Giúp người lao động phòng, chống 'tín dụng đen'
Những năm gần đây, hoạt động cho vay nặng lãi 'tín dụng đen' diễn ra phức tạp với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi, xuất hiện dưới nhiều hình thức gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống công nhân, lao động (CNLĐ) và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) huyện Cần Đước, tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “LĐLĐ huyện xây dựng mô hình Tuyên truyền, vận động công đoàn viên tham gia phòng, chống nạn “tín dụng đen” trong CNLĐ năm 2024.
Theo đó, LĐLĐ huyện phối hợp chính quyền, các ngành và ban giám đốc các công ty (Cty) triển khai kế hoạch phòng, chống nạn “tín dụng đen” trong CNLĐ; đồng thời, phối hợp Tổ chức tài chính vi mô CEP - Chi nhánh Cần Đước hỗ trợ nguồn vốn cho CN, viên chức, LĐ trong huyện; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức tài chính, giúp CNLĐ chủ động phòng tránh “tín dụng đen” và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân; giới thiệu sản phẩm dịch vụ CEP, cung cấp kiến thức tài chính, xác định mức vay phù hợp tích hợp trên website CEP.
Qua đó, giúp CNLĐ chủ động lựa chọn phương án vay vốn phù hợp. Bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn lãi suất thấp, Tổ chức tài chính vi mô CEP còn phối hợp LĐLĐ huyện thực hiện các chương trình chăm lo an sinh xã hội cho CNLĐ vay vốn có hoàn cảnh khó khăn như hỗ trợ Mái nhà CEP, tặng quà tết, cấp học bổng và quà học tập cho con CNLĐ,... Từ những hoạt động thiết thực này thể hiện sự quan tâm, đồng hành của tổ chức Công đoàn, tạo sự tin tưởng cho người LĐ.
Chị Trần Tuyết Sương - CN Cty Aoyama Việt Nam (xã Long Cang, huyện Cần Đước), chia sẻ: “Nhờ được vay vốn từ Tổ chức tài chính vi mô CEP, CNLĐ có thêm điều kiện ổn định cuộc sống, an tâm làm việc, gắn bó với Cty. Lãi suất của CEP thấp, phù hợp thu nhập của CN tại địa phương”.
Từ tháng 10/2012 đến tháng 10/2024, Tổ chức Tài chính vi mô CEP - Chi nhánh Cần Đước phục vụ 10.879 khách hàng tại huyện Cần Giuộc và Cần Đước với dư nợ hơn 118 tỉ đồng. Riêng tại huyện Cần Đước, CEP đã hỗ trợ 80.285 lượt vay với doanh số hơn 1.197 tỉ đồng. Đối tượng phục vụ của CEP là người LĐ có hoàn cảnh khó khăn, người có thu nhập thấp.
Ông Nguyễn Thanh Tùng thông tin: “Khi triển khai mô hình này, các chủ doanh nghiệp và CNLĐ rất đồng tình. Thời gian qua, LĐLĐ huyện cũng phối hợp CEP tuyên truyền đến hơn 500 CNLĐ trên địa bàn huyện.
Thời gian tới, LĐLĐ huyện tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này và xem đây là một trong những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống giúp CNLĐ an tâm sản xuất, hạn chế “tín dụng đen” ảnh hưởng đến CNLĐ tại địa phương”.
Trước vấn nạn “tín dụng đen” ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của CNLĐ, việc triển khai mô hình góp phần tăng cường sự phối hợp, trách nhiệm trong chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của CNLĐ./.