'Giữ mạch công bằng' trên từng đường bóng

Giữa những pha bóng tốc độ cao, nơi các tay vợt hàng đầu cả nước thi đấu với cường độ dồn dập và áp lực không nhỏ, có một đội ngũ âm thầm nhưng không thể thiếu: Những trọng tài. Họ là người giữ gìn kỷ cương, bảo đảm tính công bằng và liêm chính trong từng trận đấu tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 43.

Bản lĩnh người giữ luật

Ông Tô Đức Hòa, Trợ lý Tổng trọng tài tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 43 nhận định, đây là một giải đấu có tính chất then chốt đối với bộ môn bóng bàn trong nước. Không chỉ là dịp rà soát lực lượng cho đội tuyển quốc gia, giải còn là cơ hội để đánh giá phong độ và thành tích của các vận động viên trên bình diện toàn quốc.

Từ yêu cầu chuyên môn ngày càng cao của giải, công tác tuyển chọn trọng tài đã được thực hiện hết sức chặt chẽ. “Tất cả các trọng tài đều được lựa chọn từ các tỉnh, thành phố, có đầy đủ bằng cấp, kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm và năng lực để điều hành những trận đấu đỉnh cao”, ông Hòa cho biết.

Giải năm nay quy tụ nhiều tay vợt mạnh, với lối chơi thiên về tốc độ, cường độ cao, điều này theo ông là “vừa là thử thách, vừa là cơ hội để đội ngũ trọng tài thể hiện bản lĩnh và trình độ xử lý chuyên nghiệp”. Đằng sau những cú đánh nhanh như chớp ấy là yêu cầu về sự chính xác gần như tuyệt đối từ phía người điều hành.

“Trọng tài là một "đội quân tinh nhuệ". Trong những trận đấu căng thẳng, chỉ cần một khoảnh khắc thiếu tập trung là có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cục diện”, ông Hòa nhấn mạnh.

Không có công nghệ hỗ trợ như nhiều môn thể thao khác, trọng tài bóng bàn phải hoàn toàn dựa vào khả năng quan sát, kinh nghiệm và hiểu luật để đưa ra quyết định. Các trọng tài tham gia giải đều đã được tập huấn, cập nhật đầy đủ các điều lệ thi đấu mới nhất của Liên đoàn Bóng bàn Thế giới (ITTF).

“Trước mỗi giải đấu lớn như thế này, chúng tôi luôn tổ chức tập huấn kỹ lưỡng. Nếu có điều chỉnh về luật, sẽ phổ biến kịp thời. Đồng thời, cũng luôn nhắc nhở trọng tài phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, làm việc với sự tập trung tuyệt đối”, ông Hòa chia sẻ.

Cũng theo ông, mỗi năm, Cục Thể dục Thể thao đều nỗ lực tổ chức từ 1 đến 2 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng trọng tài địa phương. Đây là bước quan trọng nhằm chuẩn hóa đội ngũ, tuyển chọn thêm những gương mặt mới đủ điều kiện để thi trọng tài cấp quốc gia, tiến tới đạt chuẩn quốc tế trong tương lai.

Trọng tài quốc tế Văn Huỳnh Phương Huy khi điều hành một trận đấu. (Ảnh: DUY LINH)

Trọng tài quốc tế Văn Huỳnh Phương Huy khi điều hành một trận đấu. (Ảnh: DUY LINH)

Cùng chung quan điểm đó, trọng tài quốc tế Văn Huỳnh Phương Huy - thuộc đoàn trọng tài Thành phố Hồ Chí Minh - đã gắn bó với công việc này từ năm 2012 và có hơn 5 lần tham gia điều hành tại giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân kể từ năm 2016 cho rằng, việc học tập, cập nhật luật thi đấu là yếu tố sống còn.

Xuất thân là vận động viên và huấn luyện viên bóng bàn, anh Huy đến với nghề trọng tài bằng một con đường đầy tự nhiên nhưng không kém phần tâm huyết. “Làm trọng tài giúp tôi tiếp tục sống với đam mê bóng bàn. Khi đứng trên sân, tôi được "cầm cân nảy mực", bảo đảm sự công bằng và hỗ trợ để các vận động viên có thể thi đấu hết mình”, anh chia sẻ.

Là trọng tài đạt chuẩn quốc tế, anh Huy đặc biệt đề cao việc học hỏi, cập nhật kiến thức. Theo anh, đoàn trọng tài Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức các buổi cập nhật luật thi đấu từ Liên đoàn Bóng bàn Thế giới, định kỳ mỗi 3 đến 4 tháng.

“Tôi còn tham khảo thêm tài liệu chính thức như bộ luật, sổ tay trọng tài của Liên đoàn Bóng bàn Thế giới. Đó là nền tảng tối thiểu mà người làm nghề phải nắm chắc”, anh khẳng định.

Các trọng tài thảo luận sau trận đấu. (Ảnh: DUY LINH)

Các trọng tài thảo luận sau trận đấu. (Ảnh: DUY LINH)

Về mặt bằng chuyên môn, anh Huy đánh giá cao chất lượng đội ngũ trọng tài tại giải đấu năm nay. Các trọng tài đến từ nhiều địa phương, tuy có xuất phát điểm khác nhau, nhưng đều được đào tạo bài bản và qua sàng lọc kỹ lưỡng.

“Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đã tổ chức nhiều khóa học, kỳ thi cấp chứng chỉ quốc gia. Dù ở địa phương còn thiếu lực lượng chuyên trách, nhưng nhờ các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, đội ngũ được nâng tầm và đủ sức đảm nhiệm các giải lớn như giải đấu của Báo Nhân Dân", anh nói.

Trọng tài Huy nhấn mạnh rằng, tính công tâm là phẩm chất cốt lõi mà bất kỳ trọng tài nào cũng cần rèn luyện và giữ gìn. “Công tâm, đúng luật - đó là kim chỉ nam của người trọng tài. Khi giữ được điều đó, tự bản thân mỗi người sẽ phát huy khả năng và được tin tưởng hơn trong nghề”.

Từ đam mê đến chuẩn mực

Trong đội ngũ điều hành Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 43, Nguyễn Hoàng Minh Toàn, sinh năm 2006, là trọng tài trẻ nhất. Là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Toàn đã có hai năm kinh nghiệm làm trọng tài và từng tham gia nhiều giải đấu toàn quốc như Giải các cây vợt xuất sắc trẻ, thiếu niên, nhi đồng; Giải bóng bàn Cúp VTV8...

Toàn đam mê bóng bàn từ nhỏ và luôn ấp ủ ước mơ được quan sát những tay vợt chuyên nghiệp thi đấu. Việc được Ban tổ chức mời làm trọng tài tại giải lần này là một cột mốc đáng nhớ. “Tôi khá bất ngờ khi nhận được lời mời, nhưng cũng tin vào bản thân nên đã nhận lời. Đây là cơ hội quý để tôi học hỏi từ các anh chị đi trước”, anh chia sẻ.

Với sự tập trung cao độ trong từng trận đấu, Toàn cho biết điều khiến anh yêu nghề trọng tài không chỉ là chuyên môn mà còn là môi trường giao lưu, kết nối.

“Vì đam mê nên tôi không thấy mệt mỏi. Tôi rất mong sẽ được tiếp tục tham gia giải bóng bàn của Báo Nhân Dân trong những năm tới”, anh nói.

Trọng tài trẻ Nguyễn Hoàng Minh Toàn tác nghiệp trong một trận đấu. (Ảnh: PHAN THẠCH)

Trọng tài trẻ Nguyễn Hoàng Minh Toàn tác nghiệp trong một trận đấu. (Ảnh: PHAN THẠCH)

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Minh Phượng đang từng bước định hình sự nghiệp sau bốn năm theo đuổi công tác trọng tài. Từng là vận động viên, chị bén duyên với nghề sau khi tham gia lớp đào tạo của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam. Đây là lần thứ hai chị tham gia giải bóng bàn của Báo Nhân Dân, sau lần đầu ở Gia Lai vào năm 2022.

“Tham gia các giải lớn như thế này giúp tôi tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thực tế. Mỗi trận đấu là một cơ hội để học hỏi, hoàn thiện bản thân”, chị chia sẻ. Với chị, sự chuyên nghiệp không chỉ đến từ kiến thức luật mà còn là tác phong, thái độ và khả năng giữ bình tĩnh trong mọi tình huống trên sân.

Chị đánh giá cao chất lượng tổ chức giải năm nay: “Bàn thi đấu rất đẹp và đạt chuẩn quốc tế, không khí trong nhà thi đấu được điều hòa mát mẻ, ánh sáng tốt, đồng phục trọng tài được cấp phát đầy đủ - tất cả đều cho thấy sự chỉn chu và tôn trọng dành cho đội ngũ điều hành”, chị nói.

Ban trọng tài - Trụ cột thầm lặng góp phần tạo nên thành công của giải đấu. (Ảnh: DUY LINH)

Ban trọng tài - Trụ cột thầm lặng góp phần tạo nên thành công của giải đấu. (Ảnh: DUY LINH)

Chị cũng ghi nhận sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ Ban tổ chức trong việc xây dựng tổ trọng tài: Mỗi người được phân công đúng thế mạnh, phối hợp nhịp nhàng để bảo đảm các trận đấu diễn ra trôi chảy, công bằng và đúng luật.

Dù một người mới chập chững vào nghề, hay người kia đang trên đà trưởng thành trong sự nghiệp, thì các trọng tài tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân đều có điểm chung. Đó là tinh thần cầu thị, sự nghiêm túc và khát khao cống hiến cho bóng bàn, thầm lặng nhưng không thể thiếu vắng.

PHAN THẠCH - DUY LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giu-mach-cong-bang-tren-tung-duong-bong-post881309.html
Zalo