Gỡ cơ chế để tăng nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Theo đánh giá của các ngân hàng, việc giảm lãi suất cho vay trong thời điểm này là rất cần thiết song sẽ là chưa đủ để giúp khách hàng sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này mà cần có cơ chế mạnh hơn.

Ngân hàng mạnh tay cắt giảm lãi suất

NHNN cho biết, tính đến ngày 22/9 đã có 32 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số tiền lên tới 405.000 tỷ đồng, lãi suất giảm từ 0,5 – 2%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3 (Yagi). Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao các ngân hàng đã đồng hành cùng hệ thống để thực hiện nhiệm vụ của ngành ngân hàng, vừa đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội cũng như góp phần đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống.

Trước đó các ngân hàng cũng đã giảm thực hiện nhiều lần giảm lãi suất cho vay cũng như triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi quy mô lớn để hỗ trợ khách hàng sớm phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Tổng giám đốc SHB Ngô Thu Hà cho biết, trong năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024, SHB đã liên tục có 21 lần giảm mặt bằng lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh...

Bên cạnh giảm lãi suất dành cho cả khách hàng hiện hữu và khách hàng vay mới, đáng chú ý có một số ngân hàng còn “mạnh tay” giảm 50-100% tiền lãi phải trả cho khách hàng từ nay đến hết năm 2024. Như tại SHB miễn giảm 50% lãi phải trả của của khách hàng hiện hữu bị thiệt hại từ ngày 1/9 – 31/12/2024. Thậm chí, căn cứ vào tình hình thiệt hại mà SHB có thể giảm tới 100%, nhất là những khách hàng là nông dân, hộ kinh doanh... Đặc biệt, SHB sẽ chủ động rà soát và thông báo cho khách hàng về mức giảm chứ không đợi khách hàng phải đăng ký trên mức độ thiệt hại với ngân hàng. Tương tự, TPBank cũng dành hơn 2.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân với mức giảm lên đến 50% tiền lãi hiện tại, đồng thời mức lãi suất ưu đãi này sẽ được giữ cố định đến muộn nhất là 31/1/2025. Với khách hàng doanh nghiệp, TPBank cũng dành 2.000 tỷ đồng; trong đó có 1.200 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho khách hàng hiện hữu và 800 tỷ đồng dành cho khách hàng vay mới với lãi suất giảm tối đa đến 2%.

Các ngân hàng tích cực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng sớm phục hồi sản xuất kinh doanh

Các ngân hàng tích cực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng sớm phục hồi sản xuất kinh doanh

Chỉ giảm lãi suất là chưa đủ

Theo đánh giá của các ngân hàng, việc hạ lãi suất cho vay trong thời điểm này là rất cần thiết song sẽ là chưa đủ để giúp khách hàng sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này mà cần có cơ chế mạnh hơn. Đơn cử với một số khách hàng bị ảnh hưởng nặng của bão thì mối lo ngại lớn nhất là sụt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa có dòng tiền trả nợ. Do hệ thống đánh giá tín dụng tự động, nên nợ quá hạn sẽ tự động nhảy nhóm, ngay cả khi khách hàng chỉ cần chậm một ngày không trả nợ đúng hạn. Từ đó, doanh nghiệp sẽ bị có lịch sử nợ xấu, sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng trong tương lai. Trong trường hợp này, nếu không có cơ chế, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi hoãn, giãn nợ.

Nhìn lại thực tế vừa qua nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19, ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank đánh giá, các Thông tư 01, 02 do NHNN ban hành về cơ cấu lại, giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ phát huy khá hiệu quả trong việc hỗ trợ tức thời doanh nghiệp, người dân. Trên cơ sở đó, lãnh đạo TPBank kỳ vọng, Chính phủ, NHNN xem xét có thêm các chính sách hỗ trợ, trong đó có việc giãn, hoãn nợ để giúp doanh nghiệp giành được nguồn lực lớn, tập trung khắc phục thiệt hại do bão gây ra, sớm ổn định guồng sản xuất kinh doanh.

Tổng giám đốc LPBank cũng đề xuất cân nhắc tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời bổ sung thêm đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 vào danh sách được hỗ trợ.

Ông Kim Byoungho - Chủ tịch HĐQT HDBank cũng đồng tình đề xuất, hiện tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống còn ở mức cao, do đó, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, Hội nghị nên xem xét việc gia hạn hiệu lực của thông tư Thông tư 06 về cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ tới sau ngày 31/12/2024 với các hướng dẫn cụ thể hơn về giãn, hoãn, thời hạn trả nợ. Bên cạnh đó, lãnh đạo HDBank mong muốn tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Thông tin cho thấy không ít doanh nghiệp đang gặp vướng mắc về pháp lý, thủ tục phê duyệt, hơn là khả năng tiếp cận vốn sau khi lãi suất cho vay đã giảm sâu và việc xét cấp tín dụng được tinh gọn.

Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng cho rằng, bên cạnh việc các ngân hàng cần tiếp tục kéo giảm chi phí vốn, giảm mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn; Triển khai các gói tín dụng ưu đãi đối với một số lĩnh vực, ngành nghề cần thúc đẩy, thì cần tiếp tục duy trì chính sách tài khóa mở rộng kích thích tổng cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện các giải pháp giảm thuế, phí để hỗ trợ trực tiếp cho cầu tiêu dùng, giúp tăng sức mua nền kinh tế.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc MSB kiến nghị các Bộ, Ban ngành liên quan tiếp tục duy trì chính sách tài khóa rộng mở, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó bao gồm các tổ chức tín dụng thông qua các biện pháp như miễn/giảm/hoãn một số khoản thuế trong giai đoạn khó khăn, cơ chế hỗ trợ tài chính nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tổ chức tín dụng trong công tác thu hồi nợ như cung cấp thông tin, làm việc trực tiếp, hỗ trợ pháp lý trong công tác xử lý tài sản...

Đối với nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh kiến nghị cần xây dựng các chương trình, các gói hỗ trợ từ nguồn Ngân sách, cụ thể là các chương trình bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. “Cần giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, bổ sung, gia hạn các chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các năm tiếp theo. Cùng với đó, giảm thiểu các thủ tục giấy tờ, qua đó giảm các loại chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như chi phí vận tải, xuất nhập khẩu… nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính”, ông Hồ Hùng Anh đề xuất thêm.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ đó góp phần tích cực tăng trưởng GDP đạt mục tiêu đề ra, lãnh đạo các ngân hàng cũng kiến nghị tháo gỡ cơ chế chính sách, những nút thắt về thủ tục đầu tư mà hiện nay vẫn đang rất chậm đặc biệt cho các dự án bất động sản. Khi các nút thắt này được giải tỏa, nguồn cung sẽ được cải thiện giúp cho thị trường bất động sản ấm lên tạo tâm lý tích cực cho đầu tư và tiêu dùng. Ví dụ, việc khung giá đất vẫn chưa được giải quyết khiến nhiều doanh nghiệp không thể hoàn thành nghĩa vụ thuế chuyển quyền sử dụng đất và không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Nhóm phóng viên

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/go-co-che-de-tang-nguon-luc-ho-tro-doanh-nghiep-phuc-hoi-155891.html
Zalo