Giúp lao động ngành than thích ứng trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng
Quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mở ra những cơ hội mới cho công nhân ngành khai thác than. Các chuyên gia cho rằng, trong khi nhiều công nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm, thì những người có trình độ cao sẽ có cơ hội chuyển sang các ngành nghề khác với môi trường làm việc tốt hơn và thu nhập cao hơn.
Ngành than đối mặt với sự suy giảm việc làm
Là công nhân sắp nghỉ hưu, ông Vũ Đức Việt, công nhân Nhà máy nhiệt điện Đông Triều (Quảng Ninh) không bị ảnh hưởng nhiều bởi quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng ông bày tỏ lo lắng cho những công nhân trẻ làm việc tại các nhà máy nhiệt điện có thiết bị cũ, hiệu suất thấp.
Trước những thách thức mà hàng nghìn công nhân ngành than sẽ phải đối mặt trong quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, ông Việt chia sẻ: "Họ sẽ có nguy cơ mất việc, giảm thu nhập, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, đời sống xã hội".
Theo ông Việt, việc tìm kiếm công việc mới, thay đổi nghề nghiệp và đào tạo lại sẽ là một thách thức lớn đối với các công nhân này, nhất là khi họ đã quen làm việc tại các nhà máy cũ kỹ suốt nhiều năm.
Thế giới đang đối mặt với thách thức khi chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo và ngành than không phải là ngoại lệ. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khai thác than và các nguồn nhiên liệu hóa thạch khác, cũng như sản xuất điện từ than, sẽ chứng kiến sự giảm mạnh về nhu cầu lao động, với khoảng 1,5 triệu việc làm sẽ mất đi vào năm 2030 trên toàn cầu.
Số liệu của Viện Tương lai bền vững (Australia) ước tính, ở Việt Nam, hiện có khoảng 100 nghìn công nhân làm việc trong ngành than và các nhà máy nhiệt điện. Trong số này, khoảng 78 nghìn người làm việc trực tiếp trong ngành khai thác than, và 9.000 người làm việc tại các nhà máy nhiệt điện. Chuyển đổi năng lượng sẽ làm thay đổi cấu trúc lao động của ngành, khi nhiều công nhân trong ngành than sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đức Sơn, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Đông Triều, ngành than sẽ phải đối mặt với sự thay đổi mạnh mẽ trong tương lai. "Với tuổi thọ của các nhà máy nhiệt điện chỉ khoảng 30 năm, sau khoảng 19 năm, công nhân sẽ gặp phải nguy cơ thất nghiệp khi Việt Nam đang hạn chế các dự án nhiệt điện và ưu tiên năng lượng tái tạo", ông Sơn cho biết.
Để thích nghi, công nhân cần phải nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo lại để có thể chuyển sang các ngành nghề khác. Tuy nhiên, đối với những công nhân lớn tuổi hoặc ít kỹ năng, việc tiếp cận các chương trình đào tạo lại và chuyển nghề sẽ gặp khó khăn.
Cơ hội từ sự chuyển đổi
Mặc dù việc chuyển đổi năng lượng mang lại thách thức, nhưng cũng không thiếu cơ hội cho những công nhân có trình độ cao và khả năng thích ứng. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam cho thấy, lao động ngành than có xu hướng giảm về số lượng nhưng tăng về chất lượng, phù hợp với xu hướng chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững.
Bà Vũ Chi Mai, cố vấn cấp cao Dự án toàn cầu Chuyển dịch năng lượng tại các vùng than của Tổ chức Sáng kiến Khí hậu quốc tế (IKI) nhận định, ngành than Việt Nam sẽ chuyển từ khai thác than truyền thống sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn, như chế biến sâu và các dịch vụ liên quan.
Điều này sẽ đòi hỏi lực lượng lao động chất lượng cao, bao gồm các kỹ sư khai thác mỏ, chuyên gia tự động hóa và quản lý môi trường, cũng như các kỹ năng liên quan đến vận hành thiết bị khai thác mỏ hiện đại.
Bà Mai cho rằng, việc phát triển ngành than theo hướng này sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến người lao động, đồng thời tạo ra lực lượng lao động có trình độ cao, dễ thích ứng hơn với yêu cầu công việc trong tương lai. Các công nhân hiện tại có thể nâng cao kỹ năng để tham gia vào ngành năng lượng tái tạo, với tiềm năng thu nhập và điều kiện làm việc tốt hơn.
Câu chuyện chuyển đổi ngành than không chỉ diễn ra tại Việt Nam. Tại Đức, nơi ngành than sẽ giảm mạnh khi nước này dự kiến sẽ từ bỏ hoàn toàn năng lượng than vào năm 2030, nhiều công nhân đã chuyển sang làm việc trong ngành năng lượng tái tạo và điện.
Theo ông Timon Wehnert - chuyên gia về chuyển dịch năng lượng của Viện nghiên cứu Wuppertal về khí hậu, môi trường và năng lượng (Đức), mặc dù số lượng công nhân ngành than giảm, nhiều người vẫn tiếp tục làm việc trong các công ty cũ, nhưng chuyển sang công việc liên quan đến năng lượng tái tạo hoặc lưới điện.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi năng lượng được thực hiện đúng hướng sẽ mở ra cơ hội lớn cho lực lượng lao động có trình độ, cũng như tạo ra các ngành nghề mới phục vụ năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi một chiến lược đào tạo nghề bài bản và sự hỗ trợ của các chương trình chính sách để giúp người lao động thích ứng và duy trì công việc trong bối cảnh mới.