Giữ lửa điệu múa Tắc Xình của người Sán Chay
Trong không khí đón Xuân, đồng bào dân tộc Sán Chay ở huyện miền núi Phú Lương (Thái Nguyên) lại hòa nhịp trong không gian lễ hội cầu mùa với âm thanh, nhịp điệu rộn ràng từ điệu múa Tắc Xình - di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Điệu múa mộc mạc nhưng mang ý nghĩa thiêng liêng, được đồng bào coi như nhịp cầu kết nối giữa trời và đất, giữa quá khứ và hiện tại, giữa thế hệ trước và thế hệ sau.
Xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương e ấp giữa lòng núi rừng trong bảng lảng sương mờ bao phủ. Từng mái nhà sàn lợp cọ bên nương chè tô điểm thêm vẻ bình yên của làng bản bên triền núi Cắm Mốc, núi Đình. Nơi ấy, cộng đồng dân tộc Sán Chay vừa lao động sản xuất, vừa rộn ràng điệu múa Tắc Xình - di sản văn hóa thiêng liêng, linh hồn của lễ hội cầu mùa mỗi dịp Xuân về.
Điệu múa Tắc Xình giản dị với những bước nhảy nhẹ nhàng, uyển chuyển, nhưng chứa đựng ý nghĩa sâu xa. Người múa chính tay cầm cây tre, nứa, di chuyển theo vòng tròn và điệu nhạc vui tươi, tạo nên một không khí sôi động. Bên cạnh tiếng trống, tiếng xeng, chuông…, đồng bào còn sử dụng nhạc cụ từ tre, nứa như sự hòa quyện của thiên nhiên, đất trời làm nên biểu tượng gắn kết kỳ diệu.
Mỗi bước nhảy, động tác múa đều mô phỏng sống động câu chuyện về nếp sinh hoạt, tinh thần gắn bó, yêu thương của cộng đồng. Hai người đàn ông trong trang phục thầy cúng, tay cầm quả chuông đồng, cất bước nhảy, chân phải làm trụ, chân trái nhấc cao, tay rung chuông theo nhịp điệu. Mỗi bước nhảy, mỗi lần quay mặt vào nhau rồi quay lưng lại, như thể truyền tải thông điệp về cuộc sống gian nan, nhưng đầy khát vọng lắng nghe, hòa hợp thiên nhiên để tồn tại, vươn lên.
Điệu múa bắt đầu với động tác "thăm và dọn đường" phỏng theo sự chuẩn bị cho một hành trình mới, khi người dân lên rừng, ra nương. Tiếp theo là "bắt quyết" với tinh thần quyết đoán trong lựa chọn công việc, lao động sản xuất. Cảnh tượng mài dao và đánh dao thể hiện nghi thức sinh tồn, bảo vệ cuộc sống. Phát nương, tra mố, chăm sóc lúa… là chuỗi nhịp thể hiện tình cảm gắn bó của con người với đất đai, sự cần mẫn, tôn trọng tự nhiên.
Điệu vui nhất là "thu hoạch mùa màng" biểu cảm trọn vẹn của niềm vui lao động, khi những hạt lúa chín vàng đem lại kết quả viên mãn, đền đáp nỗ lực. Trong động tác "mừng mùa", cả cộng đồng sẽ cùng nhau nhảy múa. Cuối cùng, trong điệu "trả lễ thần linh", người Sán Chay sẽ cúi mình tỏ lòng biết ơn, cầu mong đấng siêu nhiên bảo vệ và tiếp tục ban may mắn mùa sau.
Các bô lão kể lại rằng, ngày xưa, người Sán Chay múa Tắc Xình như một nghi lễ để tạ ơn các vị thần linh sau mỗi mùa thu hoạch, cầu mong cho năm mới mưa nắng thuận hòa, mùa màng bội thu. Tất cả động tác, dù đơn giản, nhưng đều gợi lên những cảm xúc, triết lý sâu sắc. Âm nhạc của múa Tắc Xình sử dụng những nhạc cụ tre, nứa giản dị như nhịp đập của trái tim đất mẹ, thúc giục từng bước nhảy uyển chuyển.
Không phải ai cũng có thể tham gia vào điệu múa. Tắc Xình đòi hỏi sự tôn nghiêm nên các nghệ nhân đã dạy đồng bào mình bằng cả tình cảm lẫn kinh nghiệm để họ không chỉ bảo đảm về động tác kỹ thuật mà còn hòa quyện về tâm hồn, niềm tin trước giá trị thiêng liêng của tín ngưỡng.
Mùa màng đã êm ấm, tại Nhà văn hóa xóm Đồng Tâm, bà con dành thời gian tập múa trong tiếng nhạc "tắc tắc xình, tắc tắc xình, tắc xình". Nghệ nhân Ưu tú Hầu Thanh Tĩnh hướng dẫn, điều chỉnh từng động tác. Các em nhỏ tỏ ra thật hào hứng, say mê, có em sớm múa thuần thục còn hướng dẫn cho người lớn.
Tuy chỉ kéo dài khoảng 30 phút, nhưng để phục dựng hoàn chỉnh điệu múa Tắc Xình như nguyên gốc, các nghệ nhân ở địa phương đã phải mất hàng chục năm tìm tòi, nghiên cứu. Điều đáng quý là cộng đồng người Sán Chay ý thức rất cao về sự truyền nối. Thế hệ trẻ tuy chưa thành thạo, nhưng rất nỗ lực học hỏi.
Anh Hầu Văn Tuân, con trai út của Nghệ nhân Ưu tú Hầu Thanh Tĩnh, hiện đang sống và làm việc tại thành phố Thái Nguyên vẫn dành thời gian mỗi cuối tuần để về nhà học múa Tắc Xình với mong muốn sẽ giới thiệu cho bạn bè mình và thế hệ con cháu sau này. Từ năm 2014, UBND huyện Phú Lương đã đưa múa Tắc Xình vào chương trình ngoại khóa trong các trường học, giúp học sinh hiểu hơn về giá trị văn hóa độc đáo này.
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, Phú Lương là một trong những địa phương đi đầu trong công tác bảo tồn di sản văn hóa. Hiện đã có tám trường học thành lập câu lạc bộ múa Tắc Xình, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh với niềm hứng khởi.
Hòa nhịp kết nối này, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã nhiều lần tái dựng hình ảnh, âm thanh của múa Tắc Xình, đồng thời tạo ra những cơ hội để đồng bào Sán Chay giao lưu, học hỏi, quảng bá văn hóa dân tộc mình với du khách trong nước và quốc tế.
Mỗi bước múa, mỗi nhịp trống, mỗi lời ca kết hợp trong trang phục đặc sắc của dân tộc, âm vang kỳ diệu từ nhạc cụ truyền thống đã trở thành dấu ấn của văn hóa, lịch sử, trở thành biểu tượng cho niềm tin, sức sống. Cùng nhịp đập mùa xuân, múa Tắc Xình tựa lời nhắc nhở về cội nguồn, về những giá trị bền vững không thể phai mờ. Người Sán Chay không chỉ bảo tồn một điệu múa, mà toát lên cả hồn cốt văn hóa, để thế hệ mai sau vẫn có thể nghe thấy tiếng trống, tiếng chuông, những bước nhảy thiêng liêng mà tổ tiên trao truyền lại.