Giữ 'vị ngọt' cho mía đường - Bài cuối: Nhìn xa, nghĩ sâu, làm lớn
Nhiều người vẫn có suy nghĩ trồng mía chỉ để ép lấy đường, nhưng thực tế ngành mía đường đang chuyển mình theo hướng đa dạng hóa sản phẩm và tối ưu giá trị từ cây mía.

Chị Nguyễn Thị Linh (xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt để nâng cao năng suất mía. Ảnh: Tường Quân/TTXVN
Thay vì chỉ tập trung vào sản xuất đường, các doanh nghiệp mía đường ở miền Trung - Tây Nguyên hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng tối đa tất cả các thành phần của cây mía để tạo ra nhiều giá trị hơn.
Cánh đồng mía công nghệ cao
Nút thắt lớn nhất khiến cho đường Việt Nam khó cạnh tranh là chi phí sản xuất mía nguyên liệu cao. Những rẫy mía nhỏ lẻ, manh mún gây khó cho việc áp dụng cơ giới hóa, hạn chế ứng dụng khoa học kỹ thuật. Điều này khiến chi phí sản xuất tăng nhưng năng suất và chất lượng nguyên liệu lại không đồng đều… Xây dựng cánh đồng mía lớn là cần thiết để phát triển vùng nguyên liệu ổn định; xây dựng nền nông nghiệp quy mô và hiện đại.
Tại tỉnh Gia Lai, mô hình cánh đồng mía lớn được triển khai giúp nông dân thuận lợi tiếp cận với cơ giới hóa và kỹ thuật canh tác tiên tiến. Anh Đinh Hyon (làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã “hái được quả ngọt” nhờ cây mía từ khi tham gia cánh đồng lớn. Với 3 ha mía, gia đình anh được hỗ trợ cơ giới hóa từ khâu trồng đến thu hoạch, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất. Nhờ đó, vụ mía năm nay, gia đình anh thu hoạch khoảng 200 tấn mía nguyên liệu, với mức giá như hiện nay, gia đình anh có lãi khoảng 100 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng lúa hay khoai mì (sắn).
Theo Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê Nguyễn Hoàng Phước, đơn vị đã triển khai 4 chương trình lớn gồm cơ giới hóa, hóa học hóa, sinh học hóa và tối ưu hóa quản lý. Nhờ đó, năng suất mía trong vùng tăng từ 50 tấn/ha lên gần 80 tấn/ha, thậm chí còn đạt hơn 100 tấn/ha ở những khu vực áp dụng công nghệ cao. Ngoài ra, nhà máy còn áp dụng công nghệ số hóa vào quản lý vùng nguyên liệu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Nhà máy đường An Khê đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mua 350 máy cày, hàng trăm thiết bị chăm sóc và 8 máy thu hoạch liên hợp, giúp tối ưu hóa từng công đoạn sản xuất trong chuỗi liên kết.
Vụ mía 2024 - 2025, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (gọi tắt là KCP) tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ nhằm phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía tại Phú Yên. KCP cung cấp hơn 500 tỷ đồng vốn vay không lãi suất cho nông dân trồng mía trên diện tích 7.000 ha, giúp giảm gánh nặng tài chính và khuyến khích mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào việc xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng; hướng dẫn nông dân trồng mía có tưới và sử dụng giống mía năng suất cao như KK3, KK88-92, K83-29.
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Yên cho biết, nhằm nâng cao chất lượng và tăng năng suất mía nguyên liệu, các cơ quan chuyên môn thực hiện chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác vào sản xuất mía, áp dụng rộng rãi quy trình canh tác, phòng trừ sâu bệnh theo hướng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM). Một số địa phương đã xây dựng các vùng thâm canh mía tập trung, quy mô lớn để ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất và các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững, tăng năng suất, chất lượng và giảm được chi phí sản xuất.
Gia tăng giá trị từ cây mía
Để nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững ngành mía đường, việc gia tăng giá trị từ cây mía là yếu tố quan trọng. Thay vì chỉ tập trung vào sản xuất đường, cần mở rộng chuỗi giá trị bằng cách khai thác tối đa các sản phẩm phụ và ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến sâu. Các sản phẩm này không chỉ chống lãng phí mà còn mở ra cơ hội kinh doanh mới, nâng cao sức cạnh tranh.
Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam được đánh giá là doanh nghiệp trong nhóm tốp đầu của ngành công nghiệp mía đường Việt Nam về sản lượng và chất lượng, về uy tín và hiệu quả trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Theo ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KCP Việt Nam, với sản phẩm có chất lượng cao và ổn định, KCP đã trở thành nhà cung cấp đường truyền thống của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nước giải khát và thực phẩm. Đặc biệt, đường tinh luyện cao cấp được đăng ký với các chỉ tiêu tốt nhất trong số các loại đường tại Việt Nam.
Ngoài các sản phẩm đường, nhà máy đường KCP là một trong những doanh nghiệp tiên phong ở tỉnh Phú Yên trong việc tận dụng bã mía để sản xuất điện sinh khối, góp phần gia tăng giá trị từ cây mía và phát triển bền vững ngành mía đường. Nhà máy điện sinh khối KCP có tổng công suất thiết kế 60 MW với tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án hoàn thành đạt công suất 30 MW và sản lượng điện hàng năm hơn 70 triệu kWh. Giai đoạn 2 được triển khai song song với việc nâng công suất nhà máy chế biến mía đường lên 10.000 tấn mía cây/ngày, dự kiến nâng tổng công suất nhà máy điện sinh khối lên 60 MW. Với nhiều chính sách đầu tư dài hạn, KCP tiếp tục thực hiện những dự án trong tương lai như: triển khai xây dựng nhà máy cồn ethanol với công suất 60.000 lít/ngày, mở rộng nhà máy đường Đồng Xuân lên 6.000 tấn cây/ngày.
KCP đang mang lại thu nhập ổn định cho khoảng 10.000 hộ nông dân trồng mía với diện tích trồng mía trên 20.000 ha; hơn 700 công nhân viên làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp; gián tiếp làm lợi cho hàng ngàn hộ nông dân làm dịch vụ nông nghiệp và dịch vụ vận chuyển.
Nhà máy đường An Khê ở tỉnh Gia Lai đang có những định hướng lớn trong phát triển khi dự kiến thu mua 3 - 3,2 triệu tấn mía nguyên liệu để sản xuất 300.000 tấn đường RS, 30.000 tấn đường vàng và 100.000 tấn đường RE. Sản lượng đường do nhà máy sản xuất chiếm 30 - 35% lượng đường cả nước. Không dừng lại ở việc nâng công suất ép từ 18.000 tấn mía/ngày hiện nay lên 25.000 tấn mía/ngày, doanh nghiệp này đang đề xuất UBND tỉnh Gia Lai cấp phép xây dựng Nhà máy Ethanol tận dụng mật rỉ để sản xuất cồn; nâng công suất Nhà máy Điện sinh khối từ 95MW lên 135MW.
Với cụm công nghiệp mía - đường - điện như trên đi vào hoạt động hiệu quả sẽ giải quyết hết lượng mía cho bà con nông dân kịp thời vụ, giảm tổn thất mía sau thu hoạch, mía tái sinh gốc tốt, giúp nâng cao và duy trì ổn định hiệu quả bền vững cho người trồng mía. Khi hoạt động sản xuất tốt, doanh nghiệp nộp ngân sách cho địa phương trên 500 tỷ đồng, nếu mức thuế VAT tăng từ 5% lên 10% cho ngành mía đường thì tiền nộp ngân sách tăng lên 1.000 tỷ đồng/năm.
Sự đồng thuận của người trồng mía cho đến chính quyền và doanh nghiệp cho thấy tất cả đã nhận ra vấn đề cốt yếu để ngành mía đường tìm lại được “vị ngọt”. Cây mía nguyên liệu có thể tạo nên một chuỗi giá trị khép kín với các sản phẩm đường, điện sinh khối, ethanol, phân bón hữu cơ,... đúng theo nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh. Vấn đề đặt ra là cần gấp rút triển khai những dự định này chứ không chỉ dừng lại ở chủ trương. Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên, ngành mía đường mới có thể phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.