Giữ hồn văn hóa dân tộc từ mái trường vùng cao
Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Liên Hội đang bền bỉ vun đắp bản sắc văn hóa dân tộc cho học trò vùng cao Lạng Sơn.

Cô trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Liên Hội tham gia ngày hội văn hóa dân tộc các trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Cô giáo Vy Thị Thúy Thơ chia sẻ về hành trình miệt mài giữ gìn và truyền lửa văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ giữa thời đại hội nhập.
Thắp lửa bản sắc dân tộc
Trong những lớp học nhỏ nơi vùng cao Lạng Sơn, cô Thơ lặng lẽ gieo mầm tình yêu văn hóa dân tộc cho học trò. Với cô, giáo dục văn hóa truyền thống không phải nhiệm vụ nhất thời mà là sứ mệnh suốt đời.
“Dạy ở trường bán trú với đa số học sinh dân tộc thiểu số, tôi luôn ý thức trách nhiệm gìn giữ bản sắc trong từng bài giảng. Mỗi tiết Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân, nhà trường luôn lưu ý giáo viên lồng ghép câu chuyện lịch sử, truyền thuyết, nghệ thuật, tín ngưỡng để khơi dậy niềm tự hào dân tộc nơi các em", cô Thơ chia sẻ.
Bên cạnh giờ học, trường tổ chức "ngày hội Tết quê em” với phần thi gói bánh chưng, bày mâm cỗ, chơi trò chơi dân gian, thu hút học sinh tham gia hào hứng. Mỗi tháng còn có “ngày giao tiếp bằng tiếng dân tộc” để học sinh sử dụng tiếng Tày, tiếng Nùng trong học tập và rèn luyện.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Liên Hội trình diễn trang phục truyền thống.
“Các em không chỉ học mà chơi - chơi mà học, mà còn được sống trong chính không gian văn hóa của mình. Đặc biệt, Ngày hội giao lưu văn hóa giúp các em trình diễn hát Then, Sli, Lượn, tái hiện lễ hội Lồng tồng, lễ cầu mưa, lễ cúng tổ tiên", cô Thơ nói. Theo cô, khi học sinh cảm nhận được hồn cốt văn hóa dân tộc, tình yêu quê hương sẽ đến tự nhiên, không áp đặt.
Cô Thơ cũng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng sáng tạo, kết hợp công nghệ và thực tiễn. Cô hướng dẫn học sinh thực hiện dự án tìm hiểu phong tục, lễ hội địa phương, giúp các em hiểu sâu sắc hơn về văn hóa dân tộc mình.
Bản lĩnh gìn giữ văn hóa trong thời đại mới
Trước sự lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai, cô Vy Thị Thúy Thơ càng nhận rõ vai trò người thầy, người Đảng viên trong định hướng tư tưởng học sinh. Giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn phải là người giữ lửa, đấu tranh trước những lệch lạc về văn hóa, tư tưởng.

Gian trưng bày của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Liên Hội.
“Im lặng trước những phát ngôn sai trái về văn hóa truyền thống cũng là đồng thuận thụ động. Khi thấy học sinh sính ngoại, coi thường di sản, tôi nhẹ nhàng phân tích, đưa dẫn chứng từ lịch sử, văn hóa, đời sống. Tôi giải thích để các em hiểu văn minh không đồng nghĩa với phủ nhận quá khứ, hiện đại không phải là chối bỏ cội nguồn.” cô nhấn mạnh.
Bản thân cô luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư duy phản biện để đấu tranh với nhận thức lệch lạc. Là Đảng viên, cô giữ vững quan điểm, tỉnh táo trước mọi âm mưu xuyên tạc giá trị văn hóa dân tộc. Đó là yêu cầu bắt buộc của giáo viên thời nay.
Ngoài giờ lên lớp, cô Thơ chia sẻ câu chuyện văn hóa, gương sáng giữ gìn di sản dân tộc lên mạng xã hội, lan tỏa giá trị tích cực đến cộng đồng. Với cô, dạy học hôm nay phải gắn liền công nghệ, gắn liền với thực tiễn giúp học sinh thêm tự hào về dân tộc mình.

Trang phục truyền thống của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn.
Theo cô, giáo dục văn hóa cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Chỉ như vậy mới hạn chế tình trạng học sinh trên lớp theo chuẩn nhưng về nhà lại sính ngoại.
Cô cũng làm gương từ những điều nhỏ nhất: mặc trang phục dân tộc trong dịp lễ, sưu tầm ca dao, tục ngữ, dân ca địa phương để đưa vào tiết dạy, kể chuyện lịch sử để học sinh dễ nhớ, dễ thấm. Có lần học trò hỏi: “Cô ơi, học hát Then để làm gì?” Cô mỉm cười trả lời: “Vì đó là máu thịt, là tiếng nói của ông bà ta.”
Tư tưởng sùng ngoại và bài xích văn hóa truyền thống không chỉ làm phai mờ bản sắc dân tộc mà còn đe dọa nền tảng tư tưởng, chính trị mà Đảng ta dày công xây dựng. Giáo dục văn hóa là giáo dục lòng yêu nước, nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng. Từ đó sẽ bảo vệ tư tưởng Đảng trong thời đại toàn cầu hóa. Đó cũng là con đường thầm lặng nhưng bền bỉ để học trò lớn lên tự hào dân tộc, vững vàng bước vào tương lai.