Giữ lạm phát trong ngưỡng mục tiêu

Nhiều dự báo CPI năm nay sẽ trong ngưỡng mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, các áp lực, bất định và rủi ro phát sinh vẫn hiện hữu, đòi hỏi sự kiểm soát thận trọng.

Lạm phát có thể tăng thêm trước khi dịu lại

Lạm phát đã tăng khá nhanh trong những tháng đầu năm, và theo các chuyên gia, trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất định, giá hàng hóa tăng cao, trong nước chúng ta cũng đã có một thời gian khá dài theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ hồi phục và phát triển kinh tế, cộng hưởng với việc tăng lương tối thiểu kể từ 1/7 nên áp lực lạm phát nửa cuối năm còn gia tăng hơn nữa. Một khi cầu tiêu dùng gia tăng trở lại, vấn đề lạm phát do cầu kéo sẽ thể hiện rõ hơn.

Cầu tiêu dùng phục hồi sẽ đẩy lạm phát tăng

Cầu tiêu dùng phục hồi sẽ đẩy lạm phát tăng

Thực tế, lạm phát đang tiếp tục nhích lên là vấn đề có thể nhìn thấy từ số liệu của Tổng cục Thống kê: 7 tháng năm 2024, CPI bình quân đã tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý trong tháng 7 vừa qua, ngoại trừ nhóm bưu chính, viễn thông ổn định giá, thì tất cả 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại đều có chỉ số giá tăng so với tháng 6, khiến CPI tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một điểm khá ngạc nhiên là trong dự báo của các chuyên gia và tổ chức trong và ngoài nước cập nhật gần đây đều dự báo CPI cả năm nay trong ngưỡng mục tiêu đặt ra. Đơn cử, bản cập nhật báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) của ADB công bố giữa tháng này dự báo lạm phát ở mức 4% trong năm nay (không thay đổi so với dự báo đưa ra vào tháng 4). Trong khi đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra hai kịch bản lạm phát năm nay: dự báo CPI bình quân tăng 4,31% (ở kịch bản tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55%); và CPI bình quân tăng 4,12% (ở kịch bản tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95%).

Tuy nhiên báo cáo Vietnam at a glance của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC công bố mới đây cũng điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP năm nay (từ 6% lên 6,5%), trong khi điều chỉnh giảm về dự báo lạm phát. Cụ thể, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của Tập đoàn HSBC cho rằng, giá thịt lợn là nguyên nhân chính tác động đến CPI. "Trong quá khứ, biến động giá thịt lợn từng đẩy lạm phát tăng mạnh, vượt qua cả mức lạm phát mục tiêu. Mặc dù vậy, ngoại trừ diễn biến xấu của dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi từ đầu năm nay) có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn, lạm phát nhiều khả năng đã đạt đỉnh. Khi hiệu ứng cơ sở thuận lợi bắt đầu có tác động trong nửa cuối năm 2024, chúng tôi dự báo lạm phát bình quân 6 tháng cuối năm sẽ dịu xuống ở mức hơn 3% một chút, qua đó nhiều khả năng đưa lạm phát bình quân của cả năm xuống 3,6%", chuyên gia Yun Liu dự báo.

Thực tế khi nhìn vào diễn biến các nhóm hàng hóa và dịch vụ thường xuyên có biến động và tác động đến CPI nhiều nhất trong mỗi tháng, thì chủ yếu đến từ Nhóm giao thông và Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Ví dụ trong mức tăng 0,48% của CPI tháng 7 so với tháng trước, Nhóm giao thông tăng 1,45% (khiến CPI chung 0,14 điểm phần trăm) và chủ yếu do: Giá dầu diezen tăng 4,07%; giá xăng trong nước tăng 3,55%... Trong khi đó, Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,26% (làm cho CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm), trong đó riêng giá thịt lợn tăng 0,79% (làm cho CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm). Trước đó, trong mức tăng 0,17% của CPI tháng 6 so với tháng trước, Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng tăng mạnh nhất với mức 0,75% (tác động làm CPI chung tăng 0,25%), trong đó riêng giá thịt lợn tăng 3,78% tác động làm CPI chung tăng 0,23%.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đề xuất Chính phủ nên rà soát kế hoạch (nhất là liều lượng và thời điểm) điều chỉnh giá một số dịch vụ công và giá điện trong năm nay cũng như 2 năm tới một cách hợp lý để không cộng hưởng quá nhiều với việc tăng lương, gây áp lực lớn đến lạm phát. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát để hạn chế tối đa những tác động do yếu tố tâm lý, găm giữ, làm giá, hiện tượng té nước theo mưa… sau đợt điều chỉnh tăng lương cơ sở vừa qua...

Không thể xem nhẹ, chủ quan

Dù kỳ vọng hiệu ứng từ những yếu tố thuận lợi sẽ giúp áp lực lạm phát có thể dịu lại trong nửa cuối năm nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo cần cẩn trọng, không thể xem nhẹ khả năng lạm phát tăng. Nếu như các áp lực liên quan đến từ trong nước như biến động giá lương thực, thực phẩm (trong đó có thịt lợn)… sẽ cần sự vào cuộc và chủ động giải quyết của các cơ quan chức năng liên quan, thì các yếu tố từ bên ngoài (áp lực nhập khẩu lạm phát) cũng cần được theo dõi sát sao để có các kịch bản ứng phó nhanh và phù hợp, bởi thế giới còn nhiều bất định. Trong đó, diễn biến thị trường xăng dầu (rất liên quan và tác động lớn đến Nhóm giao thông) là vấn đề cần chú ý nhất hiện nay, trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông gia tăng. Chỉ riêng phiên giao dịch ngày 31/7, giá dầu thô Brent tăng 2,66% lên mức 80,72 USD/thùng; giá dầu thô WTI tăng 4,26% lên 77,91 USD/thùng và xu hướng tăng vẫn đang là chủ đạo.

Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), khả năng kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra cho năm nay là khả thi. Tuy nhiên, để kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm, cần chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, giá cả các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới; đặc biệt là diễn biến của các xung đột, căng thẳng địa chính trị. Bên cạnh đó, cần đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với việc tăng giá các hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý, không nên điều chỉnh giá nhiều loại cùng một thời điểm; không nên điều chỉnh dồn vào cuối năm, là thời điểm nhu cầu tiêu dùng cao. Vì khi chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng cao sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng lớn và tạo áp lực điều hành lạm phát cho năm 2025.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cùng với việc theo dõi, kiểm soát tốt diễn biến giá cả thị trường cần tiếp tục nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn tỷ giá, lãi suất, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, chính sách tài khóa giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ đóng vai trò bổ trợ, theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/giu-lam-phat-trong-nguong-muc-tieu-154199.html
Zalo