Giúp trẻ đánh thức năng lực vượt trội bằng tiếp cận sách

Việc dạy trẻ 'đọc' sách sớm không chỉ giúp học một ngôn ngữ, mà là một trong những cách phát triển não bộ, đánh thức năng lực tư duy.

Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn là tên một cuốn sách bàn về phương pháp giáo dục trẻ trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi của tác giả Ibuka Masaru (đồng sáng lập tập đoàn Sony). Tên sách cũng là chủ đề, thông điệp mà bà Kim Thoa - CEO Tân Việt Books - gửi tới cha mẹ nuôi con nhỏ trong một tọa đàm diễn ra hôm 4/8 tại Nam Định.

Dẫn dắt những kiến thức khoa học từ các chuyên gia giáo dục như Montessori, Glenn Doman, Shichida, bà Kim Thoa khẳng định việc nuôi dạy trẻ nên được hình thành “càng sớm càng tốt”, ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ. Dưới 6 tuổi là thời điểm vàng để con phát triển não bộ và hình thành tư duy một cách tốt nhất.

 Bà Kim Thoa chia sẻ với các bậc cha mẹ về xây dựng thói quen đọc sách cho con tại chương trình hôm 4/8.

Bà Kim Thoa chia sẻ với các bậc cha mẹ về xây dựng thói quen đọc sách cho con tại chương trình hôm 4/8.

Giai đoạn 0-6 tuổi là lúc khai mở những năng lực vượt trội nơi bán cầu não phải của trẻ. Các nghiên cứu cho thấy đến 5 tuổi, kích thước bộ não của trẻ đã rất gần với kích thước và khối lượng của người lớn. Điều đó không có nghĩa trẻ mẫu giáo sẽ biết mọi thứ như người lớn (ngoài kích thước và khối lượng của não bộ, kinh nghiệm cũng đóng một vai trò chính). Các cấu trúc của não trẻ liên quan đến học tập, trí nhớ, kiểm soát vận động và mọi chức năng khác đã được thiết lập ở độ tuổi lên 5.

Do vậy, việc cha mẹ đồng hành cùng sự phát triển của con cần được thực hiện từ rất sớm.

Cách tác động, kích thích bằng ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh… từ bên ngoài vào bên trong thông qua 5 giác quan cho ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ. Trong 5 giác quan đó, hoạt động đọc có liên quan trực tiếp tới 3 giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác.

Vì thế, bà Kim Thoa cho rằng việc cho trẻ tiếp xúc với sách, "đọc" sách từ nhỏ là điều các ba mẹ nên làm từ sớm. Điều này cũng giúp hình thành khả năng tự học khi trẻ lớn lên. Một trong những ví dụ điển hình về gương đọc sách mà bà Kim Thoa nêu ra là tỷ phú Bill Gates, Tổng thống Bill Clinton, người Do Thái, tỷ phú Jack Ma... Đó đều là những tấm gương người thật việc thật, yêu đọc sách và nhờ đọc sách mà có thêm nhiều kiến thức trên con đường tự học và thành tài.

Bà Thoa nhấn mạnh việc dạy trẻ đọc sách không chỉ giúp trẻ học được ngôn ngữ, âm thanh mà còn là cách để đánh thức các năng lực vượt trội nằm sâu trong bán cầu não phải của trẻ. Đây là hoạt động cần thiết để trẻ được đánh thức trí tuệ, làm nền tảng cho sự phát triển tư duy trong tương lai.

“Chờ đến mẫu giáo thì đã quá muộn”, bà Thoa khẳng định. Theo đó, điều cha mẹ cần làm là xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ từ tuổi ấu thơ. Bà cũng gợi ý các cách để tạo thói quen đọc cho con từ sớm: mua sẵn những cuốn sách để trong nhà, tạo góc đọc thân thiện trong phòng cho con, chọn sách phù hợp sở thích của con, đọc sách cho con, hướng dẫn con tiếp cận sách...

Đức Tâm

Nguồn Znews: https://znews.vn/giup-tre-danh-thuc-nang-luc-vuot-troi-bang-tiep-can-sach-post1490066.html
Zalo