnh người có quyền quyết việc này. Đó là việc không thể không làm.

Nhìn vào chất lượng đào tạo của các trường quốc tế ở Việt Nam từ bậc Mầm non đến Đại học, chúng ta thấy một thực trạng đáng buồn: Họ có nhiều điều bất lợi hơn ta (ngoài tiền), vậy mà họ lại làm tốt hơn ta, sản phẩm họ tạo ra chất lượng hơn chúng ta. Ai cũng thấy thế mà tại sao chúng ta không thay đổi để làm được như họ, rồi tốt hơn họ? Đó là do cơ chế.

Điểm nghẽn của cơ chế cần phải tháo gỡ đầu tiên, nhưng gỡ điểm nghẽn theo kiểu “bung ra”, “tự cứu trước khi trời cứu” như một thời ta đã làm cũng chưa phải là đúng mà hiện ở nhiều khâu chúng ta đang phải dọn dẹp hậu quả.

PGS.TS Phạm Quang Long

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/go-diem-nghen-de-nang-cao-chat-luong-giao-duc-dai-hoc-708946.html
Zalo