Giúp chị em 'giảm nghèo thông tin' thực chất hơn
Sự hạn chế về thiết bị, kỹ năng sử dụng công nghệ, rào cản ngôn ngữ số, gánh nặng cơm áo… đang khiến nhiều phụ nữ nông thôn, vùng sâu vùng xa dễ bị bỏ lại phía sau trong thời đại công nghệ số.

Bà Đặng Thị Minh Hồng (bên trái) - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ
Bà Đặng Thị Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ chia sẻ với PNVN về vấn đề này.
+ Hiện nay, tình trạng "nghèo thông tin" đang ảnh hưởng như thế nào tới đời sống của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại Tân Sơn, Phú Thọ, thưa bà?
Tân Sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ với 83,5% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, nhiều phụ nữ vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ với các nguồn thông tin thiết yếu, dẫn đến những hạn chế trong việc nắm bắt cơ hội phát triển bản thân và cải thiện cuộc sống gia đình.
Sự hạn chế trong tiếp cận thông tin về việc làm và các chương trình đào tạo nghề cũng làm giảm cơ hội cải thiện thu nhập, rơi vào vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Nhiều chị em ở vùng đặc biệt khó khăn chưa được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về khởi nghiệp, vay vốn, hay học nghề phù hợp với điều kiện địa phương.

Tình trạng "nghèo thông tin" không chỉ khiến phụ nữ thiệt thòi mà còn là rào cản lớn trong tiến trình phát triển bền vững của địa phương
Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc ít được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ khiến một số phụ nữ ở Tân Sơn dễ bị bỏ lại phía sau. Họ ít có cơ hội tham gia vào các hoạt động kinh tế số như bán hàng online, tiếp cận thị trường mới hay nâng cao kỹ năng số để phục vụ công việc.
Tình trạng "nghèo thông tin" không chỉ khiến phụ nữ thiệt thòi mà còn là rào cản lớn trong tiến trình phát triển bền vững của địa phương. Do đó, cần có các giải pháp cụ thể và thiết thực để nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho phụ nữ, đặc biệt là thông qua các tổ chức chính trị xã hội và các chương trình truyền thông tại cơ sở.
+ Theo bà, đâu là nguyên nhân sâu xa khiến nhiều phụ nữ tại địa phương vẫn chưa tiếp cận được thông tin hữu ích một cách đầy đủ và kịp thời?
Nguyên nhân thứ nhất, là do rào cản về trình độ học vấn và nhận thức. Thứ hai, là thiếu hạ tầng và phương tiện tiếp cận thông tin. Thứ ba, là hạn chế trong công tác truyền thông ở cơ sở. Thứ tư là thiếu sự chủ động kết nối từ phụ nữ và sự đồng hành từ gia đình. Thứ năm là khoảng cách trong việc triển khai chính sách hỗ trợ phụ nữ.
Mặc dù Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, vay vốn, đào tạo nghề… nhưng khâu triển khai đến cấp thôn, bản còn nhiều bất cập. Việc tuyên truyền còn có lúc có nơi chưa nhất quán. Một số cán bộ cơ sở thiếu nghiệp vụ, hoặc không nắm rõ thông tin, ngại khó, ngại va chạm, ngại học hỏi, không mạnh dạn "dám nghĩ, dám làm" cũng khiến các chính sách này ít phát huy hiệu quả trên thực tế.
Tóm lại, nguyên nhân sâu xa của tình trạng "nghèo thông tin" ở phụ nữ nông thôn không chỉ nằm ở điều kiện kinh tế hay hạ tầng, mà còn bắt nguồn từ rào cản văn hóa - xã hội, khoảng cách số và thiếu đầu tư vào truyền thông cơ sở theo hướng "gần dân - dễ hiểu - dễ áp dụng".

Qua các hoạt động của các tổ chức đoàn thể đã từng bước nâng cao ý thức, kỹ năng tiếp nhận và chọn lọc thông tin của phụ nữ nông thôn
+ Hội đã có những hoạt động cụ thể nào để "đưa thông tin đến gần hơn" với chị em, đặc biệt là người lao động phổ thông, người yếu thế ở vùng sâu vùng xa?
Từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN huyện Tân Sơn đã tích cực đổi mới hình thức truyền thông, gắn với nhu cầu thực tế của phụ nữ. Tổ chức các buổi truyền thông nhỏ, linh hoạt theo nhóm đối tượng cụ thể thay vì hội nghị lớn, dàn trải. Sử dụng nhiều bài truyền thông bằng tiếng dân tộc thiểu số, tổ chức các cuộc truyền thông lưu động về nội dung: Bình đẳng giới, kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em tại khu dân cư.
Hội LHPN huyện đã hướng dẫn thành lập 68 tổ truyền thông cộng đồng nhằm xây dựng và phát huy vai trò của "nhóm phụ nữ nòng cốt" ở cơ sở. Tăng cường ứng dụng công nghệ, kết hợp truyền thông số và truyền thông truyền thống. Phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ tổ chức lớp học "kỹ năng số cơ bản" cho phụ nữ về cách dùng điện thoại thông minh, tra cứu thông tin, bán hàng online, tham gia mạng xã hội an toàn.
Cùng với đó là tập huấn nâng cao năng lực cho phụ nữ tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng. Phổ biến kiến thức về thương mại điện tử và tập huấn kỹ năng chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm; nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh - tiêu dùng bền vững; thực hành phân loại - tái chế - tái sử dụng rác thải tại nguồn và phát động phong trào "Phụ nữ sống xanh, cùng bảo vệ môi trường" tại huyện cho gần 1.000 cán bộ hội viên, phụ nữ.
Qua các hoạt động, từng bước nâng cao ý thức, kỹ năng tiếp nhận và chọn lọc thông tin của phụ nữ nông thôn; tạo chuyển biến thực chất về năng lực làm chủ thông tin trong đời sống hàng ngày; góp phần giảm nghèo đa chiều, thúc đẩy bình đẳng giới, và tăng quyền năng cho phụ nữ tại địa phương.
+ Việc ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền hiện nay có gặp khó khăn gì trong quá trình triển khai tới chị em phụ nữ trung niên, lớn tuổi không?
Đó là rào cản kỹ năng và tâm lý sử dụng công nghệ. Phụ nữ trung niên và cao tuổi thường khó làm quen với điện thoại cảm ứng, sợ bấm nhầm, ngại hỏi, hoặc không nhớ cách dùng ứng dụng. Có trường hợp dùng zalo để nghe gọi, nhưng không biết mở file, xem video, đọc bài viết được chia sẻ trên nhóm. Thiếu thói quen tiếp cận thông tin chủ động. Nhiều chị em chưa có thói quen học tập online, không biết tìm kiếm thông tin trên mạng, hoặc dễ bị rối trước lượng thông tin lớn, khó phân biệt đâu là đúng, sai.
+ Trong thời gian tới, Hội có kế hoạch gì để đổi mới cách làm, nâng cao hiệu quả truyền thông, giúp chị em "giảm nghèo thông tin" thực chất hơn?
Đổi mới cách thức tổ chức các buổi truyền thông nhỏ, theo nhóm đối tượng cụ thể; tăng cường sử dụng hình thức dễ hiểu như kịch ngắn, tiểu phẩm, phim tài liệu địa phương. Truyền thông bằng tiếng dân tộc tại các xã có đồng bào thiểu số. Tuyển chọn, đào tạo chị em có uy tín, nói được tiếng dân tộc, để lan tỏa thông tin đến từng thôn bản. Phát huy tinh thần "phụ nữ giúp phụ nữ", ai biết chia sẻ cho người chưa biết. Tăng cường hơn nữa việc mở các lớp tập huấn "kỹ năng số cơ bản" cho hội viên. Kêu gọi hỗ trợ điện thoại thông minh, điểm truy cập Internet miễn phí cho phụ nữ nghèo.
Nhìn chung, giảm nghèo thông tin cho phụ nữ không chỉ là cung cấp thêm kiến thức, mà là giúp họ tự tin tiếp cận, hiểu và áp dụng thông tin vào cuộc sống, từ đó nâng cao vị thế, tăng thu nhập, bảo vệ quyền lợi của bản thân và gia đình.