Giữ nhịp cồng chiêng giữa đại ngàn
Hơn 60 năm theo đuổi niềm đam mê cồng chiêng, nghệ nhân Hồ Song Hào (74 tuổi), ở thôn Xóm Mới, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, không chỉ nắm vững kỹ năng và sử dụng điêu luyện mà còn tích cực tham gia vào việc truyền dạy, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Nhiều thế hệ trẻ ở vùng miền núi phía Tây huyện Vĩnh Linh nhờ sự hướng dẫn, dìu dắt của ông đã biết sử dụng cồng chiêng một cách thành thạo và lan tỏa niềm đam mê nhạc cụ, khí nhạc của dân tộc mình.
Thời thơ bé trót say nhịp cồng chiêng
Bao đời nay, trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô giữa đại ngàn Trường Sơn, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn được xem là “thần coi bản”, là biểu tượng của sự giàu có ở mỗi gia đình, sự hùng mạnh của mỗi buôn làng. Những làn điệu, nhịp điệu cồng chiêng như là thứ ngôn ngữ giao tiếp siêu nhiên của con người với thế giới thần linh. Tiếng vang vọng của cồng chiêng truyền tải nỗi lòng, lời nguyện cầu về cuộc sống đầy đủ, ấm no, bình an, hạnh phúc của con người đến thế giới tâm linh .
Sinh ra và lớn lên tại vùng miền núi xã Vĩnh Ô nên từ bé, ông Hào thường xuyên thấy người trong thôn, bản mình sử dụng cồng chiêng vào các dịp tết, lễ hội, việc hiếu, hỉ. Những âm điệu trầm bổng từ cồng chiêng đã có sức cuốn hút ông từ thuở bé và từ đó niềm đam mê nhạc cụ, khí nhạc dân tộc lớn dần trong ông. Cứ mỗi khi trong thôn, xã tổ chức lễ hội, ông Hào lại theo chân đội biểu diễn cồng chiêng để xem, học hỏi.
Ngày ấy, vì còn nhỏ nên ông Hào chưa được phép sử dụng cồng chiêng nhưng vì quá đam mê, ông đành sử dụng những dụng cụ như ván gỗ, tôn để mô phỏng hình dáng nhạc cụ và một mình luyện tập hăng say.
Vốn là người thông minh, lanh lợi, lại có năng khiếu và đam mê âm nhạc, nhạc cụ truyền thống của dân tộc nên chỉ vài năm tập luyện một mình, ông Hào đã thể hiện gần như đúng làn điệu, nhịp điệu mà các nghệ nhân thường biểu diễn. Mãi đến năm 13 - 14 tuổi, ông mới chính thức được theo chân những bậc cao niên trong bản để học cách chơi cồng chiêng và thừa hưởng những kỹ năng mà thế hệ ông cha truyền dạy lại.
Năm 1969, ông Hào được cử đi học trung cấp sư phạm tại Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh nên tạm gác lại niềm đam mê nghiên cứu cồng chiêng. Năm 1972, ông Hào được bố trí lên vùng Hướng Lập, huyện Hướng Hóa để dạy tiểu học. Tại đây, ông tích cực tập luyện, nghiên cứu những cái hay, nét mới trong sử dụng cồng chiêng.
“Bố mất sớm, đến năm 1979, mẹ tôi đau nặng, các em còn quá nhỏ dại nên tôi quyết định xin nghỉ dạy học về phụ giúp gia đình. Trở về quê, tôi được bầu làm trưởng thôn, công an viên và đến năm 1998 chuyển sang làm cán bộ tư pháp xã. Năm 2014, tôi về nghỉ theo chế độ. Từ ngày rời xã Hướng Lập trở về quê đến nay, tôi lại càng say mê tìm hiểu, có điều kiện nghiên cứu kỹ hơn những làn điệu, nhịp điệu, kỹ năng sử dụng cồng chiêng mà thế hệ cha ông truyền lại. Từ nhỏ tôi đã xem cồng chiêng như là một phần cuộc sống và sẽ nỗ lực để những thế hệ trẻ nối tiếp mình giữ lấy nhịp cồng chiêng cho mai sau”, nghệ nhân Hồ Song Hào chia sẻ.
Hằng chục năm nay, nghệ nhân Hồ Song Hào luôn tham gia biểu diễn cồng chiêng, thanh la, trống trong những ngày hiếu, hỉ trong thôn, xã. Ông thấy vui khi thế hệ trẻ không để văn hóa, nhạc cụ, khí nhạc truyền thống mai một dần. Và điều đó đã thôi thúc ông ngày càng nỗ lực hơn trong việc truyền dạy các kỹ năng sử dụng cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong xã, trong vùng .
Để tiếng cồng chiêng vang mãi
Vốn xuất thân là thầy giáo nên ông Hào đã ứng dụng linh hoạt kỹ năng sư phạm trong biên soạn “giáo án” dạy cồng chiêng và tham mưu, bàn bạc kỹ lưỡng với cấp ủy, chính quyền xã Vĩnh Ô trong việc giữ gìn, phát huy khí nhạc, nhạc cụ truyền thống của dân tộc.
Nhờ đó, Đội biểu diễn cồng chiêng xã Vĩnh Ô được thành lập dưới sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của UBND xã đã nhiều năm nay. Hiện đội có khoảng 30 thành viên, trong đó phân công cụ thể từng người sử dụng trống, cồng chiêng, thanh la, đội múa. Nghệ nhân Hồ Song Hào là người có vai trò quan trọng trong Đội biểu diễn cồng chiêng xã Vĩnh Ô.
Điều đầu tiên, ông muốn nhắn nhủ đến các thành viên trong đội lẫn người dân, đặc biệt là các bạn thanh niên đó là sự tôn trọng “thần coi bản”. Theo đó, trước khi mang cồng chiêng ra tập luyện dài ngày, đi biểu diễn, phục vụ lễ hội, việc hiếu, hỉ đều phải tuân thủ quy định cúng chiêng. Lễ vật cúng chỉ con gà, chai rượu nhưng phải chỉnh tề, trang nghiêm, thần kính. Khi không đánh chiêng nữa, chủ nhà hoặc già làng, các thành viên trong đội được giao nhiệm vụ đem chiêng vào treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Và nét đẹp ấy luôn được thế hệ trẻ tiếp thu, thực hiện từ nhiều năm nay.
Cồng chiêng có nhiều bài và nhịp điệu cũng khác nhau theo từng ngữ cảnh sử dụng nhưng tựu trung vào dịp lễ hội thì nhịp điệu vui mừng, hoan hỉ; vào dịp cúng tế thì nhịp điệu trang nghiêm, thần kính. Đa số các bạn trẻ chỉ thích đánh cồng chiêng ngẫu hứng, không theo nguyên tắc nào và cách sử dụng này chỉ hợp với phần hội vui tươi.
Từ thực tế đó, ông Hào đã “biên soạn” ra nhiều bài dạy linh hoạt, phù hợp với mục đích để các bạn trẻ có thể sử dụng thành thạo các bài, nhịp điệu cồng chiêng, biết cách sử dụng cho đúng nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống. “Để dạy cho các bạn trẻ đánh cồng chiêng thành thạo thì trước hết phải khơi dậy được niềm say mê cồng chiêng. Từ đó các cháu sẽ hăng hái và tích cực tham gia.
Những bài cồng chiêng đã thực sự đánh thức tâm hồn, niềm tự hào về văn hóa truyền thống dân tộc trong nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên. Nhiều năm nay, nhịp cồng chiêng kết hợp với các điệu múa ngày càng thu hút nhiều người tham gia và tăng tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong bản làng, khu dân cư. Điều đó càng khiến tôi nỗ lực hơn nữa để truyền dạy hết kỹ năng trong sử dụng cồng chiêng cho thế hệ trẻ, để mai này tiếng cồng chiêng sẽ vang vọng mãi giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ”, ông Hào chia sẻ.
Nhiều năm qua, nghệ nhân Hồ Song Hào không chỉ truyền dạy cách sử dụng, nét đẹp văn hóa cồng chiêng cho các thành viên trong Đội biểu diễn cồng chiêng xã Vĩnh Ô và người dân trong thôn, xã lẫn con cháu, anh em trong gia đình, dòng họ mà còn ngược xuôi khắp các bản làng, thôn xóm ở xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê (huyện Vĩnh Linh) với mong muốn lưu giữ, lan tỏa văn hóa cồng chiêng mà cha ông để lại.
Với tâm huyết này, rồi mai kia hình ảnh những chàng trai, cô gái, người già, trẻ nhỏ trên khắp các bản làng miền núi phía Tây Quảng Trị cùng nắm tay nhau ca hát theo nhịp cồng chiêng rộn ràng, chào đón những vụ mùa bội thu, chào mừng quê hương đổi mới, ấm no sẽ không còn hiếm hoi nữa...