Giúp phụ nữ nâng cao kỹ năng chuyển đổi số trong điều hành kinh tế tập thể

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, chuyển đổi số vừa là yêu cầu tất yếu, vừa là cơ hội để tiến nhanh, tiến xa hơn trong mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội. Tại Hà Nội, phụ nữ chiếm trên 50,4% dân số, việc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã nói chung và các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý nói riêng là điều cần thiết. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức cho phụ nữ về chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể.

Phát huy quyền năng của phụ nữ trong kinh tế tập thể

Trong năm 2023, 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Thanh Oai đã phối hợp với Hội LHPN thành phố Hà Nội tổ chức 4 lớp truyền thông chuyển đổi số và thương mại điện tử cho thành viên câu lạc bộ doanh nhân nữ, chủ xưởng sản xuất, các hộ kinh doanh, phụ nữ đã và đang khởi nghiệp, doanh nghiệp nữ, thành viên tổ hợp tác chế biến thực phẩm an toàn xã Cự Khê, tổ hợp tác rau củ quả an toàn xã Xuân Dương, Kim An, với số lượng hơn 600 người tham gia tập huấn.

Tại chương trình truyền thông “Vai trò của phụ nữ tham gia chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã” do Hội LHPN thành phố Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai cho biết, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số là xu thế tất yếu, giúp phụ nữ thay đổi cách thức làm việc cũng như phương thức sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả công việc. Thời gian qua, Hội LHPN huyện Thanh Oai đã đẩy mạnh thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ hội viên phụ nữ nâng cao kiến thức kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin.

Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030”, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai đã phối hợp với các sở, ngành, Hội LHPN Thành phố hỗ trợ thành lập Hợp tác xã mây tre nón lá Thu Hương do bà Tạ Thu Hương là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã.

Nhiều hộ gia đình tham gia mô hình kinh tế tập thể làm nón lá ở Thanh Oai.

Nhiều hộ gia đình tham gia mô hình kinh tế tập thể làm nón lá ở Thanh Oai.

Đến nay, toàn huyện có 38 Hợp tác xã đang hoạt động, trong đó một số mô hình Hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý bước đầu đem lại kết quả như: Lĩnh vực nông nghiệp có Hợp tác xã nông nghiệp xã Bình Minh do bà Lê Thị Xiêm là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc, Hợp tác xã nông nghiệp xã Đỗ Động do bà Dương Thị Dung là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc.

Các Hợp tác xã đã áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp như sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu, sử dụng phần mềm kế toán, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ…

Năm 2023, Hợp tác xã Bình Minh có 2 sản phẩm gạo là J02 và Đài thơm 8 đạt OCOP 3 sao. Hợp tác xã nông nghiệp xã Đỗ Động có 2 sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và Đài Thơm 8 đạt OCOP 3 sao.

Trong lĩnh vực phi nông nghiệp có Hợp tác xã nón lá Tạ Thu Hương với 7 thành viên tham gia hội đồng quản trị, thu hút gần 100 lao động nữ với mức lương bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Hợp tác xã tham gia nhiều hội chợ, trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm nhằm đẩy mạnh hợp tác trong kết nối, giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã tham gia với thị trường trong nước và quốc tế góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng của phụ nữ.

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

Phụ nữ Thủ đô chiếm trên 50,4% dân số, là lực lượng lao động đông đảo có mặt ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, đã và đang khẳng định những đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế -xã hội của Thủ đô, trong đó có lĩnh vực chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống góp phần xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số…

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN thành phố Hà Nội, thực tế hiện nay cho thấy việc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã nói chung và các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành nói riêng còn chậm, thiếu tính chiến lược dẫn đến những khó khăn trong việc phát huy năng lực nội tại của kinh tế tập thể, hiệu quả quản trị hợp tác xã và sản xuất, kinh doanh chưa cao, chưa bắt kịp với xu thế phát triển và yêu cầu của thị trường.

Hội LHPN thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức tập huấn nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong khu vực kinh tế tập thể.

Hội LHPN thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức tập huấn nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong khu vực kinh tế tập thể.

Thời gian qua, với khu vực kinh tế tập thể, các cấp Hội Phụ nữ toàn Thành phố chú trọng việc truyền thông, nâng cao nhận thức về vai trò, sự cần thiết và lợi ích của kinh tế tập thể; hỗ trợ, hướng dẫn thành lập, quản lý, vận hành các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành.

Tính đến nay đã có 31 hợp tác xã, 40 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý được Hội hỗ trợ thành lập và hỗ trợ điều hành hoạt động, thu hút 350 thành viên tham gia, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động nữ, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.

Vừa qua, Hội LHPN thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị truyền thông “Vai trò của phụ nữ tham gia chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã”. Tại Hội nghị Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Tố Oanh, Trưởng ban Chính sách và phát triển Hợp tác xã thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã cung cấp các kỹ năng, kiến thức chung về nền kinh tế số; phương thức xây dựng hình ảnh, quảng bá và bán hàng, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội cho đông đảo hội viên phụ nữ các huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, quận Hà Đông.

Hội viên, phụ nữ được trao đổi kiến thức, kinh nghiệm cũng như học tập được nhiều nội dung bổ ích, ứng dụng hiệu quả trong việc bán hàng, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số. Qua đó đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia ứng dụng chuyển đổi số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể phát triển, bắt kịp với xu thế của thị trường, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giup-phu-nu-nang-cao-ky-nang-chuyen-doi-so-trong-dieu-hanh-kinh-te-tap-the-176483.html
Zalo