Gỗ dán Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ bị cáo buộc bán phá giá và được trợ cấp
Nguyên đơn nêu tên hơn 130 công ty của Việt Nam, gồm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Biên độ chống bán phá giá bị cáo buộc với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam là khoảng 112,33% đến 133,72%...

Ảnh minh họa.
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, ngày 22/5/2025, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với gỗ dán cứng và trang trí nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.
Trong vụ việc này, mặt hàng nói trên từ cả 3 nước đều bị đề nghị điều tra cả chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Nguyên đơn là Hiệp hội thương mại công bằng với gỗ dán cứng Hoa Kỳ, cáo buộc các doanh nghiệp xuất khẩu bán phá giá và được trợ cấp.
Nguyên đơn nêu tên hơn 130 công ty của Việt Nam, gồm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn, như: Công ty TNHH MTV Gỗ Khang Đạt, Công ty TNHH Triệu Thái Sơn, Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Thái Hoàng...
Thời kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đề xuất là năm 2024.
Thời kỳ điều tra thiệt hại đề xuất: 3 năm (2022-2024).
Theo số liệu do nguyên đơn viện dẫn từ nguồn của Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC), trong giai đoạn 2022-2024, Việt Nam xuất khẩu lần lượt khoảng 401 triệu USD, 186 triệu USD và 244 triệu USD sản phẩm bị cáo buộc sang Hoa Kỳ, đứng vị trí thứ 2 trong 3 nước bị điều tra, sau Indonesia.
Biên độ chống bán phá giá bị cáo buộc với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam là khoảng 112,33% đến 133,72% (thấp nhất trong số 3 nước bị điều tra).
Tương tự như các vụ việc gần đây, do Hoa Kỳ coi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, nên DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam.
Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng Indonesia là quốc gia thay thế do cho rằng Indonesia có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất gỗ bị điều tra.
Các bên có thời hạn bình luận về nước thay thế trong vòng 60 ngày trước khi DOC ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc.
Đối với cáo buộc trợ cấp, nguyên đơn không đưa ra cáo buộc với biên độ trợ cấp. Nguyên đơn cáo buộc các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu gỗ cứng và gỗ dán trang trí Việt Nam đã nhận được 26 chương trình trợ cấp từ Chính phủ, gây thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ. Các chương trình trợ cấp bị cáo buộc thuộc các nhóm:
Nhóm các chương trình cho vay: gồm các chương trình cho vay ưu đãi của các Ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước (SOCBs); chương trình bao thanh toán của SOCBs; bảo lãnh xuất khẩu của SOCBs; chương trình tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB); chương trình hỗ trợ ưu đãi lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Chương trình tài trợ: gồm các chương trình tài trợ xúc tiến xuất khẩu và hỗ trợ đầu tư.
Nhóm các chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: gồm các chương trình về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong các khu vực đặc biệt; ưu đãi thuế theo Nghị định số 24/2007/NĐ-CP; chương trình khấu hao nhanh và tăng chi phí được giảm trừ.
Nhóm các chương trình ưu đãi miễn và hoàn thuế nhập khẩu: gồm các chương trình về miễn thuế nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu; hoàn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu thô để sản xuất hàng xuất khẩu; miễn thuế nhập khẩu khi nhập khẩu vào khu công nghiệp; miễn thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp FDI; miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu thô cho doanh nghiệp chế xuất và khu chế xuất xuất khẩu; gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; ưu đãi cho các ngành công nghiệp phụ trợ.
Nhóm các chương trình ưu đãi về đất: gồm các chương trình miễn giảm tiền thuê đất/mặt nước cho ngành được khuyến khích; miễn thuế/phí sử dụng đất cho ngành được khuyến khích; miễn hoặc giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong khu vực đặc biệt theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP; miễn hoặc giảm tiền thuê cho doanh nghiệp FDI; miễn hoặc giảm tiền thuê theo Quyết định số 189/2000.
Cung cấp tiện ích với mức giá ưu đãi: gồm các chương trình cung cấp các tiện ích điện, nước và các tiện ích khác trong khu công nghiệp và khu chế xuất với mức giá ưu đãi; cung cấp gỗ xẻ đầu vào với mức giá ưu đãi
Đặc biệt, nguyên đơn cáo buộc do Chính phủ Trung Quốc sở hữu gần như toàn bộ diện tích khai thác rừng ở Trung Quốc, thông qua việc hạn chế cấp phép khai thác gỗ. Điều này đã dẫn tới việc ván (veneer) Trung Quốc đang được bán với giá thấp hơn giá thông thường. Các nhà sản xuất/xuất khẩu Việt Nam khi nhập khẩu ván để sản xuất sản phẩm bị điều tra, đã gián tiếp hưởng trợ cấp từ Chính phủ Trung Quốc.
Để chuẩn bị ứng phó với vụ việc, Cục phòng vệ Thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tiếp theo của vụ việc. Chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự, thủ tục điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ và dự kiến chiến lược kháng kiện phù hợp với doanh nghiệp (trong trường hợp DOC khởi xướng điều tra). Ngoài ra, cần đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Hợp tác đầy đủ với Cơ quan điều tra Hoa Kỳ trong suốt quá trình diễn ra vụ việc. Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Hoa Kỳ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cáo buộc cao nhất cho doanh nghiệp.