Giúp công nhân tránh bẫy 'tín dụng đen'
Thời gian qua, các đối tượng hoạt động 'tín dụng đen' sử dụng nhiều phương thức và thủ đoạn hết sức tinh vi. Đặc biệt, các đối tượng cho vay lãi nặng thường tập trung vào những người gặp khó khăn, có thu nhập thấp, nhất là công nhân lao động.
Chương trình Điểm hẹn công nhân với chủ đề “Tài chính thông minh, tránh bẫy tín dụng đen, giải pháp thay thế từ phía ngân hàng” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh phối hợp Tạp chí Lao động - Công đoàn tổ chức mới đây đã giải đáp, chia sẻ rõ hơn các thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen” và giải pháp vay vốn cho người lao động (NLĐ).
Giúp người lao động cảnh giác với “tín dụng đen”
Tại chương trình, các đại biểu khách mời gồm đại diện Công an tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và LĐLĐ tỉnh đã giải đáp cụ thể các vấn đề công nhân quan tâm như: vấn nạn “tín dụng đen”, chiêu trò lừa đảo vay tiền qua ứng dụng (app) trên điện thoại, giải pháp phòng tránh “tín dụng đen’, cách nhận diện, phòng ngừa các loại tội phạm…
Trả lời câu hỏi của công nhân về cách làm thế nào để NLĐ nhận biết được đâu là tổ chức tín dụng cho vay hợp pháp, đại diện Công an tỉnh cho biết, hiện hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp luôn có số điện thoại liên hệ cụ thể và có nhân viên tư vấn rõ ràng. Các tổ chức tín dụng được giới thiệu đến NLĐ thông qua các cấp Công đoàn hoặc những hình thức hợp pháp khác. NLĐ được tư vấn thủ tục đầy đủ, được nghiên cứu cũng như giữ một bản hợp đồng tín dụng theo quy định.
Thông qua Chương trình Điểm hẹn công nhân, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh kêu gọi đoàn viên, NLĐ hết sức cảnh giác với “tín dụng đen” nhằm giữ gìn an ninh trật tự, quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp và có cuộc sống bình yên.
Đối với hoạt động “tín dụng đen”, thủ tục thường rất dễ dàng, đơn giản, thậm chí không cần thủ tục. Các đối tượng cho vay chủ động tìm đến NLĐ để giới thiệu, dụ dỗ. Đến khi ký hợp đồng vay, NLĐ lại không được giữ bản hợp đồng nào. Biểu hiện rõ nhất là lãi suất cho vay mập mờ và thường ở mức rất cao. Công an tỉnh khuyến cáo NLĐ nên tìm hiểu kỹ các thông tin về tổ chức tín dụng trước khi vay vốn để tránh những hậu quả về sau.
Một số cán bộ Công đoàn cơ sở nêu thực trạng, thời gian qua, bằng hình thức đòi nợ “khủng bố”, hoạt động “tín dụng đen” không chỉ gây ra những vấn đề phức tạp về tình hình an ninh trật tự, mà còn đẩy nhiều người vào cảnh nợ nần kéo dài. Nhất là với NLĐ có nguồn thu nhập bấp bênh, cuộc sống thiếu trước hụt sau, có lúc họ cần số tiền nhỏ để vượt qua khó khăn nhưng lại không tiếp cận được ngân hàng, tổ chức tín dụng do vướng các thủ tục rườm rà, phức tạp. Điều này đã tạo cơ hội cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” tiếp cận, dụ dỗ NLĐ “sa vào bẫy”.
Chị Lê Thị Nhung, làm việc bộ phận đảm bảo chất lượng của Công ty CP Hữu hạn Vedan Việt Nam, chia sẻ tham dự Chương trình Điểm hẹn công nhân rất ý nghĩa và phù hợp với thực tiễn đời sống NLĐ, nhất là khi vấn nạn “tín dụng đen” đang hoành hành, khiến nhiều người lâm vào cảnh khốn đốn.
“Qua chương trình, tôi có thêm những kiến thức bổ ích để giúp bản thân chủ động không sa vào “tín dụng đen”. Mong rằng, các cơ quan chức năng có những giải pháp hiệu quả ngăn chặn loại hình tội phạm này” - chị Nhung bộc bạch.
Tăng cường tuyên truyền cho người lao động
Báo cáo Nghiên cứu vấn đề tín dụng đen trong công nhân lao động, thực trạng và giải pháp do Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện cho thấy, có đến 54,8% NLĐ phải đi vay tiền do điều kiện kinh tế khó khăn; 20,2% NLĐ vay “tín dụng đen”. Với sức ép về nợ, nhiều công nhân phải xin nghỉ việc, mất việc làm hoặc tìm đến tổ chức Công đoàn kêu cứu…
Đồng Nai hiện có trên 1,2 triệu lao động, trong đó phần lớn là lao động nhập cư, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, nhu cầu vay vốn để phục vụ cuộc sống của NLĐ rất lớn. Đánh vào điểm yếu này, các loại tội phạm tìm cách tiếp cận công nhân khiến nhiều người bị ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cũng như việc làm. Do áp lực nợ nần, nhiều NLĐ từng bị hoảng loạn tinh thần khi bị các đối tượng đưa hình ảnh gia đình lên các trang mạng xã hội để bôi xấu danh dự và đe dọa. Kéo theo đó, một số cán bộ Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp cũng bị liên lụy.
Trước vấn nạn trên, hàng năm, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền về phòng, chống “tín dụng đen” trong các doanh nghiệp, các tổ tự quản nhà trọ công nhân với hàng ngàn NLĐ tham gia. Đồng thời, đẩy mạnh các kênh thông tin tuyên truyền của tổ chức Công đoàn để NLĐ nhận diện các hành vi, chiêu thức của đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, chủ động thực hiện nhiều giải pháp, khuyến khích công nhân đấu tranh phòng, chống tội phạm và không vướng vào tệ nạn xã hội.
Các cấp Công đoàn tỉnh đã dành nhiều nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần cải thiện đời sống NLĐ.
Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Bùi Thị Bích Thủy cho biết, các cấp Công đoàn đã đẩy mạnh các hình thức chăm lo để giảm bớt khó khăn cho NLĐ thông qua chương trình phúc lợi đoàn viên. Đồng thời, tăng cường giám sát các chế độ chính sách như: tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ, các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động. Đẩy mạnh xây dựng Mái ấm Công đoàn, hỗ trợ công nhân vay vốn ở những ngân hàng chính thống với lãi suất hợp lý.
Để giúp công nhân tránh xa vấn nạn “tín dụng đen”, yên tâm lao động sản xuất, tại Chương trình Điểm hẹn công nhân, LĐLĐ tỉnh đề nghị các cấp Công đoàn ngoài đẩy mạnh tăng cường các phúc lợi cần chủ động nắm chắc tình hình công nhân lao động từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Từ đó, kịp thời đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp để bảo vệ NLĐ.