Giữ gìn và phát huy truyền thống, đạo lý 'Tôn sư trọng đạo' của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới
'Chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo cần được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề giáo cần phải được giữ gìn. Điều này cần nhiều phía và liên quan đến nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính mỗi nhà giáo chúng ta'.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - Nguyễn Kim Sơn đã viết như vậy trong thư gửi nhà giáo cả nước khi ông vừa nhậm chức, với mong muốn lấy lại hình ảnh, vị thế nhà giáo trong bối cảnh nhiều tác động đa chiều của xã hội,...
Không có thầy giáo thì không có giáo dục
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đánh giá rất cao vai trò người thầy. Bác nói: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất,... Những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Nhà giáo được vinh danh là “kỹ sư tâm hồn”, nghề dạy học là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Sự vinh danh ấy đặt ra một yêu cầu khắt khe về chuyên môn và nhân cách, đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo phải biết vượt qua khó khăn, mang hết tâm huyết, trí tuệ, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Trong xã hội hiện đại, mặc dù khoa học - kỹ thuật phát triển, nhiều tiện ích có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người nhưng có lẽ không gì có thể thay thế được vị trí của người thầy. Bởi, dù thế nào đi chăng nữa, người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người truyền vào tâm hồn học trò những điều hay lẽ phải, gieo mầm thiện để nhân lên những giá trị tốt đẹp trong tâm can của học trò.
Công nghệ giáo dục dù có hiện đại đến đâu cũng chỉ là phương tiện mang tính hỗ trợ cho bài giảng của thầy, còn vai trò quan trọng truyền cảm hứng chinh phục tri thức cho học trò vẫn là người thầy trên bục giảng, là phấn trắng, bảng đen. Thầy là người truyền lửa ham học cho học trò, khơi lên trong học sinh những ước mơ, hoài bão để thổi lên khát vọng cao đẹp trong tương lai. Thầy là người định hướng để học trò khám phá, tìm tòi tri thức.
Chúng ta đã từng biết có những lớp học đặc biệt hiện hữu ngay trong lòng phố thị. Ví như lớp học Cầu Vồng được khai sinh để bù đắp những thiệt thòi, mất mát cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật ở những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM,...Dạy học với trẻ bình thường đã khó, với trẻ khuyết tật thì lại khó khăn gấp bội phần. Tiền công chẳng có. Vậy mà có đến hàng trăm con người tình nguyện tham gia đóng góp công sức và trí tuệ chỉ vì muốn gieo mầm tri thức từ những yêu thương.
Thầy, cô ở đây không chỉ giỏi về trí tuệ mà họ rất giàu lòng nhân ái, đức tính kiên nhẫn và vô cùng sáng tạo. Có như vậy mới mang được con chữ gieo vào cánh đồng những tâm hồn sinh ra không trọn vẹn. Và còn biết bao nhiêu người thầy nữa trên dải đất hình chữ S này vẫn âm thầm hy sinh, cống hiến cho nền giáo dục nước nhà.
Họ có thể được vinh danh, có thể bị người đời chê bai cho là “ăn cơm nhà nhưng đi vác tù và hàng tổng”, nghỉ hưu rồi không biết nghỉ ngơi mà còn mở lớp học tình thương chi cho vất vả... Thế nhưng, bất luận trong tình thế nào họ vẫn hăng say làm việc, không quản ngại khó khăn chỉ vì mong muốn mọi đứa trẻ sinh ra đều được học, được hưởng nền văn minh nhân loại.
Vì vậy, cho nên, người thầy trong xã hội ngày nay vẫn phải là chuẩn mực của đạo đức, nhân cách và trí tuệ. Không chỉ dừng lại ở nhân cách, giá trị đạo đức truyền thống mà phải là những nhà giáo dục hiện đại. Không chỉ là tấm gương tự rèn luyện nâng cao trình độ mà còn là những người thầy công minh, biết lắng nghe, chia sẻ, thậm chí là tranh luận với người học để đi đến tận cùng lẽ đúng – sai; không chỉ là người chuyển tải tri thức mà còn là người định hướng, truyền cảm hứng cho người học, làm cho người học có ý thức tự giác về việc học với sự nỗ lực hết mình của cá nhân; đồng thời, năng lực sáng tạo được khai mở, được tạo môi trường để thể hiện các năng lực của bản thân. Sự nỗ lực, cống hiến của đội ngũ thầy, cô giáo là tấm gương tốt nhất, là thước đo, đích đến để học sinh ngưỡng mộ và noi theo.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển GD&ĐT, Đảng ta luôn xác địch GD&ĐT là sự nghiệp của Đảng, toàn dân, là quốc sách hàng đầu; đặc biệt coi trọng vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (QLGD), góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Những năm qua, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD đã luôn bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD phát triển nhanh về số lượng, hợp lý về cơ cấu và phân bố khá toàn diện trong các cấp bậc học với gần 1,5 triệu người, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cơ chế, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD từng bước được bổ sung hoàn thiện, góp phần hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD yên tâm, tận tâm cống hiến cho sự nghiệp phát triển GD&ĐT nước nhà.
Những vấn đề đặt ra do sự tác động nhiều chiều của xã hội
Đất nước đang trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những tác động không mong muốn của nền kinh tế thị trường và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các quan niệm sai lầm, có phần quá trớn về tinh thần dân chủ, bình đẳng trong giáo dục khiến không ít người có sự thay đổi về các chuẩn giá trị đạo đức, quan hệ thầy - trò, gia đình - nhà trường,... Điều đó, đặt nhà giáo trước những yêu cầu phải thay đổi để vừa thích ứng, vừa phải đảm bảo gìn giữ những giá trị cơ bản về đạo đức, nhân cách của nghề làm thầy. Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều vấn đề giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông đã phần nào ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, đánh giá của xã hội về nhà giáo. Quan hệ thầy - trò đã, đang bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố tiêu cực. Những yếu tố này thuộc về nhiều phía thầy, cô giáo - xã hội - học trò.
Về phía người thầy, cũng có người còn hạn chế về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; chưa đáp ứng được yêu cầu của GD&ĐT trong giai đoạn mới; cũng có người còn vi phạm các quy tắc giáo dục học sinh, hoặc có hành vi tiêu cực trong việc tổ chức dạy thêm, học thêm, thi cử,... khiến cho xã hội có “cái nhìn khác” về hình ảnh người thầy, một biểu tượng vốn rất thiêng liêng trong xã hội.
Về phía học sinh, cũng có những em chưa ngoan, hành động trái với đạo lý như cãi lại thầy cô, thậm chí là hành hung thầy, cô giáo khi mắc lỗi và bị xử lý. Những hành động này đã làm cho giá trị đạo đức trong môi trường giáo dục xuống cấp nghiêm trọng. Mối quan hệ thầy, trò đã bị hoen ố và giá trị của “Tôn sư trọng đạo” đã bị ảnh hưởng ít nhiều.
Về phía xã hội, chủ trương xã hội hóa giáo dục bên cạnh mặt tích cực, cũng đã bộc lộ những mặt trái của nó. Có những phụ huynh đã tận dụng triệt để chủ trương này mà dùng tiền để chi phối các mối quan hệ trong giáo dục. Không ít phụ huynh vì bênh con mà có lời lẽ, hành động nóng vội, thiếu kiềm chế, thậm chí là thiếu tôn trọng, xúc phạm thầy, cô giáo và nhà trường. Điều đó đã hạ thấp hình ảnh cao quý của người Thầy và nền giáo dục xuống những nấc thang đáng lo ngại.
Đành rằng có thể đâu đó vẫn còn những thầy, cô giáo vì khó khăn trước mắt trong cuộc sống, đã để cho lợi ích vật chất, tiền bạc len lỏi, chi phối mối quan hệ thầy - trò. Có thể đâu đó vẫn còn hiện tượng xử lý tình huống mang tính chất bạo lực với học sinh nhưng phần lớn các thầy, cô giáo vẫn kiên định, bản lĩnh, giữ vững cốt cách của nhà giáo. Ánh sáng của lương tri, ngọn lửa của trí tuệ, tình thương yêu con trẻ của những người cầm phấn đã vun đắp cho thầy, cô niềm tin vào nghề dạy học. Đa số các nhà giáo đều hiểu rằng ngoài kiến thức, nhân cách mới là tấm gương để thuyết phục học sinh và phụ huynh.
Vì vậy, có thể nói, “Tôn sư trọng đạo” dù là ngày xưa hay hôm nay và mãi mãi mai sau vẫn luôn là một nét đẹp văn hóa không gì thay thế được của dân tộc Việt Nam. Người thầy luôn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Nói như “Vạn thế Sư biểu” Chu Văn An - biểu tượng thiêng liêng về trí tuệ, đạo đức và hình ảnh người thầy của dân tộc Việt Nam từng nói: “Ta chưa từng thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”./.