Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hòa nhập với cộng đồng.

 Một số tính năng hỗ trợ tiếp cận cho người khuyết tật được lắp đặt trên xe buýt công cộng

Một số tính năng hỗ trợ tiếp cận cho người khuyết tật được lắp đặt trên xe buýt công cộng

Giai đoạn từ năm 2021 - 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã tiếp nhận viện trợ không hoàn lại 2 dự án hỗ trợ NKT do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ: Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế cho NKT tỉnh Thừa Thừa Huế" và dự án "Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của NKT tại các tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam".

Với trách nhiệm là cơ quan điều phối, Sở LĐTB&XH đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, hội, địa phương liên quan, đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả, góp phần trợ giúp cho NKT được tiếp cận các dịch vụ xã hội, dịch vụ công cộng và dịch vụ y tế.

Thực hiện dự án "Tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế cho NKT tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2024", thời gian qua, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp với Sở LĐTB&XH, Sở Giao Thông - Vận tải, Công ty CP Xe khách Phương Trang - Chi nhánh Huế thí điểm hệ thống xe buýt dễ tiếp cận cho NKT. Đến nay, đã có 20 xe buýt lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống rao trạm/thông báo điểm dừng đỗ tự động bằng âm thanh tích hợp với hiển thị nội dung thông báo bằng màn hình led, giúp hành khách đi trên xe kể cả NKT đều được thụ hưởng.

Các đơn vị còn thiết kế tính năng hỗ trợ tiếp cận cho NKT tại 3 nhà chờ gần khu vực trung tâm và khu vực bệnh viện (cổng Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế, Bến xe khách chợ Đông Ba và Công viên Cách mạng tháng 8, thị trấn Phong Điền). Những hạng mục được lắp đặt tại các nhà chờ không chỉ tạo thuận tiện cho NKT mà những người bệnh di chuyển khó khăn hoặc những người cần thiết phải sử dụng xe lăn cũng được sử dụng.

Nhằm thúc đẩy thực thi chính sách tiếp cận công trình cho NKT, ACDC còn phối hợp với Sở Xây dựng, Sở LĐTB&XH, Hội NKT - Bảo trợ NKT & Trẻ mồ côi tỉnh và UBND cấp huyện cùng các đơn vị, phòng, ban chuyên môn trực thuộc tiến hành đánh giá mức độ cải thiện tiếp cận nhiều công trình công cộng và giao thông, cùng với thi công xây mới 27 công trình trong năm 2023. Nhờ đó, đã có nhiều công trình được cải tạo xây dựng mới và có các hạng mục tiếp cận cho NKT; 26/27 công trình mới (tỷ lệ 96,3%) đã được các cơ quan và chính quyền địa phương quan tâm, áp dụng QCVN 10:2014/BXD trong việc thiết kế, thẩm định các hạng mục tiếp cận cho NKT.

Các dịch vụ xã hội và dịch vụ y tế công cho NKT được thúc đẩy cải thiện. Mạng lưới dịch vụ địa phương được xây dựng, gồm nhân viên y tế và pháp lý để hỗ trợ các trường hợp bạo lực trên cơ sở giới đối với NKT. Qua đó đã trang bị kiến thức, kỹ năng phát hiện, xử lý các trường hợp bị bạo lực trên cơ sở giới, những hạn chế trong quá trình hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới tại địa phương, giúp thay đổi tư duy, kỹ năng để việc hỗ trợ cho nạn nhân được toàn diện, hiệu quả và kịp thời hơn.

NKT, trong đó có phụ nữ khuyết tật còn được thụ hưởng các dịch vụ y tế công như: khám sức khỏe sinh sản miễn phí; tập huấn về hòa nhập khuyết tật và sống độc lập; nâng cao nhận thức cộng đồng; tư vấn pháp lý. Dựa trên kết quả khám, NKT được bác sĩ tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe tại nhà liên quan đến chế độ dinh dưỡng, vệ sinh sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, tất cả đối tượng tham gia khám đều được đề nghị tái khám theo dõi sức khỏe, những trường hợp tình trạng bệnh nặng được bác sĩ chỉ định nhập viện để có hướng xử lý kịp thời.

Bài, ảnh: Minh Ngọc

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/giup-nguoi-khuyet-tat-tiep-can-dich-vu-de-hoa-nhap-140173.html
Zalo