Giữ gìn làng nghề truyền thống 300 năm, Hà Tĩnh hướng tới du lịch bền vững
Làng Bến Hến (xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ) nổi bật với nghề làm hến truyền thống và cảnh sắc hoang sơ, được địa phương bảo tồn kết hợp phát triển du lịch nhằm giữ gìn văn hóa và thúc đẩy kinh tế.
Nằm bên bờ sông La, xã Trường Sơn (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống gắn liền cuộc sống sông nước. Trong đó, nghề làm hến tại làng Bến Hến đã tồn tại bền bỉ qua nhiều thăng trầm, không chỉ tạo việc làm cho người dân địa phương mà còn góp phần bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của vùng quê.

Nép mình bên dòng sông La, Bến Hến (xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ) chỉ còn 60 hộ còn gắn bó với nghề đãi, chao hến.
Ông Trần Đình Tài, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, khu vực chế biến hến tại thôn Bến Hến đã được đầu tư quy hoạch khang trang, hiện đại, gắn liền với du lịch trải nghiệm dọc bờ sông La nhằm thích ứng với xu thế phát triển làng nghề truyền thống.
Toàn bộ khu vực trải dài khoảng 400m với hàng chục lán kiên cố, rộng từ 3-5m², lợp mái tôn. Đặc biệt, các dụng cụ chế biến được trang bị đồng bộ và quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và thu hút du khách.




Mỗi khi thuyền cập bến, những người phụ nữ lại bắt đầu công việc đãi hến của mình.
Hằng năm, từ tháng Giêng đến tháng 8 âm lịch, người dân làng Bến Hến bắt đầu mùa khai thác hến và dắt. Do nguồn hến ở sông La ngày càng cạn kiệt, nhiều người phải mở rộng sang sông Lam (Nghệ An) để tiếp tục khai thác.
Anh Lê Khắc Duyệt (45 tuổi, xóm 4, làng Hến) cho biết, hiện nay nhờ máy móc hiện đại, việc cào hến trên thuyền máy trở nên dễ dàng hơn nhiều. Trong điều kiện thuận lợi, người dân có thể thu hoạch hàng tạ hến mỗi ngày.
Sau khi đánh bắt, hến được ngâm để loại bỏ bùn cát, rồi luộc ngay tại bờ sông với mỗi mẻ từ 20-30 kg, trong khoảng 15-20 phút với lửa lớn được duy trì đều.


Mỗi mẻ luộc thường từ 20 - 30 kg hến, kéo dài trong khoảng 15 - 20 phút với yêu cầu là lửa phải to, được duy trì đều.
Việc luộc, chao hến không khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo để hến mở miệng mà không bị nát.
Bà Nguyễn Thị Sang (55 tuổi) cho biết, công việc bắt đầu từ rạng sáng hoặc khoảng 14h chiều, khi thuyền phu hến cập bến, các phụ nữ làng Bến Hến lại tất bật chế biến.
Giá hến hiện dao động từ 120-150 nghìn đồng/kg, còn con dắt nhỏ hơn khoảng 70-80 nghìn đồng/kg. Hến Đức Thọ được xem là đặc sản, dù nguồn cung ngày càng khan hiếm nhưng không lo đầu ra vì khách hàng ở nhiều tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An và TP.HCM đều tìm mua.
Chị Lê Thị Hoa (55 tuổi, xóm 4) cho biết, phần lớn hến được bán tại chợ Hôm (thị trấn Đức Thọ), với lượng bán mỗi ngày khoảng 15-20 kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi người thu nhập vài trăm nghìn đồng mỗi ngày.



Nâng cao chất lượng cho sản phẩm hến, tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Hến và dắt tại làng Bến Hến được khách hàng mua về chế biến nhiều món truyền thống như hến nấu canh hẹ, canh rau vặt, canh mít hay xào giá đỗ.
Bà Lê Thị Huyền Trang, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Đức Thọ, cho biết, gắn với mô hình du lịch trải nghiệm, làng nghề hến Trường Sơn là điểm đến quan trọng trong đề án phát triển du lịch trên sông La của huyện.
"Chính quyền đang từng bước quy hoạch, chỉnh trang để bảo tồn và phát huy thế mạnh của làng nghề truyền thống, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm hến nhằm khẳng định vị thế trên thị trường", bà Trang chia sẻ thêm.