Gò Dầu: Nỗ lực nâng cao giá trị cho sản phẩm trái cây

Cùng với các địa phương trong tỉnh, những năm qua, huyện Gò Dầu tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Nông dân thu hoạch sầu riêng.

Nông dân thu hoạch sầu riêng.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, hàng trăm ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả trên địa bàn huyện đã được người dân chuyển đổi sang canh tác cây sầu riêng và một số loại cây ăn trái khác có giá trị kinh tế cao như: dưa lưới, bưởi, nhãn.

Huyện cũng quy hoạch vùng trồng, xây dựng vùng chuyên canh theo hướng VietGAP; hướng dẫn các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân trong vùng sản xuất các giải pháp nâng cao giá trị thương hiệu, nhãn hiệu cây ăn trái để từng bước nhân rộng.

Từng bước thay đổi phương thức sản xuất

Xã Bàu Đồn là một trong những địa phương của huyện Gò Dầu đang phát triển mạnh về cây sầu riêng, với diện tích lên tới gần 1.500 ha. Sầu riêng ở đây không chỉ có diện tích trồng lớn nhất của tỉnh, mà chất lượng cũng được đánh giá ngon hơn ở những vùng khác, sự khác biệt ấy đã làm nên thương hiệu cho sản phẩm.

Năm 2022, sản phẩm sầu riêng của Hợp tác xã (HTX) Cây ăn trái Bàu Đồn được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, cũng từ đây, sản phẩm sầu riêng của hợp tác xã được mọi người biết đến nhiều hơn.

Với tham vọng sầu riêng phải được trồng để xuất khẩu, những năm gần đây, không ít nông dân mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức canh tác để cây sai trái hơn, thịt trái đạt chất lượng hơn. “Việc sản xuất đã được thành viên HTX tuân thủ theo quy trình VietGAP và sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng thuốc trong danh mục Nhà nước cho phép.

Sản phẩm sầu riêng Bàu Đồn có thể truy xuất nguồn gốc và đã được xác nhận là sản phẩm sạch. Do đó, HTX đã liên kết với các công ty xuất nhập khẩu nên đầu ra khá ổn định, giá thành cao”- ông Phan Hoài Thoại - Phó Giám đốc HTX cây ăn trái Bàu Đồn nói.

Đối với sản phẩm trái cây, trong đó có sầu riêng của tỉnh Tây Ninh nói chung và huyện Gò Dầu nói riêng, sau khi thu hoạch chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Để có thể đáp ứng các yêu cầu về mã vùng trồng xuất khẩu của phía Trung Quốc, người trồng sầu riêng đã chuẩn hóa quy trình trồng, chăm sóc cây sầu riêng theo quy chuẩn mà phía nước bạn đưa ra.

Thời gian đầu, bà con chưa tin tưởng, nhưng khi bắt tay vào làm thấy hiệu quả hơn thì ai cũng phấn khởi. Trồng theo quy chuẩn cho sản lượng và chất lượng đầu ra tốt hơn. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng cho các doanh nghiệp và nông dân để xuất bằng đường chính ngạch là một tín hiệu khả quan.

Ông Phan Hoài Thịnh- Giám đốc HTX Cây ăn trái Bàu Đồn cho biết: Hiện nay, HTX xây dựng được 3 mã số vùng trồng. Sau khi được cấp mã số vùng trồng, HTX quản lý chặt chẽ công tác sản xuất đầu vào và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, qua đó nâng cao giá trị của trái sầu riêng và tăng thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cũng phối hợp với Sở NN&PTNT tuyên truyền, vận động người dân sử dụng thuốc đúng mục đích và nằm trong danh mục theo tiêu chuẩn quy định để trái sầu riêng đạt chuẩn OCOP và VietGAP; đồng thời, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức canh tác trong sản xuất cây ăn trái tại địa phương

Ông Phan Thế Huy- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Dầu cho biết, trên địa bàn huyện có 8 cơ sở áp dụng VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với diện tích gần 50 ha, chủ yếu là trên cây ăn trái. Trong 6 tháng đầu năm, Hội đồng thẩm định VietGAP của huyện đã thẩm định đối với 3 cơ sở đăng ký áp dụng VietGAP trên cây ăn trái. Đến nay, toàn huyện xây dựng một nhãn hiệu tập thể trên cây sầu riêng cho HTX Cây ăn trái Bàu Đồn theo quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, sầu riêng của HTX cây ăn trái Bàu Đồn đã được công nhận OCOP 4 sao, là cơ sở để đầu ra nông sản đạt chứng nhận này đến được với nhiều thị trường hơn, giúp người nông dân nâng cao thu nhập.

Gia tăng giá trị sản phẩm trái cây

Bên cạnh việc tích cực hỗ trợ nông dân thay đổi cơ cấu cây trồng, tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi phương thức sản xuất, thời gian huyện Gò Dầu cũng đang tích cực triển khai xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cây ăn trái để gia tăng giá trị sản phẩm, tạo tính bền vững lâu dài cho sản phẩm gắn với thế mạnh của từng vùng; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm cây ăn trái để phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ.

Huyện Gò Dầu cũng đã tiến hành rà soát những vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với từng chủng loại cây ăn quả, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu tiêu thụ, tận dụng những tiềm năng sẵn có trên địa bàn để phân bổ sản xuất cho từng vùng, phát triển theo hướng cơ giới hóa đồng bộ, tập trung cánh đồng lớn, nâng cao giá trị bền vững.

Theo Phòng NN&PTNT huyện, giai đoạn 2026-2030, Gò Dầu hình thành hai vùng nông nghiệp công nghệ cao theo Quyết định 942 của UBND tỉnh về việc phê duyệt sửa đổi, bổ sung nội dung Đề án kèm theo Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 12.1.2023 của UBND tỉnh về phê duyệt vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, vùng 1 sẽ xây dựng vùng trái cây đặc sản ở Bàu Đồn với diện tích 500 ha, tập trung vào cây sầu riêng, cây nhãn và một số loại cây có giá trị kinh tế cao; vùng 2 có diện tích là 1.773 ha, tập trung tại xã Thạnh Đức, chủ yếu là mít, sầu riêng và một số cây có giá trị kinh tế cao.

Ông Phan Thế Huy- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Dầu cho biết, diện tích cây ăn trái của huyện là hơn 2.900 ha; trong đó, diện tích của cây sầu riêng khoảng 1.400 ha, cây sầu riêng đang cho trái khoảng 1.100 ha.

Thời gian qua, huyện tập trung phát triển sản phẩm cây ăn trái, trong đó, có khoảng 86 ha trồng sầu riêng, nhãn, bưởi, dứa, mít, thanh long, chanh đã được hỗ trợ sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus.

Huyện cũng đã xây dựng 5 mã số vùng trồng xuất khẩu, 1 mã số vùng trồng nội địa và một mã cơ sở đóng gói trên sản phẩm sầu riêng. Ngoài ra, huyện đã xây dựng 16 mã vùng trồng hoàn thiện hồ sơ để gửi bên Trung Quốc chờ đánh giá cấp mã.

Sản phẩm sầu riêng của HTX Cây ăn trái Bàu Đồn đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao và đã được cấp mã số vùng trồng.

Sản phẩm sầu riêng của HTX Cây ăn trái Bàu Đồn đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao và đã được cấp mã số vùng trồng.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm: “Người tiêu dùng nào cũng có nhu cầu biết sản phẩm mình sử dụng được làm ra ở đâu, làm ra bằng cách nào, nguồn gốc thế nào. Cho nên, chúng ta bắt buộc phải làm được mã số vùng trồng và mã số chế biến để xuất khẩu sang các nước, kể cả trong thị trường nội địa.

Mỗi một mã số cấp, có nghĩa là có địa chỉ, tên tuổi cụ thể của hàng hóa và mỗi một vườn được cấp mã số phải tuân thủ theo một số tiêu chuẩn nhất định, phải được sự kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng cũng như khách hàng, nếu không kiểm soát được thì vô tình chúng ta làm mất thương hiệu”.

Có thể thấy, việc xây dựng thương hiệu cho trái cây là điều cần làm để mở rộng thị trường và gia tăng giá trị cho sản phẩm. Sở NN&PTNT đặc biệt quan tâm hỗ trợ người sản xuất tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất; tiếp cận với các chính sách tín dụng, triển khai các chính sách hỗ trợ người sản xuất thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm trái cây chủ lực, để khuyến khích người dân phát triển vườn cây ăn trái gắn với xây dựng thương hiệu ngày càng tốt hơn, nhanh hơn.

Vũ Nguyệt

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/go-dau-no-luc-nang-cao-gia-tri-cho-san-pham-trai-cay-a180739.html
Zalo