Giữ nếp nhà ngày Tết

Tết Nguyên đán luôn được coi là ngày lễ truyền thống lớn nhất, lâu đời nhất của dân tộc ta. Tết là dịp để đoàn viên, là dịp để mọi người trở về sau thời gian dài học tập, làm việc xa nhà. 'Về quê ăn Tết' là về với cội nguồn, là truyền thống tốt đẹp bao đời của dân tộc Việt. Trải qua thăng trầm, biến cải của thời gian cũng như nhiều đổi thay của cuộc sống hiện đại, nhưng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ngày Tết vẫn đang được nhiều thế hệ trong các gia đình gìn giữ, kế thừa và phát huy.

Nhiều gia đình giữ nếp đi lễ Đền Trần, du xuân ngày đầu năm mới. (Ảnh: Khánh Dũng)

Nhiều gia đình giữ nếp đi lễ Đền Trần, du xuân ngày đầu năm mới. (Ảnh: Khánh Dũng)

Với nhiều người Việt, Tết không chỉ là thời khắc tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới với bao niềm tin, hy vọng mà còn là dịp để gìn giữ những hương vị truyền thống. Chị Nguyễn Tâm Đan, đường Lương Văn Can (thành phố Nam Định) đã có gia đình riêng hơn 20 năm nhưng dịp Tết năm nào gia đình chị cũng sắp xếp về quê ở xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) để phụ giúp ông bà dọn nhà, gói bánh chưng, trang trí nhà cửa đón Tết. Chị chia sẻ, gói bánh chưng đã trở thành hoạt động thông lệ hàng năm của gia đình, từ khi chị còn nhỏ. Vào khoảng ngày 26, 27 tháng Chạp, bố mẹ chị sẽ tổ chức gói bánh chưng để con, cháu về quây quần. Người rửa lá dong, người vo gạo, người thái thịt... rồi cùng nhau gói bánh nói cười rôm rả. Các cháu nhỏ nô đùa quanh sân tíu tít. Những chiếc bánh chưng tuy cái dày, cái mỏng, cái nhiều gạo, cái nhiều đỗ... nhưng đều là thành quả mà mọi người đã cùng nhau gói. Thời khắc luộc bánh cũng là lúc mọi người mong chờ nhất. Lúc chờ bánh chín, mọi người cùng nhau trò chuyện, kể cho nhau nghe những công việc của một năm đã qua, nói với nhau về những dự định trong năm mới; thưởng thức những củ khoai nướng nóng hổi. Mùi lá dong thơm dần hòa quyện trong tiết trời se lạnh ngày cuối đông, mang mọi người đến gần nhau hơn, cảm nhận tình thân ấm áp và cái Tết đến thật gần. Anh Bùi Việt Thắng, đường Hàn Thuyên (thành phố Nam Định) dù đã ngoài 40 tuổi nhưng vẫn luôn nhớ ký ức ngày bé thơ được cùng các anh chị gói bánh chưng ngày Tết. Hương vị của chiếc bánh chưng xanh nhân đỗ mịn, cùng thịt mỡ, hạt tiêu... đã cùng anh lớn lên mang theo biết bao hoài niệm về ngày Tết được quây quần bên gia đình. Vì vậy khi có gia đình riêng, dù gói không nhiều, dịch vụ đặt làm bánh chưng rất phát triển những năm gần đây, anh vẫn duy trì phong tục gói bánh chưng ngày Tết, vừa là dịp để các thành viên trong gia đình tập trung các công việc nhà dịp Tết, vừa giáo dục các con về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt. Bánh chưng xanh cùng thịt mỡ, dưa hành, gà luộc, nem rán... đã tạo nên những giá trị văn hóa ẩm thực, phong tục mang bản sắc riêng không thể thay thế trong mâm cơm ngày Tết của mỗi gia đình.

Những ngày gần Tết, không khí mua hoa, cây cảnh cũng trở nên nhộn nhịp ở các chợ hoa xuân. Ai nấy đều thư thái dạo bước, ngắm chọn từng chậu hoa, cây quất, cành đào... mong sao chọn lựa được những chậu hoa, cây cảnh ưng ý nhất mang về nhà. Đi chợ hoa xuân là nét đẹp văn hóa rất riêng gắn liền với đời sống tinh thần của người dân vào những ngày cận Tết, với mong muốn mang những điều may mắn, sung túc cho cả gia đình trong năm mới.

Gói bánh chưng ngày Tết là phong tục cổ truyền được gìn giữ qua nhiều thế hệ. (Ảnh: Diệu Linh)

Gói bánh chưng ngày Tết là phong tục cổ truyền được gìn giữ qua nhiều thế hệ. (Ảnh: Diệu Linh)

Bên cạnh đó, nhiều phong tục của người Việt trong dịp Tết cũng được gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ như: dọn dẹp, trang trí nhà cửa; quây quần, sum vầy đêm Giao thừa; mừng tuổi; xông đất đầu năm; khai bút đầu xuân; mừng thọ; du xuân, đi lễ đền, chùa... Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, người Việt luôn duy trì việc thờ cúng ông bà, tổ tiên mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Dù kinh tế đủ đầy hay còn nhiều khó khăn, vất vả, gia đình nào cũng cố gắng sắm sửa mâm cơm tươm tất, hương hoa đủ đầy để dâng lên mời tổ tiên, ông bà về đón Tết với gia đình, con cháu. Vào đêm Giao thừa, sau khi nhà cửa đã tươm tất, hoa rực rỡ khoe sắc, hương mùi già phảng phất quanh nhà, mâm cúng giao thừa cũng được chuẩn bị, nhiều gia đình đi chùa để tạ những điều đã qua của năm cũ, xin những điều bình an cho năm mới, rước lộc đầu xuân mang về nhà. Cùng với đó, nhiều gia đình quây quần sum vầy vào thời khắc chuyển giao năm mới. Chị Nguyễn Thị Trang (Vụ Bản) chia sẻ, chị nhớ mãi những đêm giao thừa ngày còn bé háo hức xem Táo quân, chờ thời khắc bắn pháo hoa và được bố mẹ lì xì. Sau đó cả gia đình cùng quây quần hạ lễ xôi, gà và thưởng thức ngay trong đêm, xem chương trình ti vi các điểm cầu bắn pháo hoa trong cả nước. Lớn lên có gia đình riêng nhưng chị vẫn sắp xếp về hai bên ông bà nội, ngoại chúc Tết trong đêm Giao thừa. Với chị Trang, đêm Giao thừa được quây quần cùng với gia đình vào thời khắc chuyển giao năm mới, thấy mọi người vẫn bình an, khỏe mạnh sau một năm nhiều thăng trầm là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất.

Không chỉ cùng nhau quây quần trong đêm Giao thừa, nhiều gia đình còn giữ thói quen chụp ảnh cùng cả gia đình để lưu lại những kỷ niệm của các thành viên vào thời khắc tươi vui nhất, rực rỡ nhất, với trang phục đẹp nhất, mong các thành viên khỏe mạnh, bình an để năm sau lại quây quần. Vào ngày đầu tiên của năm mới, nhiều gia đình vẫn giữ tục lệ khai bút đầu xuân, từ người già đến trẻ nhỏ, với mong muốn một năm suôn sẻ, thành công trong học tập, sự nghiệp.

Tết cũng là dịp bày tỏ lòng tri ân với bậc sinh thành, những người có công nuôi dưỡng, dạy dỗ. “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” là câu thành ngữ được lưu truyền qua nhiều thế hệ, như một lời nhắn nhủ, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, hiếu thảo, biết ơn công sinh thành, dưỡng dục, dạy dỗ của ông bà, cha mẹ, thầy cô. Dịp đầu năm cũng là thời điểm nhiều gia đình tổ chức chúc thọ, mừng thọ ông bà. Ngày này, những người cao niên trong gia đình sẽ mặc những bộ trang phục đỏ, ngồi ở vị trí trang trọng nhất để con, cháu thể hiện sự kính trọng, tấm lòng hiếu thảo của mình. Trong không khí ấm áp ngày Tết, con cháu tụ họp đông đủ, quây quần bên ông bà, cha mẹ, chúc nhau những điều may mắn, bình an. Đó cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của những bậc cao niên khi thấy con cháu sum vầy ở tuổi xế chiều.

Những phong tục cổ truyền ngày Tết không chỉ là hoạt động văn hóa mang tính biểu trưng mà còn là sợi chỉ đỏ gắn kết quá khứ với hiện tại và tương lai. Dẫu trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm thì Tết Nguyên đán chưa bao giờ mất đi ý nghĩa vốn có của nó. Gìn giữ nếp nhà ngày Tết; duy trì, kế thừa và phát huy những phong tục cổ truyền góp phần gìn giữ, lan tỏa truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Diệu Linh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202501/giu-nep-nha-ngay-tet-56b27c6/
Zalo