Giúp chiến sĩ mới hòa nhập, tự tin phấn đấu
Sau hơn một tháng nhập ngũ, chiến sĩ mới (CSM) ở các đơn vị trong Binh chủng Công binh đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường quân ngũ. Đội ngũ cán bộ các cấp quan tâm động viên tạo điểm tựa tinh thần để CSM tự tin phấn khởi trong huấn luyện, rèn luyện và trưởng thành.
Khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm
“Ngày đầu chúng tôi về Lữ đoàn cảm nhận đơn vị đẹp như công viên. Thủ trưởng các cấp đón tiếp thân tình, tôi thấy thật gần gũi, ấm áp vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà”. Đó là những lời tâm sự của Binh nhì Nguyễn Hữu Việt, chiến sĩ Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 229 (Binh chủng Công binh) khi nhớ lại ngày đầu trong quân ngũ.
Vào đơn vị, Hữu Việt cùng đồng đội được cán bộ tận tình hướng dẫn những bài học đầu tiên như: Gấp xếp nội vụ, dọn dẹp vệ sinh, tập thể dục, kiểm tra sáng, sinh hoạt tổ 3 người... Cùng với đó, CSM được tham quan phòng truyền thống của đơn vị, Bảo tàng Công binh, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, qua đó hiểu thêm truyền thống Quân đội, Binh chủng Công binh... khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của bản thân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Chỉ huy Lữ đoàn 229 động viên chiến sĩ mới và gia đình trong chương trình giao lưu ngày đầu nhập ngũ.
Xa gia đình, mỗi đồng chí có những tâm trạng riêng. Để gắn kết, tạo động lực cho bộ đội yên tâm công tác, cán bộ các cấp đã quan tâm động viên, gần gũi chia sẻ. Trong câu chuyện với chúng tôi, Trung sĩ Khuông Văn Huy, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 7, Trung đội 3 (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 229) chia sẻ về những ngày đầu tiếp nhận CSM. Trường hợp khiến anh quan tâm đó là Binh nhì Dương Văn Ngà đã kết hôn trước khi lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong lúc đồng đội vui chơi, Ngà lại ngồi trầm tư một mình, ít giao lưu với mọi người.
“Nắm bắt được điều đó, tôi đã gần gũi tâm sự và biết Ngà nhớ vợ, lo cho gia đình gặp nhiều khó khăn. Tôi kể rằng mình cũng đã kết hôn rồi mới nhập ngũ, nhưng hãy đặt ra mục tiêu để phấn đấu thì mọi khó khăn sẽ vượt qua”, Tiểu đội trưởng Huy chia sẻ. Những lời động viên cùng sự giúp đỡ tận tình của tiểu đội trưởng đã giúp người chiến sĩ trẻ tự tin hòa nhập với đồng đội.

Nhiều câu chuyện ngày đầu nhập ngũ được chiến sĩ mới trong Lữ đoàn 249 chia sẻ với cán bộ, đồng đội.
Năm 2025, 6 đơn vị trong Binh chủng Công binh được giao nhiệm vụ huấn luyện CSM. Mỗi đơn vị có đặc thù công tác riêng vì thế lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã có những biện pháp giáo dục, quản lý chiến sĩ phù hợp. Sau giờ huấn luyện vất vả, CSM mong chờ dịp cuối tuần được gặp người thân. Thấu hiểu tâm lý đó, Lữ đoàn 229 bố trí khu vực đón tiếp gia đình CSM sạch đẹp, hội phụ nữ phục vụ nước uống cho thân nhân chiến sĩ, cán bộ trực tiếp thăm hỏi, nắm bắt tình hình phối hợp với gia đình trong quản lý giáo dục chiến sĩ. Tại Lữ đoàn 239, sau một tháng huấn luyện, 70 gia đình chiến sĩ đến thăm. Đơn vị tổ chức chương trình gặp mặt trong ngày nghỉ để gia đình tham quan đơn vị, xem bộ đội trình diễn các vũ điệu trong sinh hoạt tập thể, tập thể dục sáng, giao lưu văn nghệ, qua đó tạo sự gắn kết giữa chiến sĩ, đơn vị và gia đình.
Tuy mỗi người một điều kiện, hoàn cảnh, nhưng với tinh thần “đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ đều là anh em”, khi vào mái nhà chung CSM đều cảm nhận niềm vinh dự được công tác ở đơn vị có bề dày truyền thống, có doanh trại khang trang, chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp. Đại tá Nguyễn Văn Nghị, Chính ủy Lữ đoàn 229 cho biết: “Những ngày qua, các đồng chí đã khắc phục khó khăn ban đầu, hòa nhập với môi trường mới, nhanh chóng ổn định về mọi mặt. Đơn vị thực sự là nơi trao gửi niềm tin, gắn kết tình cảm cán-binh, tình đồng đội thân quý. Khi gắn bó với đơn vị, hòa mình cùng đồng đội mọi khó khăn sẽ vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Gia đình thứ hai đầm ấm, gắn kết
Để thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục CSM, Binh chủng Công binh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phát động phong trào và tổ chức hội thi mô hình học cụ, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Nhiều mô hình được áp dụng phục vụ hiệu quả quá trình công tác, học tập sinh hoạt của CSM. Sáng kiến tiêu biểu trong quản lý tư tưởng là “Hộp chia sẻ cảm xúc” của Lữ đoàn 239 được thiết kế dưới dạng nút bấm điện tử và đặt ở hành lang đơn vị. Bộ đội có thể tùy ý lựa chọn bấm nút các trạng thái cảm xúc trên thiết bị. Thông qua đó, cán bộ nắm được sơ bộ tình hình tư tưởng, tâm lý của bộ đội để có biện pháp quản lý tốt.

Chiến sĩ mới Lữ đoàn 239 được cán bộ đơn vị, gia đình quan tâm động viên tích cực trong công tác.
Để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí gắn với tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho bộ đội, Lữ đoàn 229 đã xây dựng mô hình “Nấc thang kiến thức”. Mô hình có câu hỏi theo các mức dễ, trung bình, khó, sau đó chọn chủ đề trả lời tạo không khí vui vẻ sau giờ huấn luyện. Ở Lữ đoàn 249, với mô hình “Tâm sự chiến sĩ”, nhiều đồng chí CSM đã mạnh dạn chia sẻ tâm tư tình cảm của bản thân qua những lá thư giúp chỉ huy có biện pháp nắm và giải quyết tư tưởng bộ đội hiệu quả.
Đại tá Nguyễn Đăng Chiến, Trưởng phòng Tuyên huấn (Cục Chính trị, Binh chủng Công binh) cho biết: “Đời sống tinh thần thoải mái là điều kiện thuận lợi để CSM tích cực trong công tác. Chính vì vậy, các đơn vị quản lý chiến sĩ quan tâm tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tập trung vào học các bài hát quy định của Quân đội, các vũ điệu trong sinh hoạt tập thể, thể dục, thể thao, giao lưu kết nghĩa, qua đó giúp bộ đội phát huy năng khiếu, hòa đồng trong môi trường tập thể”.

Chiến sĩ mới Lữ đoàn 239 được cán bộ đơn vị, gia đình quan tâm động viên tích cực trong công tác.
Nắm bắt nguyện vọng chung của CSM trong thời gian đầu nhớ nhà muốn liên lạc với người thân, các đơn vị thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình. Lữ đoàn 249 đã trang bị điện thoại di động đến đầu mối trung đội tạo điều kiện cho chiến sĩ có thể liên lạc được với gia đình, người thân, đồng thời thông báo công khai đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh kiến nghị của cán bộ, chiến sĩ. Đối với Lữ đoàn 279, lãnh đạo, chỉ huy các cấp luôn quan tâm gia đình chiến sĩ đã có vợ con, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đến nhà thăm hỏi, động viên.
Điều khiến các chiến sĩ ấn tượng và đọng lại nhiều cảm xúc chính là các đơn vị trong Binh chủng Công binh đều tổ chức chương trình giao lưu ngày đầu nhập ngũ, biểu dương tặng thưởng chiến sĩ có kết quả tốt trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là chương trình sinh hoạt tập thể vô cùng ý nghĩa khi cán bộ các cấp cùng CSM, quân nhân xuất ngũ, cựu chiến binh tham gia chia sẻ những kinh nghiệm trong huấn luyện, rèn luyện.
Một hình ảnh thật đẹp chúng tôi ghi nhận được khi hai bố con cùng công tác tại Lữ đoàn 249 tham gia chương trình giao lưu. Đại úy QNCN Hà Sỹ Thắng, nhân viên thao trường bắn, Phòng Tham mưu đã có 20 năm công tác tại Lữ đoàn. Niềm vui tiếp nối, năm 2025, Binh nhì Hà Mạnh Duy (con trai đồng chí Hà Sỹ Thắng) nhập ngũ vào Lữ đoàn 249. Đại úy QNCN Hà Sỹ Thắng chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi khi con trai quyết định nhập ngũ và rèn luyện tại đơn vị ghi dấu tuổi trẻ miệt mài phấn đấu và rèn luyện của tôi. Mong rằng con trai và các CSM sẽ tiếp nối truyền thống tích cực học rèn để ngày càng tiến bộ”.
Theo Đại tá Nguyễn Viết Cảnh, Phó chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Công binh: Sau tháng đầu huấn luyện, bằng những việc làm thiết thực, sự quan tâm chu đáo của đội ngũ cán bộ ở các đơn vị đã tạo niềm tin cho CSM về một gia đình thứ hai đầm ấm, gắn kết. Đó là động lực để mỗi CSM tự tin phấn đấu rèn luyện và từng bước trưởng thành trong môi trường quân ngũ. Theo đó, kết quả huấn luyện các nội dung trong chương trình huấn luyện CSM đến thời điểm này 100% nội dung đều đạt yêu cầu trở lên, hơn 80% khá, giỏi.