Gỡ điểm nghẽn đầu tư, nhân lực để thúc đẩy tăng trưởng
Mặc dù toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của kế hoạch năm 2024 dự kiến đều có thể đạt và vượt, song nhiều vị đại biểu Quốc hội vẫn cho rằng, cần tiếp tục gỡ những điểm nghẽn về đầu tư, nhân lực để nền kinh tế có thể tăng tốc.
Doanh nghiệp có thể không cần tiền, nhưng cần cơ chế
Sau khi dành một ngày thảo luận tại tổ, khả năng hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025 đã được thảo luận tại hội trường trong ngày 4/11.
Với năm 2024, nhiều đại biểu đánh giá cao kết quả ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (riêng chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.
“Tăng trưởng GDP ước đạt 6,8 - 7%, thu ngân sách nhà nước ước tăng trên 10%. Đây là những con số vượt mong đợi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn”, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nói.
Về kế hoạch năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt mức cao hơn (7 - 7,5%) để đến hết năm 2025, Việt Nam xếp hạng thứ 31 - 33 thế giới về quy mô GDP. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. Mục tiêu này nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội.
Cho rằng, các chỉ tiêu năm 2025 có thể về đích nếu có giải pháp đồng bộ, toàn diện, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đặt vấn đề nguồn lực. Theo đại biểu này, Việt Nam đang dành nguồn lực lớn của Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển hạ tầng, xã hội, trong đó đã dành nguồn lực đầu tư công lớn - có thể nói lớn nhất từ trước đến nay - khoảng 800.000 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông và tới đây có thể hơn 67 tỷ USD cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Nêu nguyên tắc đầu tư công dẫn đắt đầu tư tư, nhưng ông An cho rằng, có một vấn đề cần phải giải quyết là tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư tư nhân đang suy giảm. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng khoảng 7%, chỉ bằng một nửa so với giai đoạn trước.
“Nghịch lý là, tại sao đầu tư công đưa ra lớn mà không dẫn dắt được đầu tư tư nhân và tỷ trọng phát triển đầu tư tư nhân lại giảm? Cần làm rõ điểm nghẽn này để thúc đẩy hơn nữa đầu tư tư nhân vào nền kinh tế”, ông An đề nghị.
Vị đại biểu Đồng Nai cho rằng, phải lấy hệ thống doanh nghiệp làm trụ cột, đầu tư cho hệ thống doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân.
“Hiện nay, chúng ta có rất nhiều chương trình, rất nhiều đề án, nhưng điểm nghẽn chính là thủ tục. Doanh nghiệp tư nhân có thể không cần tiền, mà họ cần cơ chế”, ông An nhìn nhận.
Với các công trình trọng điểm quốc gia, công trình lớn, đại biểu An đề nghị Nhà nước nên mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia, để tăng tỷ trọng đầu tư tư nhân.
Cũng sốt ruột gỡ vướng cho đầu tư, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) nêu thực tế ngay tại tỉnh này là có dự án khởi động từ tháng 9/2018, các nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu từ tháng 3/2021, hoàn thiện bổ sung hồ sơ vào tháng 8/2022. Trong quá trình xử lý hồ sơ dự án từ khi khởi động, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành 51 văn bản xin ý kiến, báo cáo giải trình gửi các bộ, ngành về thủ tục đất đai, thủ tục đấu nối giao thông, thủ tục về sắp xếp lại, xử lý tài sản công và nhiều thủ tục khác liên quan dự án.
Nhưng “việc trao đổi giữa các bộ, ngành rất chậm, không theo quy trình một cửa, chưa thực sự quan tâm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Trong khi theo quy định của Luật Đầu tư, tổng thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư không quá 3 tháng, riêng việc lấy ý kiến các cơ quan nhà nước liên quan đến nội dung thẩm định không quá 15 ngày. Nhưng đến nay, hồ sơ dự án trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nhà đầu tư vẫn mòn mỏi chờ đợi, dẫn đến mất cơ hội đầu tư, đành tâm tư rằng, đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”, ông Nam phản ánh.
Nhân lực cũng đang là điểm nghẽn
Bàn về điểm nghẽn thể chế, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nói, Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế, trong đó có 5 luật về đầu tư và 7 luật về tài chính, ngân sách.
“Tôi cùng tổ thảo luận với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nghe Bộ trưởng khẳng định các luật về đầu tư có nhiều điểm mới rất đột phá, giải phóng được sức sản xuất, khơi thông được các nguồn lực, nhất là những lĩnh vực mới. Tôi và chắc là nhiều đại biểu nữa đánh giá rất cao tinh thần này. Nhưng theo tôi, để gỡ được điểm nghẽn thể chế thì rất cần nhân lực, mà nhân lực thì thực sự cũng đang bị nghẽn”, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Vị đại biểu Quảng Trị phân tích, bao nhiêu năm qua, Quốc hội nói rất nhiều đến sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương. Bộ Nội vụ đánh giá, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, về cơ bản, đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Nhưng, theo nhận xét của Tổng Bí thư Tô Lâm, việc này mới làm từ xã, huyện, một số vụ, cục, tổng cục..., còn “Trung ương chưa đụng được gì”.
“Ngân sách đang chi gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, vậy thì tinh giản biên chế đã thực sự đạt yêu cầu chưa? Rồi ở nhiệm kỳ này, đã có rất nhiều những phát biểu, những tranh luận kéo dài về việc chữa bệnh cán bộ - công chức sợ sai, sợ trách nhiệm. Nhưng kết quả xếp loại chất lượng công chức trong năm 2023, chỉ có 6,57% là không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy như thế đã đánh giá đúng tình hình chưa?”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu vấn đề.
Về cải cách tiền lương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, không thể phủ nhận nỗ lực tăng lương cơ sở 30% của năm nay. Nhưng cho dù như thế, thì với một cán bộ, công chức mới được tuyển dụng, dù xuất sắc đến đâu, lương cũng mới chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện, chứ chưa nói đến những nhu cầu chính đáng khác. Thế nên, rất dễ hiểu là các địa phương xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài, Quốc hội ủng hộ, nhưng nhân tài thì vẫn như lá mùa thu.
“Khó khăn về nguồn nhân lực hiện nay là hết sức to lớn và tôi đề nghị nên đột phá từ chính khâu này thì mới có thể gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước”, ông Hà Sỹ Đồng bày tỏ quan điểm.
Cũng đề cập vấn đề nhân lực, đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nhấn mạnh, có nguồn nhân lực tốt mới có thể giữ đà tăng trưởng 6 - 7% trong những năm tới và chuẩn bị kỹ để làm chủ nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao trong tương lai gần.
Nhận xét báo cáo của Chính phủ mới đề cập tinh giản biên chế bộ máy hành chính cấp huyện, xã, ông Kim nói: “Như vậy chưa được. Cần phải cách mạng hóa biên chế bộ máy ở cả Trung ương, địa phương và các ngành”.
Vị đại biểu Hải Dương cũng cho biết, có vị bộ trưởng nói với ông rằng, “nếu bộ tôi giảm 30-40% biên chế cũng không hề hấn gì”.
“Giảm biên chế có 2 tác dụng là giảm người sách nhiễu, tăng được lương cho người mẫn cán, cán bộ chuyên nghiệp và hiệu quả hơn”, ông Kim nói.
Chính phủ tiếp tục xác định thể chế là “đột phá của đột phá”
Chính phủ tiếp tục xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, tập trung cao độ, ưu tiên tối đa thời gian và nguồn lực cho công tác hoàn thiện thế chế theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không phù hợp với thực tế, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng