Bài toán đặt ra nếu TP.HCM cấm học sinh dùng điện thoại

Học sinh, phụ huynh, giáo viên ủng hộ TP.HCM cấm dùng điện thoại ở trường, nhưng cũng đặt vấn đề về công tác quản lý để quy định thực hiện hiệu quả nhất.

Ngày 10/7, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết sở đang nghiên cứu tham mưu phương án đề xuất cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ ra chơi và trong các hoạt động giáo dục tại trường, trừ trường hợp được giáo viên bộ môn cho phép nhằm phục vụ nhiệm vụ học tập trong giờ học.

Khi đọc được thông tin này, chị Trần Quỳnh, phụ huynh tại phường Chợ Lớn (TP.HCM), nói rằng điều này nên được triển khai càng sớm càng tốt. Người mẹ tin rằng nếu quy định này được áp dụng rộng rãi, con chị và các học sinh khác có thể tập trung học tập tốt hơn.

Cấm cũng được

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Quỳnh cho biết con chị vừa kết thúc lớp 10, sắp tới sẽ lên lớp 11. Ở cấp học quan trọng, gia đình chị sắm điện thoại di động cho con để tiện cho việc học, trao đổi thông tin. Nhưng nhiều khi, người mẹ vẫn lo con dùng điện thoại quá mức sẽ ảnh hưởng việc học.

Ở nhà chị Quỳnh, các con không bị cấm sử dụng điện thoại, nhưng cha mẹ vẫn đặt ra một số quy tắc nhất định như giờ ăn cơm không được dùng, lúc cả nhà cùng nói chuyện cũng không được phép cúi mặt vào điện thoại. Đối với chị Quỳnh, điện thoại là vật dụng tiện lợi, nhưng đôi khi có thể gây phân tâm, ngắt kết nối giữa các thành viên nên chị vẫn muốn hạn chế.

Khi con đến trường, người mẹ vẫn cho con mang điện thoại đi, đề phòng những lúc phát sinh việc gấp. Hiện tại, trường của con chị không cấm điện thoại hoàn toàn, chỉ yêu cầu học sinh không được dùng trong giờ học, ngoại trừ lúc được phép. Chị Quỳnh cho rằng nếu cấm hoàn toàn, để học sinh “dứt hẳn” điện thoại khi ở trường, có thể các con sẽ nhanh chóng hình thành thói quen tốt, giảm được nguy cơ nghiện điện thoại.

Không riêng phụ huynh, học sinh cũng đồng tình nếu TP.HCM cấm hoàn toàn điện thoại ở trường học. Tuyết Ngân, học sinh vừa hoàn thành chương trình lớp 12, nói rằng việc dùng điện thoại ở trường có thể kéo theo nhiều vấn đề phát sinh như học sinh quay clip tung lên mạng hoặc bắt nạt trực tuyến.

 Học sinh vẫn có thể lén dùng điện thoại trong lớp học. Ảnh minh họa: Sixth Tone.

Học sinh vẫn có thể lén dùng điện thoại trong lớp học. Ảnh minh họa: Sixth Tone.

Ngoài các vấn đề xảy ra trên không gian mạng, Ngân cũng nhận thấy điện thoại có thể gây mất tập trung. Nữ sinh kể rằng trong thời gian học THPT, do nhà trường chưa cấm, học sinh vẫn được mang theo điện thoại tới trường.

Đôi khi, một bạn trong lớp quên tắt chuông điện thoại, tiếng chuông phát ra trong lớp, khiến các học sinh khác phân tâm, giáo viên cũng bị ngắt mạch giảng bài vì phải dừng lại nhắc nhở hoặc phạt học trò. Chưa kể, một số bạn khác lén lướt mạng trong lớp hoặc dùng điện thoại để gian lận trong giờ kiểm tra.

Trên mạng xã hội, nhiều học sinh phản đối, nêu quan điểm rằng việc cấm mang điện thoại có thể ảnh hưởng đến học sinh cuối cấp, nhất là trong giai đoạn ôn thi vì cần tra cứu thông tin, tài liệu. Tuyết Ngân nửa đồng ý với điều này, nửa không.

Nữ sinh nói rằng giai đoạn học kỳ 2 lớp 12, học sinh có nhiều tiết trống hoặc được giáo viên các bộ môn khác ưu tiên thời gian để ôn thi, khi đó, nhiều em có xu hướng tự lên mạng ôn bài, giải đề thi và tra cứu đáp án. Ngân thấy có điện thoại để phục vụ cho việc này khá tốt. Nhưng mặt trái của việc này là nhiều bạn sẽ không dùng điện thoại để học mà chỉ lên mạng, quay TikTok, xem video…, gây ảnh hưởng những bạn khác.

“Nhìn chung, em thấy cấm cũng được. Nhưng nếu cấm, TP.HCM cần có biện pháp để đảm bảo học sinh có hoạt động phù hợp để ‘lấp đầy’ thời gian trống ở trường và cũng cần đảm bảo có đủ nguồn cung tài liệu cho chúng em tự học những khi có thời gian”, Ngân nói.

Cần áp dụng khoa học

Trước khi TP.HCM đưa ra đề xuất này, nhiều trường phổ thông trên địa bàn thành phố cũng đã triển khai cấm học sinh dùng điện thoại tại trường như THCS Lê Văn Tám, THPT Trường Chinh, trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM)... Một số trường trên địa bàn cũng yêu cầu học sinh không được dùng điện thoại trong giờ học, chỉ được sử dụng khi giáo viên cho phép.

Ví dụ, tại một trường THCS ở phường Chánh Hưng, nơi cô Thanh Trúc công tác, học sinh không được phép mang điện thoại tới trường, chỉ được mang theo nếu tiết học hôm đó cần dùng đến thiết bị thông minh để phục vụ cho bài giảng. Cũng để tránh tình trạng học sinh lén dùng, nhà trường không lắp đặt Wi-Fi. Nếu cần tra cứu theo yêu cầu, cô Trúc sẽ phát sóng 4G từ thiết bị cá nhân cho cả lớp sử dụng.

Trường cũ nơi cô Trúc từng công tác lại có phương pháp khác là cấm học sinh dùng điện thoại, chỉ cấp máy tính bảng cho những tiết học cần thiết. Vào những tiết học đó, cô Trúc mang theo 4-5 máy tính bảng cho các nhóm để cùng học. Cuối tiết, cả lớp sẽ phải trả lại cho giáo viên.

Dù đã có biện pháp hạn chế, cô Trúc vẫn phải kiểm tra thường xuyên để tránh tình trạng học sinh lén dùng thiết bị cho những mục đích không liên quan học tập. Với các học sinh dùng máy tính bảng do trường cung cấp, cô giáo yêu cầu học sinh phải nộp nguyên hiện trạng, không được tắt trình duyệt hoặc xóa lịch sử web để cô kiểm tra. Đôi khi, học sinh vẫn lén dùng, bị cô nhắc nhở hoặc báo lại cho giáo viên chủ nhiệm.

 Học sinh chỉ được phép dùng điện thoại cho việc học dưới sự quản lý, cho phép của giáo viên. Ảnh: H.N.

Học sinh chỉ được phép dùng điện thoại cho việc học dưới sự quản lý, cho phép của giáo viên. Ảnh: H.N.

“Khó quản hết” là điều mà cô Trúc nói về tình trạng học sinh dùng điện thoại hiện nay. Do đó, cô khá ủng hộ việc TP.HCM cấm hoàn toàn, kể cả trong giờ ra chơi. Ngoài nguy cơ ảnh hưởng tiết học, cô giáo cũng lo học sinh dùng điện thoại để quay chụp, đăng lên mạng mất kiểm soát.

Cũng bàn về đề xuất cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học của TP.HCM, thầy Phạm Thanh Yên, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nói rằng Bộ GD&ĐT đã có Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020, yêu cầu học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Dù vậy, thực tế cho thấy phần lớn trường học, giáo viên vẫn chưa thể quản lý chặt chẽ hoạt động dùng điện thoại của học sinh.

Thầy giáo nói rằng điện thoại có hai mặt. Mặt tốt là giúp học sinh tra cứu thông tin phục vụ cho việc học. Mặt xấu là các em có thể lợi dụng việc này để làm việc riêng. Một lớp có 30-40 học sinh, nếu có điện thoại và Internet, giáo viên rất khó kiểm soát toàn bộ vì lớp đông nhưng giáo viên chỉ có một mình.

Theo thầy, việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp tiềm ẩn nguy cơ mất tập trung, sa đà vào các hoạt động không liên quan đến bài học, thậm chí là tiêu cực. Nỗi lo của thầy Yên cũng là điều mà Liên Hợp Quốc từng đề cập vào năm 2023. Cụ thể, tổ chức này kêu gọi lệnh cấm toàn cầu đối với việc sử dụng điện thoại thông minh trong trường học. Lý do là điện thoại có thể làm gián đoạn việc học, đồng thời làm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của các em.

Cũng lo ngại học sinh bị phân tâm và chịu nhiều tác động tiêu cực từ điện thoại, nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng lệnh cấm từ nhiều năm nay. Ví dụ, tại Mỹ, bang Pennsylvania chi hàng triệu USD để các trường mua túi khóa để học sinh cất điện thoại. Bang Delaware cũng phân bổ hơn 250.000 USD cho các trường để sắm thiết bị phục vụ cho lệnh cấm.

Pháp cấm điện thoại di động trong trường học kể từ năm 2018 nhưng vẫn cho phép các em đưa điện thoại đến trường. Đến năm 2024, chính phủ nước này quyết định thử nghiệm lệnh cấm hoàn toàn đối với học sinh dưới 15 tuổi.

Trung Quốc cũng cấm điện thoại di động ở trường học kể từ năm 2021. Theo Bộ Giáo dục nước này, học sinh sẽ không được phép mang điện thoại di động đến trường nếu chưa có sự đồng ý bằng văn bản của phụ huynh.

Từ kinh nghiệm từ các trường trên địa bàn và các nước trên thế giới, thầy Yên nói rằng nếu áp dụng quy định cấm, TP.HCM cần áp dụng mô hình quản lý như cách một số trường đã áp dụng, ví dụ như yêu cầu học sinh đầu giờ tự giác gửi điện thoại vào tủ riêng và nhận lại khi tan học.

Thầy Yên cũng cho rằng nếu quy định cấm được áp dụng, ngành giáo dục cần có chế tài cụ thể như cảnh cáo, thu điện thoại, đồng thời phải tính đến thực tế là giáo viên sẽ bị tăng thêm đầu việc khi phải giám sát và xử lý vi phạm.

Giáo viên sẽ thêm việc cũng là điều mà cô Trúc đề cập. Hiện tại, khi chưa cấm hẳn điện thoại, cô đã phải giám sát học sinh chặt chẽ. Nếu sắp tới cấm hoàn toàn, cô dự đoán các giáo viên sẽ phải mạnh tay hơn, thậm chí dành nhiều thời gian hơn cho việc kiểm tra vì rất có thể học sinh sẽ “lách luật” để lén dùng điện thoại ở trường.

“Quan trọng vẫn là sự phối hợp giữa gia đình, thầy cô, nhà trường, cùng với đó là chế tài quản lý phù hợp. Tôi nghĩ rằng cái quan trọng không phải là ‘quản không được thì cấm’, mà là phải có phương án hợp lý để học sinh cảm thấy ‘phục’ và tự nguyện tuân thủ”, cô giáo nói.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bai-toan-dat-ra-neu-tphcm-cam-hoc-sinh-dung-dien-thoai-post1567903.html
Zalo