Giữ nét truyền thống trong Lễ hội Lồng Tồng Phủ Thông tại Bắc Kạn
Ngày 17/2 (tức ngày 20 tháng Giêng), Lễ hội Lồng Tồng Phủ Thông diễn ra tại huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Đây là một trong những lễ hội còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc địa phương.

Hội Lồng Tồng Phủ Thông mở đầu bằng nghi thức rước Thần từ ngôi đền Slấn Slảnh. Tương truyền, đây là đền thờ một vị tướng họ Dương được triều đình cử đến giúp dân đánh tan giặc cướp và tử trận trong trận chiến ác liệt tại cánh đồng Nà Phải.

Để nhớ công ơn của vị tướng đã dẹp giặc, giữ yên cuộc sống, nhân dân đã lập đền thờ và ngày hội Lồng Tồng hàng năm cũng tổ chức chính vào ngày vị tướng này hy sinh. Lễ vật dâng cúng gồm lợn quay, gà luộc, xôi, bánh, hoa quả… đều là những sản vật nông nghiệp của người dân địa phương.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đình Kim, ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Lễ đền Slấn Sảnh và Lồng Tồng này là để biết ơn, tôn vinh những người đã có công gìn giữ, khai phá mảnh đất này. Thông qua phần hội để tôn vinh, gìn giữ nét đẹp văn hóa của mình và cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa mang tươi tốt, bội thu, 1 năm mạnh khỏe, làm ăn phát đạt…".

Hội Lồng Tồng Phủ Thông còn nổi bật với các phần thi trình diễn trang phục truyền thống; các màn biểu diễn nghệ thuật mang đậm nét văn hóa đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao. Đặc biệt, lễ hội năm nay có màn biểu diễn sluông chầu của người Tày do 120 nghệ nhân, học sinh biểu diễn. Múa sluông hay còn gọi là múa chầu then, là một phần quan trọng trong thực hành diễn xướng Hát Then đàn tính và được dùng chủ yếu trong các buổi nghi lễ, cấp sắc, cầu mùa, chúc thọ…

Nghệ nhân Mã Thị Dạy, người sưu tầm và dàn dựng màn múa chầu tại lễ hội nói: “Điệu múa sluông chầu này là của cộng đồng dân tộc Tày mà từ xa xưa các cụ vẫn truyền cho con cháu. Tôi là người con dân tộc Tày may mắn được kế thừa di sản văn hóa phi vật thể này. Thời gian gần đây, điệu múa này vẫn tồn tại duy trì, phát triển trong cộng đồng những ít được xuất hiện, biểu diễn ở chương trình lớn nên tôi đã đề xuất đưa vào giới thiệu tại lễ hội này để lan tỏa, và cùng với hát then để được công nhận là di sản của địa phương”.

Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động sôi nổi như các trò chơi dân gian tung còn, đi cà kheo, đẩy gậy, bịt mắt bắt dê, giới thiệu các đặc sản địa phương...

Đông đảo người dân, du khách đến với hội xuân. Đây cũng là lễ hội xuân lớn cuối cùng tại Bắc Kạn trong năm Ất Tỵ 2025.

Thi kéo co

Thi đi cà kheo

Hàng vạn du khách đến với lễ hội