Giữ lửa nghề với nghị lực phi thường

Mỗi chương trình 'Nối trọn yêu thương' của Truyền hình Nhân đạo (VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam) là một câu chuyện nhân văn, vượt qua giới hạn của bản thân để lan tỏa những điều tốt đẹp, đồng thời giúp ích cho cộng đồng. Mời bạn đồng hành cùng đại diện Công ty Tân Hiệp Phát để đến với những sứ giả truyền cảm hứng và tôn vinh ý thức phụng sự xã hội.

Bà H’Yar Kbour, người phụ nữ khuyết tật với hành trình giữ lửa nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Bà H’Yar Kbour, người phụ nữ khuyết tật với hành trình giữ lửa nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Sức mạnh của truyền thống

Trên khắp các con đường của buôn K’la, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, (tỉnh Đăk Lắk) đều in đậm dấu chân của bà H’Yar Kbôur - người phụ nữ khuyết tật với hành trình giữ lửa nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Lúc 5 tuổi, H'Yar bị đau một chân rồi sau đó liệt hẳn. Khi phải đi học lại lớp 2, H'Yar lúc nào cũng buồn tủi, xấu hổ, nghĩ mình không làm được gì. Nhưng rồi, như bông hoa rừng đầy sức sống, luôn vượt qua nghịch cảnh để hướng về mặt trời, H'Yar quyết không đầu hàng số phận. Đường đi học khá xa với nhiều con dốc, dù không có dép nhưng H'Yar vẫn cố đi bằng được. “Trời cho số phận như vậy thì mình phải chịu, không bao giờ mình hối tiếc, buồn phiền. Không bình thường như người ta thì càng phải cố gắng nhiều hơn” - bà H'Yar Kbuôr nhớ lại.

Với sự không may mắn của mình, H'Yar Kbuôr không thể cùng các bạn lên nương rẫy, đi làm đổi công. H'Yar ở nhà tự đọc sách, học chữ, rồi theo dõi các bà, các mẹ dệt vải. Những đường hoa văn, màu sắc trên tấm thổ cẩm thu hút sự quan tâm của cô bé từ năm lên 10 tuổi. H'Yar tỉ mỉ quan sát cách bà và mẹ làm từng loại hoa văn rồi tập tành dệt cho đến khi thành thạo. Thấy con gái yêu thích khung cửi, mẹ H'Yar luôn động viên, hướng dẫn cho con gái về cách phối màu. Thậm chí, những kỹ thuật khó như Kteh cũng được bà truyền lại cho con gái. H'Yar chia sẻ: “Bây giờ tôi 60 tuổi rồi, nhưng ngay từ nhỏ tôi đã rất đam mê nghề dệt thổ cẩm truyền thống. 10 tuổi tôi đã học nghề, 20 tuổi tiếp tục tự học may, học dệt. Tôi muốn gìn giữ vẻ đẹp của dân tộc mình”.

“Cô gái thép” Vũ Phương Thanh đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát trò chuyện với bà H'Yar Kbuôr

“Cô gái thép” Vũ Phương Thanh đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát trò chuyện với bà H'Yar Kbuôr

Bây giờ bà H'Yar Kbuôr vẫn bền bỉ đi tới từng nhà vận động bà con giữ gìn nghề truyền thống và tình nguyện dạy cho những ai chưa biết. Cứ kiên trì như thế, bà dành gần như trọn cuộc đời cho hành trình này: “Mình đi bộ, chứ không có ai chở cả. Cứ đi từ nhà này sang nhà khác để nói với mọi người, đã gọi là nghề truyền thống thì phải truyền lại cho con em. Mình sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Nghề này nhiều người cũng biết, không khó để dệt cái khăn, cái túi. Cứ làm rồi từ từ phát triển, chị em cũng phần nào cải thiện được thu nhập của gia đình. Cùng với sự quan tâm của chính quyền, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm của buôn Kla đã ra đời với 18 người, chuyên sản xuất các sản phẩm thêu, dệt của người Êđê”.

Bà H’Loan (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) là thành viên của tổ hợp tác đặc biệt này cho biết: “Chỗ nào khó đều được hướng dẫn, mình chỉ cần làm theo là được. Sản phẩm bán được thì lấy tiền mua chỉ và làm tiếp. Đến nay kinh tế gia đình mình cũng khá hơn và quan trọng là thấy mình làm thì lũ nhỏ mới làm theo”.

Còn bà H’Mên Apuôr - Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Drai Sáp, huyện Krông Ana chia sẻ: “Tuy tàn tật, nhưng nỗ lực của bà H’Yar rất phi thường. Bà không nề hà việc gì, không ỷ lại vào người khác mà hoàn toàn tự thân vận động”.

Lan tỏa nhưng giá trị tốt đẹp

Chỉ vào những tấm thổ cẩm của mình, bà H'Yar Kbuôr say mê chia sẻ về những hoa văn nâng cao được phát triển từ văn hóa truyền thống. “Tự mình phải cố gắng, tự mình phải sáng tạo thì mới có thành công. Điều quan trọng là phải biết vượt lên chính mình” - bà nói.

Đồng hành với chương trình “Nối trọn yêu thương” phát sóng trên VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam), “bông hồng thép” Vũ Phương Thanh - người phụ nữ chinh phục những thử thách sức bền khắc nghiệt nhất thế giới, đại diện Công ty Tân Hiệp Phát chia sẻ sự cảm phục với nghị lực và hành trình bền bỉ của bà H'Yar Kbuôr. Mặc trên mình trang phục của người phụ nữ Êđê do chính bà H'Yar Kbuôr tự dệt, may, Vũ Phương Thanh vô cùng tự hào vì “đây không đơn thuần là một bộ đồ mà là tác phẩm kỳ công mang giá trị của một nền văn hóa”. Chia sẻ với Vũ Phương Thanh, bà H'Yar Kbuôr cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm không dễ, muốn học phải kiên trì rất lâu. Phải cần cù, chịu khó, nắm rõ từng răng chỉ, xếp chỉ mới làm được”.

Bà H'Yar Kbuôr cùng các chị em trong Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Kla giới thiệu các sản phẩm của mình

Bà H'Yar Kbuôr cùng các chị em trong Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Kla giới thiệu các sản phẩm của mình

Trong cuộc hội ngộ với bà H'Yar, Vũ Phương Thanh tâm sự, những lần chinh phục các thử thách sức bền trên thế giới, cô rất tự hào khi cầm lá cờ Việt Nam mỗi lần cán đích. Nhà nữ vô địch thế giới giải Swiss Ultra 2022 mong muốn mang theo những vật phẩm đặc trưng cho nền văn hóa các dân tộc Việt Nam như vòng, khăn mang hoa văn của đồng bào dân tộc Êđê để giới thiệu với bạn bè trên thế giới. Câu chuyện về những giá trị văn hóa đa dạng của Việt Nam và của bà H'Yar Kbuôr chắc chắn sẽ mang đến nhiều cảm xúc cho bạn bè quốc tế. “Tân Hiệp Phát luôn ngưỡng mộ những tấm gương vì cộng đồng như bà H'Yar Kbuôr. Với những món quà nhỏ hôm nay, Thanh và Công ty Tân Hiệp Phát mong muốn bà luôn có sức khỏe và những ước mơ giản dị nhưng rất tuyệt vời của bà sẽ trở thành hiện thực” - Vũ Phương Thanh nói.

Căn nhà của bà H'Yar Kbuôr lúc nào cũng rộn rã tiếng cười của chị em trong buôn khi cùng dệt thổ cẩm. Bằng đôi tay khéo léo, sự kiên trì vượt khó, người phụ nữ này đã truyền lửa cho mọi người cùng giữ nghề truyền thống. Tổ hợp tác với người tổ trưởng khuyết tật nhưng giàu nhiệt huyết được nhiều người biết đến bởi sản phẩm dệt, may đa dạng, sắc sảo dù mang hoa văn truyền thống nhưng vẫn có sự cách tân phù hợp.

Với tinh thần phụng sự xã hội - hướng đến những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, Công ty Tân Hiệp Phát đã đồng hành cùng chương trình “Nối trọn yêu thương” của Truyền hình Nhân đạo ( VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam) ngay từ những ngày đầu tiên phát sóng. Đến nay, chương trình truyền hình thực tế đã ghi nhận khoảng 50 nhân vật lan tỏa cảm hứng đến cộng đồng về tinh thần vượt qua nghịch cảnh, đồng thời tôn vinh hành động nỗ lực chung tay cùng xã hội giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.

Phú Khánh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/giu-lua-nghe-voi-nghi-luc-phi-thuong-post584990.antd
Zalo