Hồi ức về thời thanh niên xung phong sôi nổi
Trong ánh mắt rưng rưng của các cựu thanh niên xung phong là những thước phim ký ức hiện về - bom rơi, đạn nổ, những người đồng đội đã nằm lại mãi mãi ở rừng sâu núi thẳm nhưng vẫn còn vẹn nguyên lời thề với Tổ quốc hôm nay.
"Ai cũng muốn ra tiền tuyến"
Ở dưới sân khấu Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Thanh niên Xung phong Việt Nam hôm nay, có các bác cựu thanh niên xung phong trào dâng cảm xúc khi xem chương trình nghệ thuật tái hiện lại cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Các bác đang nhớ về những người đồng đội đã hy sinh nơi chiến trường xưa, những ngày cùng nhau đi qua bao mưa bom bão đạn.
Chia sẻ với PV Báo Tiền Phong, bác Nguyễn Lam Châu - Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Bến Tre nhớ về thời xung phong ra tiền tuyến chiến đấu. Bác Châu bắt đầu tham gia thanh niên xung phong từ năm mười sáu tuổi, khi còn rất trẻ.
Khi được hỏi về lý do gác lại những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ để lên đường vào chiến trường, bác Châu nhớ lại:
"Hồi đó, chúng tôi còn trẻ lắm, mới 17, 18 tuổi thôi, cũng là con gái nên cũng có nhiều mơ mộng, nhiều khát khao riêng. Nhưng thời đó, đất nước bị tàn phá, bom đạn dội xuống quê hương, đồng bào, người thân bị giết hại. Cảnh tượng đó thôi thúc chúng tôi phải đứng lên, ai cũng muốn ra tiền tuyến".

Bác Nguyễn Lam Châu - Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Bến Tre xúc động khi xem chương trình nghệ thuật tái hiện lại những người đồng đội của mình hy sinh trên chiến trường.
Hành trình ấy, bác Châu bảo, chuyện riêng tư gần như không có chỗ. Bác Châu kể, nếu thanh niên xung phong ngày ấy muốn yêu đương hay có gia đình rồi thì sẽ không còn toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ được nữa.
"Tất nhiên, cũng có những lúc hành quân hay phục vụ chiến đấu mà được nghỉ ngơi đôi chút, tụi cô cũng hay vẫy tay chào các chú bộ đội, nghĩ về tương lai, nghĩ đến những điều riêng. Nhưng lúc nào cũng đặt cái chung lên trên hết, coi đó là động lực để tiếp tục", bác Châu nói.
Rưng rưng xúc động, bác Châu nói, ngày ấy, ai ai cũng muốn ra tiền tuyến. Bác nhớ lại người anh hùng Lê Trung Kiên đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân hy sinh khi bảo vệ một kho tàng, với viên đạn cuối cùng cũng bắn về phía địch. Hay kỷ niệm về Đại đội C2012 thuộc Tổng đội Thanh niên Xung phong giải phóng miền Nam. Khi tải thương ở chiến trường về căn cứ, đi ngang qua suối nước đầy, các anh chị đã sáng kiến dùng ván bắc ngang để tải thương và tải đạn qua...
Bác Châu cũng từng cùng đồng đội đã làm việc liên tục trong nhiều ngày mà không đói, không khát, để tiếp quản quận Mỏ Cày (cũ). "Tôi xúc động khi nghe những người dân nói lời biết ơn vì thanh niên xung phong và bộ đội đã cứu họ", bác Nguyễn Lam Châu - Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Bến Tre nhớ lại.
Ánh mắt đầy hy vọng, bác Châu tin tưởng rằng, thế hệ trẻ hôm nay sẽ luôn cảm thức trước câu nói: "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay".
Tình đồng đội, tình hữu nghị nồng ấm
Hoài niệm về thời thanh xuân sôi nổi, bác Nguyễn Xuân Bắc - từng ở Tổng đội Thanh niên xung phong 572 làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào vẫn vẹn nguyên ký ức sâu đậm nhất về cái Tết năm 1973, một cái Tết xa nhà nơi đất bạn. Trong làn gió xuân man mác nơi xứ lạ, nỗi nhớ quê hương quyện vào tình cảm với nhân dân nước bạn, trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp bác và đồng đội vững tâm, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế thiêng liêng.
Nhắc đến tình đồng đội, bác Xuân Bắc không thể quên hình ảnh người bạn chiến đấu thân thiết - anh Cao Văn Phát, quê ở Vĩnh Phúc. "Trong một lần ốm giữa rừng sâu, giữa những ngày thiếu thốn đến mức chỉ còn măng rừng để ăn, anh Phát đã âm thầm nhường phần thức ăn có vị mặn thứ xa xỉ nơi chiến trường cho tôi. Một hành động nhỏ, nhưng mang theo tình đồng chí keo sơn gắn bó. Tình đồng đội thời ấy sâu sắc lắm, gian khó mà ấm áp vô cùng. Những kỷ niệm như thế không bao giờ phai mờ được” - bác xúc động chia sẻ.

Bác Nguyễn Xuân Bắc (ở giữa) - từng ở Tổng đội Thanh niên xung phong 572 làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào, nay ở xã Hoàng Hoa Thám, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Châu Linh


Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay nguyện chung sức, chung lòng học tập và làm theo lời Bác; phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo; tiếp tục tham mưu chính sách, chương trình, hoạt động để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các cựu TNXP. Ảnh: Châu Linh
Không chỉ gắn bó với đồng đội, bác Xuân Bắc còn giữ trong tim những kỷ niệm đẹp về tình hữu nghị Việt - Lào. Ban ngày, các chiến sĩ làm việc cùng nhân dân bản địa, dựng trường, sửa đường, xây cầu. Tối đến, tiếng khèn, tiếng trống vang lên, bà con lại mời họ cùng múa Lam Vong, hát những bài ca đượm tình đất nước Lào.
“Những điệu múa Lam Vong năm xưa, đến giờ tôi vẫn còn nhớ”, bác cười hiền, ánh mắt bừng lên niềm tự hào của một thời tuổi trẻ cống hiến.