Giữ nét đẹp của Tết trồng cây
Sau những ngày Tết sum họp bên gia đình, người thân, bè bạn, đã đến lúc chúng ta quay trở lại nhịp sống thường nhật. Và một trong những công việc mà có lẽ nhiều người nghĩ đến khi những làn mưa xuân lất phất bay là việc 'trồng cây gây rừng', góp phần bảo vệ 'lá phổi xanh' của chúng ta.
![Đoàn viên thanh niên huyện Đại Từ chăm sóc cây xanh tại Khu di tích lịch sử 27-7, thị trấn Hùng Sơn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_04_458_51390642/5961d6a5e8eb01b558fa.jpg)
Đoàn viên thanh niên huyện Đại Từ chăm sóc cây xanh tại Khu di tích lịch sử 27-7, thị trấn Hùng Sơn.
Cũng như tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh, công tác chuẩn bị cho “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025 gắn với việc thực hiện Đề án "Trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025" của Chính phủ đã được các cơ quan chuyên môn của huyện Đại Từ lên hoạch chu đáo từ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Bởi thế ra Xuân, khi những làn mưa bụi bắt đầu giăng mờ không gian, tưới ẩm mặt đất cũng là lúc người người, nhà nhà đều có thể trồng các loại cây xanh, trồng hoa...
Việc trồng cây trước tiên là trên tinh thần tự giác, tự nguyện của mỗi cá nhân, tập thể, có thể trồng cây ngay tại vườn nhà mình hoặc tại công sở, nơi công cộng, lớn hơn là "trồng cây gây rừng", góp phần bảo vệ “lá phổi xanh” của chúng ta, ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu, chống xói mòn đất, lụt lội, lũ cuốn. Việc trồng rừng sản xuất còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế gia đình bền vững…
Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua, hoạt động "trồng cây gây rừng" ở huyện Đại Từ đã phát triển thành phong trào sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đơn cử trong năm 2024, toàn huyện đã trồng mới được hơn 659ha rừng tập trung và trên 235 nghìn cây phân tán; trồng 45ha rừng phòng hộ, đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Việc khai thác gỗ tại những diện tích rừng đủ tuổi cũng đạt kết quả cao, với trên 604ha rừng được khai thác theo đúng quy định, sản lượng gỗ đạt gần 60 nghìn m3. Cũng trong năm 2024, trên địa bàn huyện không để xảy ra cháy rừng…
Năm 2025, huyện Đại Từ có hoạch trồng 400ha rừng sản xuất; 200 nghìn cây phân tán. Hiện nay, các xã, thị trấn trong huyện đăng ký trồng rừng sản xuất với diện tích trên 116ha, trong đó có một số xã đăng ký với diện tích lớn như Yên Lãng đăng ký trồng 22,7ha rừng; Tân Linh 29,5ha; Tân Thái 20,8ha; Phục Linh 15,5ha…
![Đoàn viên thanh niên huyện Đại Từ trồng hoa tại khuôn viên Quảng trường 27-7.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_04_458_51390642/4d22c0e6fea817f64eb9.jpg)
Đoàn viên thanh niên huyện Đại Từ trồng hoa tại khuôn viên Quảng trường 27-7.
Để công tác trồng rừng đạt kết quả cao, ngay từ cuối năm, đơn vị chức năng đã thực hiện rà soát các diện tích đủ điều kiện đưa vào trồng rừng theo chương trình dự án; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chủ động trồng rừng và trồng cây xanh; triển khai rà soát, kiện toàn các ban chỉ đạo phát triển lâm nghiệp bền vững, ban lâm nghiệp và các tổ quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng thôn, xóm khi có thay đổi về nhân sự…
Ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ, cho biết: Huyện Đại Từ có tổng diện tích tự nhiên hơn 56.900ha, trong đó diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là hơn 26.091ha. Rừng và đất lâm nghiệp được phân chia theo 3 loại: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, trong đó rừng trồng chiếm diện tích lớn, loại cây trồng chủ yếu là keo; rừng tự nhiên tập trung ở các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác trồng và phát triển rừng sản xuất của huyện cũng gặp phải một số khó khăn, như: cơ cấu cây trồng chưa đa dạng dẫn đến năng suất, giá trị rừng trồng thấp, sản phẩm chủ yếu là gỗ nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ lớn cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu…
Để phát huy thế mạnh, hiệu quả kinh tế từ rừng sản xuất; bảo vệ diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; phủ xanh diện tích đất trống bằng cây phân tán…, năm 2025, huyện tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tận gốc; tích cực trồng, chăm sóc rừng và thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng; giữ ổn định độ che phủ rừng trên 46%; tếp tục triển khai trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lâm sản; tiếp tục thực hiện các bước của lộ trình cấp chứng chỉ rừng FSC, dự kiến năm nay sẽ có khoảng 5.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC…
“Mùa Xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” - thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, huyện Đại Từ đang gấp rút chuẩn bị cho “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” gắn với việc thực hiện Đề án Trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, với một khí thế hào hứng, vui vẻ, tích cực, bởi mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể người dân đã nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng, ý nghĩa cũng như thế mạnh kinh tế mà rừng mang lại. “Tấm áo xanh” sẽ ngày càng dày dặn, thắm sắc, xanh tươi mãi mãi theo thời gian…