Giúp nông dân làm chủ trên cánh đồng

Công tác khuyến nông hiện nay không nặng tính chuyển giao kỹ thuật mà hài hòa các yếu tố trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Do đó, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp đã phát triển các mô hình khuyến nông đảm bảo kỹ thuật được chuyển giao, đáp ứng các yếu tố thị trường, chú trọng định hướng, hỗ trợ nông dân làm chủ trên đồng ruộng, nương đồi của mình, hiểu và hạch toán được chi phí sản xuất, doanh thu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đơn cử như mô hình thâm canh cây ăn quả ôn đới gắn với phát triển du lịch sinh thái được trung tâm triển khai tại xã Tả Van Chư (huyện Bắc Hà). Cùng với chuyển giao cho nông dân tiến bộ kỹ thuật trong canh tác cây ăn quả ôn đới theo hướng hữu cơ gắn với phát triển du lịch, trung tâm còn lựa chọn đơn vị đủ năng lực tham gia liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Anh Giàng Seo Hồng, thôn Sà Ván, xã Tả Van Chư cho biết: Tham gia mô hình, tôi được hướng dẫn kỹ thuật mới trong chăm sóc, bón phân, phòng, trừ sâu, bệnh cho cây lê; cách vin cành, tạo tán, bọc quả, chăm sóc lê theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, diện tích lê của gia đình sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh gây hại, quả đồng đều, mẫu mã đẹp, nhiều nước, ngọt hơn. Với 1 ha lê, vụ này gia đình thu được gần 6 tấn quả, giá bán trung bình 25.000 đồng/kg. Chúng tôi còn phục vụ khách tham quan, trải nghiệm tại vườn, tổng nguồn thu từ cây lê đem lại hơn 140 triệu đồng, tăng gần 40 triệu đồng so với vụ trước...

Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đang triển khai nhiều mô hình như nuôi ong mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; trồng dâu nuôi tằm; trồng quế theo hướng hữu cơ; thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị; trồng thâm canh dứa trái vụ, rải vụ thích ứng biến đổi khí hậu; chăn nuôi lợn bản địa thương phẩm và xử lý môi trường trong chăn nuôi lợn đảm bảo an toàn dịch bệnh; trồng, thâm canh cây chanh leo theo hướng VietGAP; nuôi dúi thương phẩm… Các mô hình đã đạt mục tiêu liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp, có sự kết nối với thị trường, doanh nghiệp tiêu thụ, có truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trung tâm đã tư vấn, hướng dẫn các địa phương, đơn vị lập dự án, kế hoạch, phương án sản xuất nông nghiệp về: Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; nâng cao năng lực nhóm cộng đồng tổ chức quản lý sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; tư vấn tiến trình công cụ, phương pháp kỹ năng thành lập tổ hợp tác, nhóm sở thích sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp; tư vấn cho nông dân ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, phòng, trừ sâu, bệnh, quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cùng với việc triển khai xây dựng các mô hình, đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trung tâm đã phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng, với thành viên nòng cốt là cán bộ khuyến nông và cán bộ đoàn thể, lãnh đạo địa phương để tư vấn cho nông dân, HTX về khuyến nông; hỗ trợ, vận động thành lập phát triển HTX nông nghiệp; tư vấn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; định hướng chính xác, rõ ràng cho nông dân loại cây trồng phù hợp nhu cầu thị trường...

Đến nay, một số sản phẩm như chuối, dứa, chè... đã có mặt tại các siêu thị và trên một số sàn thương mại điện tử. Nhiều nông dân đã mạnh dạn, tự tin thay đổi tập quán canh tác trên ruộng đồng của mình, sản xuất ra sản phẩm chất lượng và có đầu ra ổn định.

Chị Nguyễn Thị Hà, Giám đốc HTX Thịnh Phong (xã Bản Lầu, Mường Khương) cho biết: Gia đình tôi gắn bó với cây dứa từ lâu, đã từng chịu cảnh dứa “được mùa, mất giá”, khi giá cao lại không có hàng bán. Tham gia mô hình sản xuất dứa trái vụ do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh hỗ trợ, tôi và các thành viên HTX được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc dứa trái vụ; phương pháp thu hoạch, bảo quản dứa; được tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bao bì, tem mác cho sản phẩm, tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ dứa. Đến nay, sản phẩm dứa của HTX đã được tiêu thụ tại nhiều siêu thị trong và ngoài tỉnh, sàn thương mại điện tử với giá bán ổn định.

Đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường, hệ thống khuyến nông tỉnh tiếp tục bám sát cơ sở, đa dạng hóa hoạt động, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả đến người dân. Đồng thời, chú trọng liên kết doanh nghiệp, mở rộng vùng nguyên liệu, tạo những hiệu ứng phát triển tích cực cho nông nghiệp của tỉnh.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/giup-nong-dan-lam-chu-tren-canh-dong-post388121.html
Zalo