Giữ lấy 'Tết thầy'
Mồng 3 Tết vốn là ngày nhiều thế hệ học trò hướng về những người thầy đã và đang dạy mình.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, phong tục, truyền thống đẹp này dường như dần phai nhạt.
Ý nghĩa “Tết thầy”
Thầy Nguyễn Trọng Năm - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) cho biết, xa xưa ông cha ta có quan niệm, mồng 1 là ngày thiêng liêng nhất trong năm, nên “mồng 1 Tết cha”. Ngày này, vợ chồng, con cái, anh em ruột thịt tập trung bên nội để cúng bái gia tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ bày tỏ hiếu đạo.
Mồng 2 tương tự như mồng 1, nhưng là chúc Tết bên ngoại. Và mồng 3 là ngày để người Việt bày tỏ sự biết ơn đến thầy cô - người đã dạy dỗ, truyền thụ kiến thức, đưa mình đến bến bờ tri thức, sự thành công. Ngày này, không phân biệt già hay trẻ, địa vị cao hay thấp, các thế hệ học trò thường cố gắng tập trung, cùng nhau đến chúc Tết thầy cô giáo của mình. Đây là dịp thầy trò quây quần cùng tâm sự, chia sẻ những câu chuyện cuộc sống. Học trò kể cho thầy cô về công việc, gia đình trong năm qua, cũng như dự định sắp tới…
“Khi tôi học THPT, năm nào cũng vậy, cứ mồng 3 cả lớp rủ nhau đạp xe đến nhà thầy, dù quãng đường xa hơn 10 km nhưng ai cũng vui vẻ. Đến nay, tôi thường xuyên thăm hỏi các thầy cô giáo cũ, nếu có dịp là đến thăm trực tiếp. Giờ trở thành thầy giáo, ngày mồng 3 Tết có nhiều học trò cũ đến thăm hỏi, chúc Tết thật vui vẻ và ấm cúng”, thầy Nguyễn Trọng Năm chia sẻ.
Nhấn mạnh ý nghĩa “Tết thầy” ngày mồng 3 Tết, theo cô Nguyễn Thị Ngân Hà - Trường THPT Hùng Vương (Đắk Lắk), hình thức thể hiện sự quan tâm của mọi người trong ngày này phong phú, đa dạng hơn. “Tôi dạy học ở miền núi, học sinh THPT đã lớn, có điện thoại riêng, nên dịp lễ, Tết các em thường nhắn tin chúc mừng.
May mắn được chủ nhiệm lớp 12 khối xã hội nhiều năm liền, học sinh sống tình cảm, có dịp là cô trò gặp nhau tíu tít. Đặc biệt vào mồng 3 Tết, cả 2 vợ chồng làm giáo viên nên học trò đến đông, thậm chí có nhóm học sinh đến không còn chỗ ngồi lại “giận dỗi” đi về, hẹn qua ngày mồng 4, mồng 5. Tết thầy còn nguyên giá trị”, cô Nguyễn Thị Ngân Hà cho hay.
Nhiều năm dạy học, NGƯT Tô Ngọc Sơn - Trường ĐH Đồng Tháp nhớ lại ngày mới vào nghề, cuộc sống còn khó khăn, nhưng các bậc cha mẹ rất quan tâm đến giáo dục. Người thầy cũng được quan tâm, tôn trọng hết mực. Trong những ngày Tết, phụ huynh luôn đến thăm hỏi, mang theo những món quà đơn giản nhưng ấm áp nghĩa tình như cải muối, dưa muối, cá khô, nước mắm cá linh, thịt kho, những nhánh mai,… Nghèo mà thật vui.
“Tết thầy” có phai nhạt?
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, xã hội phát triển nhanh chóng như hiện nay, “Tết thầy” đã có sự thay đổi. Thay đổi cũng là lẽ thường tình trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng liệu có phải “Tết thầy” đã bị thương mại hóa và dần mất đi giá trị, ý nghĩa vốn có ban đầu?
Trả lời câu hỏi này, cô Hoàng Phương An - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phenikaa (Hà Nội) cho rằng, thầy cô giáo xưa và nay vẫn vậy, luôn yêu thương và hết lòng vì các thế hệ mầm xanh đất nước. Với người thầy chân chính, món quà quý nhất chính là tấm lòng của học trò dành cho mình. Dù theo thời gian hình thức Tết thầy xưa và nay đã ít nhiều thay đổi.
Nếu ngày xưa trò đến thăm thầy với gói trà, lạng mứt, con gà... thì ngày nay món quà Tết thầy phong phú và đa dạng hơn, song bản chất tốt đẹp của Tết thầy không thay đổi bởi đa số học trò đến “Tết thầy” với cả tấm lòng trân trọng và biết ơn. Người thầy với tâm sáng, tình cảm chân thành, giản dị sẽ truyền cảm hứng và những giá trị đạo đức tốt đẹp cho các thế hệ học trò. Tình cảm thầy - trò chân thành luôn là điều trân quý và có giá trị lớn nhất trong xã hội hiện nay.
“Đời người có 3 thứ may mắn nhất, trong đó việc đi học gặp được thầy tốt luôn soi đường dẫn lối cho chúng ta là điều thật hạnh phúc. Tôi đã, đang hết lòng với học trò của mình như những gì mà tôi đã nhận được từ các thầy cô giáo năm xưa”, cô Hoàng Phương An bày tỏ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng “mồng 3 Tết thầy” trong những năm gần đây có vẻ phai nhạt so với trước. Lý giải điều này, cô Nguyễn Thị Ngân Hà cho rằng, quan hệ thầy trò ngày nay có thay đổi lớn do biến động của xã hội. Trước kia, người thầy không chỉ trao truyền kiến thức mà còn định hướng giá trị đạo đức, được học trò kính trọng như người cha, mẹ thứ hai.
Việc làm gương của thầy phải tuân thủ nghiêm túc, giữ chuẩn mực, giá trị nhân cách đạo đức… Ngày nay, mối quan hệ thầy trò trở nên gần gũi hơn, đôi lúc như những người bạn. Ngoài ra, bản thân nhà giáo còn bị chi phối bởi cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền nên đôi khi khó toàn tâm, toàn ý trong việc giảng dạy, làm gương cho học trò vì thế bị ảnh hưởng nhất định.
“Trước đây, thầy là trung tâm. Ngày nay, trò là trung tâm. Người thầy có vai trò định hướng, dẫn dắt, truyền cảm hứng, giống như thủ lĩnh tinh thần, thậm chí đôi khi giống người bạn đối với học trò. Khi là bạn, việc ứng xử của học trò với thầy cũng khác. Những thay đổi trong cuộc sống khiến chúng ta không thể biến thầy giáo hôm nay quay trở lại thành thầy đồ ngày xưa. Xã hội phải chấp nhận thay đổi, giữ gìn và tiếp thu những tinh hoa văn hóa để tạo điều kiện cho thay đổi đó phát triển theo hướng tích cực, phù hợp, chứ không thể nói quan hệ thầy trò ngày nay mất giá trị so với trước”, cô Nguyễn Thị Ngân Hà nêu quan điểm.
Sự phai nhạt trong “Tết thầy” được thầy Nguyễn Trọng Năm liên hệ đến mối quan hệ thầy và trò ngày nay với nhiều điểm khác. Cách dạy học đã có đổi mới, hạn chế khoảng cách, trao đổi thoải mái hơn. Thầy không kỷ luật, trách mắng, đánh phạt… như xưa. Tinh thần “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng trường học hạnh phúc” đang được các nhà trường quan tâm. Bên cạnh đó, cơ chế thị trường tác động đến nhiều mặt đời sống vật chất, tinh thần của cả thầy, trò và xã hội.
Cũng có thầy cô năng lực hạn chế, được đào tạo chưa bài bản, thu nhập quá thấp, dạy thêm trái quy định, áp lực thành tích… Một điều đáng buồn, nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận là nghề giáo hiện nay chịu nhiều áp lực, giao chỉ tiêu thành tích, bị tác động từ nhiều phía…
Nêu quan điểm cá nhân dẫn đến thay đổi này, thầy Nguyễn Trọng Năm cho rằng, về khách quan có thể nói đến: Cơ chế thị trường tác động mạnh mẽ; các quy định của ngành Giáo dục coi trọng, bảo vệ học sinh; công nghệ phát triển mạnh mẽ giúp người học có thể học từ nhiều nguồn khác nhau…
Bên cạnh đó, gia đình thường có 1 - 2 con nên chiều chuộng, coi như “lá ngọc, cành vàng”; chương trình giáo dục còn nặng kiến thức chưa có nhiều nội dung bắt buộc về giáo dục kỹ năng sống, tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống… Về chủ quan, một số thầy cô giáo năng lực còn hạn chế do đầu vào thấp, quá trình học chưa chuyên tâm; chế độ đãi ngộ thấp nên đời sống còn nhiều khó khăn; một số thầy cô dạy thêm có thu nhập lớn nên thương mại hóa, ép học sinh…
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, “Tết thầy” không hẳn phai nhạt mà chỉ là sự thay đổi cho phù hợp thời đại. Có thể không đến nhà chúc Tết, học trò vẫn nhớ đến thầy cô bằng những tấm thiệp, dòng tin nhắn, viết lời chúc trên Facebook, Zalo… và những cách thể hiện, quan tâm đáng yêu khác.
Làm sao để giữ “Tết thầy”
“Tết thầy” vốn là phong tục tốt đẹp từ xa xưa và việc giữ “Tết thầy”, phát huy hơn nữa giá trị truyền thống tốt đẹp của “Tết thầy” trong xã hội hiện nay là cần thiết. Chia sẻ điều này, NGƯT Tô Ngọc Sơn cho rằng, điều quan trọng nhất là người thầy luôn giữ tâm sáng, hết lòng và thực sự yêu thương học trò. Người thầy là tấm gương và giáo dục qua nêu gương chưa bao giờ lỗi thời. Đó cũng là điều căn cốt để nghề giáo, người thầy được tôn trọng và nét văn hóa đẹp “mồng Ba Tết thầy” từ đó vẫn giữ được nguyên ý nghĩa.
Thầy Nguyễn Trọng Năm thì cho rằng, để giữ được ý nghĩa của phong tục “Tết thầy”, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về truyền thống tốt đẹp này cần tăng cường hơn nữa. Cấp ủy đảng, chính quyền và ngành Giáo dục cùng chung tay quan tâm đến hoạt động này. Vị thế người thầy cần được khẳng định, quan tâm bằng hành động, chính sách thiết thực. Cụ thể, cần nghiên cứu để có chính sách thi tuyển, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, bảo vệ và đãi ngộ, làm sao cuộc sống thầy cô được đảm bảo, yên tâm công tác, sáng tạo và cống hiến.
“Mỗi người phải có sự kính trọng thầy cô giáo đã và đang dạy mình, làm gương cho người khác bằng suy nghĩ, hành động cụ thể; không nặng về vật chất để dẫn đến xu hướng tiêu cực. Đồng thời, tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh và cả người lớn thông qua các hình thức đa dạng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin lan tỏa các tấm gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, ý nghĩa”, thầy Nguyễn Trọng Năm chia sẻ.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Ngân Hà cho rằng, trước hết cần nâng cao nhận thức toàn xã hội, đặc biệt của chính người thầy về vai trò, trách nhiệm đối với học sinh và toàn xã hội; coi trọng bài học nêu gương từ người thầy. Cùng đó, không thể thiếu hệ thống cơ chế chính sách đảm bảo đời sống cho nhà giáo, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm vừa trao truyền kiến thức, vừa thực hành đạo đức.
Đạo đức người thầy ảnh hưởng đến hành vi của học trò. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, người thầy vẫn nên là tấm gương về chuẩn mực đạo đức. Chỉ khi người thầy thực sự là tấm gương, học trò có nhận thức đúng đắn thì xã hội sẽ lan tỏa việc giữ gìn tinh thần “mồng 3 Tết thầy”, để ngày này không chỉ là tri ân thông thường mà là dịp tỏa sáng giá trị hiếu học, đạo đức, nhân văn trong toàn xã hội.
Câu nói dân gian “Mồng 1 Tết cha, mồng 2 Tết mẹ, mồng 3 Tết thầy” trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam mỗi khi Tết đến, Xuân về. Câu nói đó ngụ ý, người thầy được tôn kính ngang cha mẹ, một nét văn hóa truyền thống đặc biệt mà ít dân tộc nào có được, điều đó trở thành nét đẹp trong văn hóa người Việt Nam. Nó gợi nhắc đến truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta.
Và cứ đến dịp mồng 3 Tết Nguyên đán, các thế hệ học trò vẫn nô nức đến chúc Tết thầy cô giáo của mình. Đây vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô vừa để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chúc tụng nhau gặp nhiều điều may mắn trong những ngày đầu năm mới. - Cô Hoàng Phương An (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phenikaa, Hà Nội)