Giữ hồn nghề
Các làng nghề khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh những năm qua góp phần quan trọng giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân, tạo nguồn thu và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường đã gây không ít khó khăn, thách thức tới các ngành nghề, làng nghề truyền thống.
Nỗi lo mai một
Xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) từng là nơi có khá nhiều hộ dân theo nghề đan cót theo kiểu cha truyền con nối. Người dân tận dụng nguyên vật liệu sẵn có để đan cót. Theo lời ông Đỗ Xuân Thành, thôn Tiên Quang 2, xã Vinh Quang, khoảng 10 - 15 năm trở về trước nghề đan cót là nguồn thu nhập chính cho gia đình ông và nhiều hộ trong thôn. Tuy nhiên, những năm gần đây, do phải cạnh tranh với các sản phẩm nhựa phong phú về mẫu mã, giá thành lại rẻ nên thu nhập từ nghề đan cót thấp dần. Ông Thành chia sẻ, những người trong làng bám lại nghề đan cót giờ chỉ còn người lớn tuổi, còn lại lao động trẻ có sức khỏe, có trình độ đều đã thoát ly đi làm việc ở thành phố. Thu nhập thấp, nguồn nguyên liệu đắt và khan hiếm dần nên nhiều gia đình dù đã gắn bó với nghề cả chục năm cũng đành bỏ nghề tìm kiếm việc khác.

Người dân thôn Tân Cường, xã Tân An (Chiêm Hóa) giữ gìn nghề dệt thổ cẩm.
Không riêng nghề đan cót, nghề trồng, chế biến chè tại nhiều địa phương cũng đứng trước nguy cơ thu hẹp. Nguyên nhân của tình trạng trên là do thu nhập thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Ông Triệu Văn Đoan, chủ cơ sở sản xuất chè Tân Thượng, xã Lương Thiện (Sơn Dương) chia sẻ: Làm chè thu nhập mỗi tháng cũng chỉ được 5-6 triệu đồng/tháng đối với những hộ có diện tích chè lớn và về mùa chè, còn không là không có thu nhập, trong khi đi làm tại các khu, cụm công nghiệp là 5 - 7 triệu đồng/tháng. Sức cạnh tranh kinh tế thấp nên hầu hết lao động, đặc biệt là lao động trẻ luôn có xu hướng tìm việc làm bên ngoài thay vì gắn bó với những ngành nghề, làng nghề truyền thống.
Một thách thức nữa đặt ra với các làng nghề, ngành nghề nông thôn là việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống cũng gặp không ít khó khăn; các làng nghề truyền thống chủ yếu sản xuất các sản phẩm truyền thống, thủ công, đơn điệu, chưa có tính mỹ nghệ, chưa được cơ giới hóa trong khâu xử lý nguyên liệu...
Báo cáo đánh giá của Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, các cơ sở ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, thiết bị công nghệ sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, năng lực trình độ tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, thiếu vốn, tính liên kết và hợp tác trong sản xuất còn yếu; sản phẩm hàng hóa của làng nghề nông thôn chưa đa dạng là những nguyên nhân tác động đến sự phát triển của các ngành nghề, làng nghề hiện nay.
Nỗ lực bảo tồn, phát triển
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng, hiện nay, toàn tỉnh có trên 25.000 cơ sở ngành nghề nông thôn, trong đó có trên 7.000 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; trên 14.600 cơ sở dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn; trên 2.900 cơ sở sản xuất đồ gỗ, mây, tre đan, còn lại là ngành nghề nông thôn khác. Đã có trên 200 sản phẩm của các làng nghề, ngành nghề nông thôn được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao.

Hợp tác xã chè Tân Thượng, xã Lương Thiện (Sơn Dương) được hỗ trợ máy sao chè công suất lớn.
Đồng chí Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn và Quản lý chất lượng cho biết: Bảo tồn, phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống, ngành đã phối hợp với ngành Công thương, các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề thông qua dự án hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong giai đoạn 2021 - 2024, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 45 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất với tổng kinh phí 7,74 tỷ đồng. Trong đó, khuyến công quốc gia hỗ trợ 14 đơn vị kinh phí 4,1 tỷ đồng, khuyến công địa phương hỗ trợ 31 đơn vị với kinh phí 3,64 tỷ đồng.
Ngành cũng tham mưu với tỉnh đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, đặc biệt chú trọng những sản phẩm có chất lượng cao, mang tính truyền thống đặc trưng của ngành nghề; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện của từng địa phương, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hướng tổ chức nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, chất lượng đảm bảo gắn với chế biến và tiêu thụ; chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, làng nghề.
Hy vọng rằng với những giải pháp đã và đang thực hiện, ngành nghề, làng nghề nông thôn sẽ được bảo tồn và phát triển bền vững, tạo ra các giá trị kinh tế cho người dân vùng nông thôn.